28/11/2018 11:45 GMT+7

Người Việt vẫn khao khát xem phim Việt?

NGỌC DIỆP  - HOÀNG LÊ - HÀ AN
NGỌC DIỆP - HOÀNG LÊ - HÀ AN

TTO - Như một quy luật, hành trình của phim truyền hình Việt cũng có lúc thăng, trầm. Phải chăng, phim Việt đang ở thời kỳ quá độ - như thể 'sau cơn mưa, trời lại sáng'?

Người Việt vẫn khao khát xem phim Việt? - Ảnh 1.

Từ trái qua: phim Người phán xử, Xin chào hạnh phúc và Sống chung với mẹ chồng đã thu về tiền tỉ quảng cáo

Ở một khía cạnh nào đó, tuy phim Việt không có lợi thế cạnh tranh về quy mô đầu tư, kinh phí sản xuất so với phim nước ngoài, nhưng lại có thế mạnh riêng ở mảng nội dung khai thác vấn đề mang tính bản sắc văn hóa Việt, thể hiện được tâm tư tình cảm con người Việt. Đó chính là điểm mà chúng ta phải biết cách khai thác.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải

Vì quan niệm cần có rating cao, có quảng cáo, đồng nghĩa với có lãi, nhiều nhà làm phim chỉ khai thác "vùng an toàn" là đề tài tình yêu, ngoại tình, mẹ chồng nàng dâu, ôsin và chủ...

Chưa kể, phim truyền hình Việt sau thời kỳ cố nhồi nhét những "tư tưởng" sống sượng, nay lại cố chạy theo cái gọi là "thị hiếu".

Phim Việt vẫn có thể sống tốt

"Nếu tham vọng phản ánh hiện thực xã hội với những vấn đề thời sự đang diễn ra mà chỉ làm những phim kiểu "mô phỏng sự kiện" thì nên bỏ làm phim, chỉ làm phóng sự truyền hình. Phim trước hết phải có sự hấp dẫn" - một đạo diễn truyền hình bày tỏ quan điểm.

Phim truyền hình có thế mạnh hơn hẳn phim điện ảnh ở việc có thể tiếp cận đến nhiều vấn đề tiểu tiết nhất của đời sống. Và như "mưa dầm thấm lâu", nó có hiệu quả hơn trong việc truyền bá văn hóa truyền thống, thậm chí cả giáo dục lối sống qua phim. Nhưng đúng như vị đạo diễn trên nói, dù mang sứ mệnh gì thì trước nhất cũng phải hấp dẫn.

"Tôi ngạc nhiên khi xem một số phim của Iran, câu chuyện rất đơn giản nhưng lại sâu sắc. Nhưng ngạc nhiên hơn là số đông người dân của họ xem được, hiểu được và thích thú. Chứng tỏ dân trí của họ ở mức cao. Như vậy, không phải cứ làm phim cho số đông thì cần bình dân; mà phim hay tất sẽ lôi cuốn và nâng dần thị hiếu của người xem" - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ suy nghĩ nhân nói về việc "chạy theo hay là dẫn dắt thị hiếu".

Nhìn lại phim Việt, ông nhận định: "Phim của mình hiện nay chỉ để giải trí, người làm phim nghĩ đến lợi nhuận nhiều hơn là nghĩ đến trách nhiệm với xã hội. Trong khi đó truyền hình đang có vị thế lớn trong việc giáo dục đời sống. Phim ảnh là cách giáo dục nhẹ nhàng, êm ái và dễ vào nhất".

Nhưng phải thấy rằng phim Việt có một lợi thế mà phim ngoại nhập không thể cạnh tranh. Ông Nguyễn Quốc Hưng, phó giám đốc TFS, cho rằng: "Sản phẩm phim ảnh là một sản phẩm đặc biệt, thuộc về lĩnh vực tinh thần chứ không là sản phẩm vật chất thuần túy. Phim Việt dù không thể cạnh tranh được với phim ngoại nhưng người Việt vẫn khao khát xem phim Việt vì đó mới chính là câu chuyện của mình, con người mình, tâm tư, tình cảm của mình".

Về điều này, ông Lê Quang Nguyên khẳng định với Đài PT-TH Vĩnh Long, giờ phim Việt vẫn sống tốt trong bối cảnh cạnh tranh với phim ngoại và sự đa dạng các chương trình giải trí: "Qua hai hệ thống đo lường khán giả Tam và Kanta, phim Việt vẫn đứng cao nhất trong dòng giải trí của nhà đài, cao hơn từ hai đến ba lần phim nước ngoài, cao hơn cả những chương trình giải trí được đầu tư lớn. Điều quan trọng là phim phải có chất lượng, và các phim phải có chất lượng đều nhau thì mới giữ chân được khán giả".

Đưa phim đến với tiểu thương

pv

Diễn viên phim Gạo nếp gạo tẻ tiếp thị phim tại chợ Bà Chiểu, TP.HCM - Ảnh: H.Lê

Không phải đơn giản Gạo nếp gạo tẻ trở nên có sức hút với đông đảo khán giả. Ngay từ khi phim lên kế hoạch sản xuất, một kế hoạch bài bản về tiếp thị phim đã được vạch ra.

Đây là bộ phim Việt đầu tiên mà diễn viên đi một tour các tỉnh thành, ra ngoài chợ để tiếp thị phim khi nhận thấy khán giả xem truyền hình phần lớn là các bà nội trợ, những tiểu thương...

Biên kịch đạo diễn Hoàng Anh cho biết: "Bây giờ các cô tiểu thương ít coi tivi truyền thống. Sau khi dọn hàng xong, mỗi người trên tay một cái điện thoại thông minh rồi xem lại phim chiếu trên YouTube. Từ thực tế đó, chúng tôi quyết định đẩy phim lên YouTube của mình nhanh hơn".

Trải nghiệm đó của nhà làm phim Gạo nếp gạo tẻ càng cho thấy các nhà làm phim cần suy nghĩ và đầu tư nhiều hơn cho dòng phim tiếp cận khán giả qua nền tảng xem phim trực tuyến.

Cải tiến các khâu và nghệ thuật quảng bá

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết sản xuất phim thiếu hoạch định sẽ khó đi được đường dài. "Hoạch định kế hoạch phát sóng ít nhất phải có dự trữ cho ba năm, tầm nhìn năm năm. Còn với cách ăn xổi hiện nay, phim truyền hình sẽ chỉ luẩn quẩn với đề tài gia đình, yêu đương thôi".

Cũng có chung quan điểm, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng "cần phải có chiến lược". Theo ông, một đơn vị sản xuất phim, nhất là đơn vị có tiền Nhà nước cấp như Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN (VFC), thì càng cần có một kế hoạch.

Như năm nay cần làm một phim về đề tài nông thôn, đề tài công nhân, phim thiếu nhi... Cần phân khúc để bên cạnh dòng phim mạnh về giải trí có thể đạt doanh thu tốt thì phải có những phim có tầm hơn thể hiện ở đề tài, ở đầu tư cho kịch bản, thiết bị...

Ở Đà Lạt hơn một tháng qua để quay phim Hoa cúc vàng trong bão, đạo diễn Nhâm Minh Hiền nói: "Bây giờ chúng ta phải làm phim thật quyết liệt ở tất cả các phần bối cảnh, nội dung, diễn viên thì mới có thể thu hút khán giả được". Anh cho rằng để phim có chất lượng cần cải tiến ở tất cả các khâu, nhưng kịch bản là khâu đầu tiên cần phải chú trọng.

Thù lao viết kịch bản phải tương xứng để các nhà biên kịch chuyên tâm dành thời gian viết ra sản phẩm chỉn chu. Chứ hiện tại, đạo diễn, diễn viên ra hiện trường cứ phải liên tục sửa thoại để "đời thường" hơn và hợp với tình huống. Ngoài việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, việc đào tạo con người là cực kỳ quan trọng.

Và sau câu chuyện chất lượng là chuyện quảng bá, tiếp thị phim. Trước đây chỉ các hãng phim phía Nam mới đầu tư mạnh cho khâu này. Những năm gần đây, phim phía Bắc rất chú trọng quảng bá.

Thành công của một số phim do VFC sản xuất có sự tác động lớn của nghệ thuật quảng bá, như phim Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Quỳnh búp bê, Xin chào hạnh phúc... Các phim này thu về từ xấp xỉ 100 đến hàng trăm tỉ đồng tiền quảng cáo.

Nhưng dĩ nhiên, tiếp thị đi đôi với chất lượng vẫn là cách "đốn tim" khán giả hữu hiệu nhất. Bởi quảng bá quá đà mà phim không thu hút sẽ khiến khán giả mất niềm tin.

VFC không từ bỏ dòng phim chính luận

Xung quanh câu chuyện Đài truyền hình VN dự kiến thay đổi khung giờ phát sóng phim Việt trên VTV1 vào năm 2019, ông Đỗ Thanh Hải - giám đốc VFC - trao đổi thêm với Tuổi Trẻ:

Về kế hoạch sản xuất, VFC vẫn giữ nguyên và có thể một khung giờ phim truyện VN mới trên VTV1 sẽ thay cho khung giờ phim nước ngoài. Đây cũng là một thách thức mới để VFC tiếp tục nỗ lực tạo nên những bộ phim chất lượng.

Dự định khung giờ mới dành cho phim Việt sẽ vào 13h thứ bảy, chủ nhật trên VTV1 nên chúng tôi cần khảo sát kỹ về khán giả, hiểu được nhu cầu của người xem để từ đó lựa chọn đề tài, nội dung phù hợp.

Các bộ phim truyện truyền hình trên VTV1 từ trước tới nay vẫn ưu tiên về đề tài chính luận, gia đình, tâm lý xã hội...

VFC không từ bỏ dòng phim chính luận, thời gian tới VFC sẽ có một vài bộ phim ở thể loại này. Hiện tại chúng tôi đang trong giai đoạn hoàn thiện kịch bản một câu chuyện về chống tham nhũng, nhóm lợi ích quan chức - doanh nghiệp. Kịch bản do nhà văn Phạm Ngọc Tiến viết và đã mất gần 3 năm để hoàn thiện.Vĩnh Hà ghi

Phim Việt hết thời nở rộ, đang độ... lụi tàn Phim Việt hết thời nở rộ, đang độ... lụi tàn

TTO - Hầu hết các đơn vị sản xuất phim truyền hình đang sống lay lắt hoặc ngưng hẳn. Nếu hơn một thập kỷ trước, phim truyền hình nở rộ thì bây giờ đang lụi tàn.

NGỌC DIỆP - HOÀNG LÊ - HÀ AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên