22/08/2018 14:36 GMT+7

Đừng xuê xoa khi chơi hụi vì bị giật hụi biết kêu ai

M.KHÔI - QUỐC DŨNG
M.KHÔI - QUỐC DŨNG

TTO - Bản chất ban đầu của hụi (họ) là hoạt động góp vốn, mang tính chất tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, nhưng hiện nó đang biến tướng thành một hình thức huy động vốn với lãi suất hấp dẫn khiến nhiều người hám lợi phải nếm “trái đắng”.

Đừng xuê xoa khi chơi hụi vì bị giật hụi biết kêu ai - Ảnh 1.

Tình trạng chơi hụi phát sinh tranh chấp, bể hụi, vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi thời gian qua gây mất an ninh trật tự ở các địa phương, nhất là các miền quê vốn dĩ rất thanh bình. Vấn đề là tại sao có vụ việc bị xử lý hình sự, lại có vụ chỉ xử lý dân sự?

Bị giật hụi, biết kêu ai!

Bà N.T.N. (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) - đại diện gần 100 gia đình là nạn nhân của vụ vỡ hụi tại địa phương - vừa gửi đến báo Tuổi Trẻ thắc mắc: 

"Chúng tôi chơi hụi với số tiền khá lớn, có người vài chục triệu, có người đến vài trăm triệu đồng. Sau một thời gian đột nhiên chủ hụi tuyên bố bể hụi. Chúng tôi gửi đơn tố cáo nhưng phía công an trả lời đây là tranh chấp dân sự nên không giải quyết".

Theo bà N., trong năm 2017, tin tưởng bà Nguyễn Thị S. (ngụ cùng xã), là người có uy tín tại địa phương, nên nhiều người đã tham gia chơi hụi do bà làm chủ. 

Bà S. đã huy động hàng trăm người chơi với tổng số tiền hơn 17 tỉ đồng. Đến kỳ hốt hụi, bà S. cứ hứa lần rồi sau đó tuyên bố bể hụi.

Hàng trăm người dân đã kéo đến nhà bà S. đòi tiền nhưng bà này chỉ hứa sẽ trả dần khi có tiền nên họ đã làm đơn tố cáo gửi công an huyện. 

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ, công an huyện cho biết việc chơi hụi là do người dân tự thỏa thuận góp vốn với nhau để sinh lời, đây chỉ là vấn đề dân sự giữa đôi bên nên hướng dẫn người dân làm đơn gửi tòa án để được giải quyết.

Bà N. hỏi: "Vì sao tôi đọc báo thấy nhiều vụ giật hụi bị công an điều tra xử lý hình sự và buộc trả tiền cho người chơi, còn vụ của chúng tôi không được giải quyết?". 

Bà N. dẫn chứng ngày 3-7 vừa qua, TAND Vĩnh Long xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ xã Bình Phước, huyện Mang Thít) 9 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

TAND tỉnh Tây Ninh cũng vừa xử chủ hụi Ngô Thị Thu Hương (ngụ xã Thạnh Đức, H.Gò Dầu, Tây Ninh) về cùng tội danh trên. 

Mới đây, ngày 9-8, Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ hụi Huỳnh Thị Nhân (ngụ xã Long Đức, TP Trà Vinh) do có hành vi lừa đảo các hụi viên trên 1 tỉ đồng?

Giải quyết thế nào?

Thạc sĩ luật Phạm Văn Chung - trưởng phòng bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) - cho biết vấn đề này sẽ xảy ra 2 trường hợp sau:

Thứ nhất, theo điều 31 nghị định 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi) thì giải quyết tranh chấp được quy định: Trong trường hợp có tranh chấp sẽ được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia. 

Tranh chấp đó được giải quyết tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng dân sự.

Như vậy, theo quy định trên, nếu chủ hụi không chịu trả tiền, các bên có thể thương lượng, hòa giải với nhau, nếu không được có thể khởi kiện ra tòa. 

Khi khởi kiện cần cung cấp đầy đủ các chứng cứ liên quan đến sự tồn tại của hụi như các bản cam kết, thỏa thuận, văn bản thỏa thuận về hụi được công chứng, sổ họ (nếu có)...

Thứ hai, trong trường hợp chủ hụi có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hình sự quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015. Mức phạt tù có thể lên đến 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên.

Căn cứ theo quy định này, nếu chủ hụi có các hành vi bỏ trốn, gian dối để chiếm đoạt tài sản, hoặc sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp khác dẫn đến không còn khả năng chi trả có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ông Chung ví dụ: "Vụ vỡ hụi ở Trà Vinh, khi chủ hụi Huỳnh Thị Nhân dùng thủ đoạn gian dối tự ý lấy tên hụi viên để hốt hụi, lấy tiền dùng vào mục đích cá nhân mà không có khả năng chi trả và bỏ trốn thì bị xử lý hình sự".

Phòng ngừa rủi ro khi chơi hụi

Tranh chấp về hụi hầu hết đều được giải quyết theo con đường dân sự, trừ trường hợp chủ hụi có hành vi gian dối, bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản thì nên làm đơn tố cáo đến cơ quan công an để xem xét xử lý hình sự.

Vậy khi chơi hụi, người dân cần làm gì để tránh rủi ro? Trao đổi với Tuổi Trẻ, các luật sư, chuyên gia luật và cơ quan điều tra đều thống nhất: để đảm bảo quyền lợi, phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra, người tham gia chơi hụi nên thực hiện thỏa thuận bằng văn bản và văn bản thỏa thuận về hụi nên được công chứng, chứng thực. 

Như vậy, khi xảy ra tranh chấp (giật hụi), bể hụi hoặc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới có cơ sở để yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, bởi thỏa thuận bằng lời nói rất khó bảo vệ tốt quyền lợi của mình khi xảy ra tranh chấp.

Một điều tra viên từng xử lý vụ giật hụi trên 130 người ở Tây Ninh cảnh báo thêm: "Một trong những thủ đoạn mà chủ hụi hay dùng là khai khống số hụi viên tham gia dây hụi để lừa hụi viên. Do đó, các hụi viên cần phải thường xuyên kiểm tra, nắm chắc số người tham gia, nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, gian dối thì rút vốn, ngừng chơi".

Theo điều 471 Bộ luật dân sự năm 2015, việc tổ chức hụi có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của bộ luật này, tức không quá 20%/năm. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn (20%) mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực, từ đó có thể nhận định khả năng bị lừa rất cao.

Đối với các trường hợp vỡ nợ do nguyên nhân khách quan, chủ hụi, hụi viên không có ý thức chiếm đoạt tài sản người chơi, không bỏ trốn hoặc có cam kết thanh toán nợ thì không bị xử lý hình sự.

Những trường hợp này, cơ quan công an sau khi tiếp nhận đơn thư tố giác tội phạm đều hướng dẫn người dân khởi kiện dân sự.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay khi vỡ hụi, người chơi hầu hết không thu hồi được số tiền đã bỏ ra do chủ hụi hoặc người hốt hụi không còn khả năng trả nợ.

Hầu hết các vụ bể hụi, người chơi đều lâm cảnh trắng tay. Vì vậy, người dân nên lựa chọn những chủ hụi, hụi viên thật sự có uy tín, mức lãi suất không vượt quá quy định.

Mở hụi mỗi kỳ 100 triệu trở lên phải khai báo? Mở hụi mỗi kỳ 100 triệu trở lên phải khai báo?

TTO - Dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 144/2006/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường đang được công bố để lấy ý kiến người dân với nhiều quy định kỳ vọng hạn chế những rủi ro từ các hoạt động biến tướng.

M.KHÔI - QUỐC DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên