10/12/2018 20:00 GMT+7

Dùng Twitter bắt 'Đao phủ chuyên nghiệp'

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Takahiro Shiraishi dùng Twitter dụ dỗ các cô gái chán đời đến nhà rồi giết người, phân xác. Song, chuyên gia Sueki Hajime khẳng định mọi ý định kiểm soát mạng xã hội để ngăn chặn tự tử rồi sẽ thất bại.

Dùng Twitter bắt Đao phủ chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Sát thủ Takahiro Shiraishi và căn hộ xảy ra các vụ giết người, phân xác ở Zama - Ảnh: newsonjapan.com

Ngày 10-9-2018, cơ quan công tố ở Tokyo (Nhật) đã chính thức khởi tố sát thủ Takahiro Shiraishi (27 tuổi) về 9 tội danh giết người, 8 tội danh hiếp dâm và chiếm đoạt tài sản có tình tiết tăng nặng.

Cách đây 5 tháng, cơ quan công tố đã yêu cầu chuyển Shiraishi đến trung tâm giám định tâm thần. Kết quả giám định khẳng định Shiraishi không có bất thường về tâm lý và gây tội ác có mưu tính, như vậy đã đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Trên thực tế mạng xã hội là công cụ tốt để nhận diện người có xu hướng tự tử.

Nhà tâm lý học lâm sàng SUEKI HẠIME

Từ Twitter gài bẫy bắt hung thủ

Một năm trước, vào ngày 24-10-2017, cảnh sát thành phố Hachioji nhận được một cú điện thoại của một người báo tin cô em gái 23 tuổi mắc chứng trầm cảm mất tích. Tài khoản Twitter của cô em gái này có liên hệ với một người lấy biệt danh "Kubitsuri-shi" (Đao phủ chuyên nghiệp).

Cảnh sát dùng một phụ nữ tình nguyện gài bẫy hẹn hò. Gã "Đao phủ chuyên nghiệp" (Takahiro Shiraishi) sập bẫy, ra điểm hẹn tại trạm tàu điện ngầm chờ. Khi thấy không ai đến, hắn quay về nhà tại Zama cách Tokyo 35km.

Cảnh sát bám theo, gọi cửa và hỏi thẳng hắn giấu cô gái mất tích ở đâu. Hắn trả lời trong ngăn lạnh. Kết quả khám xét thật khủng khiếp. Trong nhà có nhiều phần thi thể người. Shiraishi bị bắt giữ ngày 31-10-2017.

Theo cáo trạng, từ ngày 23-8 đến 23-10-2017, Shiraishi đã phân xác 8 phụ nữ và 1 nam giới tuổi từ 15-26 tuổi trong căn hộ của hắn. Bị can khai nhận đã dùng dây siết cổ các nạn nhân rồi lấy tiền tiêu xài và quan hệ tình dục (8 nạn nhân nữ đều bị xâm hại tình dục).

Dùng Twitter bắt Đao phủ chuyên nghiệp - Ảnh 3.

Căn hộ của Takahiro Shiraishi ở khu phố đông đúc nhưng không ai hay biết tội ác xảy ra - Ảnh: Kyodo News

Toàn xã hội bừng tỉnh

Takahiro Shiraishi sống với cha mẹ và em gái tại Zama. Sau khi cha mẹ ly hôn, hắn sống với cha. Học xong trung học, hắn làm trong siêu thị, nhà máy thực phẩm rồi hành nghề môi giới nữ tiếp viên cho khu đèn đỏ Kabuki-chô ở Tokyo.

Vụ án Takahiro Shiraishi gây sốc toàn nước Nhật không chỉ vì có 9 người bị sát hại mà còn vì thủ đoạn gây án. Hung thủ sử dụng Twitter để nhận diện các phụ nữ chán đời muốn tự tử rồi dụ dỗ sẽ giúp họ tìm cái chết. Họ tưởng thật đến gặp hắn và hắn ra tay.

Qua vụ này, Bộ Giáo dục - văn hóa - thể thao - khoa học và công nghệ Nhật đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho các dự án tư vấn giúp đỡ thanh niên tuyệt vọng cho 30 địa phương sử dụng các ứng dụng mạng xã hội. Bộ ghi nhận có nhiều yêu cầu tư vấn qua mạng xã hội hơn qua điện thoại.

Chính phủ Nhật đã cam kết đấu tranh chống tội ác liên quan đến Internet bằng cách tăng cường chú trọng giáo dục học sinh tiểu học và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân quan tâm đến các mạng xã hội có liên quan đến tự tử.

Tháng 1-2018, Twitter ở Nhật đã chuyển hướng cho người dùng liên hệ với các tổ chức phi lợi nhuận tư vấn về tự tử nếu họ sử dụng từ khóa tìm kiếm "tự tử".

Dùng Twitter bắt Đao phủ chuyên nghiệp - Ảnh 4.

Ngôi sao nhạc pop Nhật Okada Yukiko nhảy lầu tự tử năm 18 tuổi - Ảnh: flickriver.com

Mạng xã hội phải phát hiện nguy cơ tự tử

Sau vụ án Takahiro Shiraishi, nhiều ý kiến ở Nhật đòi phải kiểm soát mạng xã hội hơn nữa. Tuy nhiên, nhà tâm lý học lâm sàng Sueki Hajime, giáo sư cộng tác với Đại học Wakô (Nhật), nhận xét mọi ý định của chính phủ nhằm kiểm soát mạng xã hội và các dịch vụ khác trên mạng để ngăn chặn tự tử rồi sẽ thất bại.

Lý do là người bày tỏ ý định tự tử trên mạng đã chịu nhiều đau khổ, ngăn cản họ chia sẻ ý định tự tử thì khổ đau vẫn còn. Điều cần làm là ngăn cản kẻ xấu như Shiraishi tiếp cận nạn nhân, song đây là vấn đề khó vì không có cách nào nhận diện kẻ mới toan tính phạm tội.

Cách thiết thực hơn hết là các trang mạng xã hội phải hoạt động thế nào để hướng dẫn người muốn tự tử gặp người có thể hỗ trợ như các bác sĩ thay vì người xấu.

Vấn đề nữa cần lưu ý là báo chí đưa tin về các vụ tự sát. Trước đây báo chí đưa tin rầm rộ về các vụ tự tử của ngôi sao hay nhà chính trị dẫn đến làn sóng tự tử do bắt chước gia tăng (được gọi là hiệu ứng Werther). 

Tại Nhật, số vụ thanh thiếu niên tự tử gia tăng sau khi ngôi sao nhạc pop Okada Yukiko 18 tuổi nhảy từ tòa nhà bảy tầng xuống đất vào tháng 4-1986.

Tổ chức Y tế thế giới đã công bố tài liệu "Ngăn chặn tự tử, tài nguyên cho các chuyên gia truyền thông" nhằm đề ra các nguyên tắc định hướng về đưa tin có trách nhiệm. Do vậy, hiện nay báo chí Nhật đã từ bỏ cách tác nghiệp đưa tin tự tử rầm rộ như trước.

Dùng Twitter bắt Đao phủ chuyên nghiệp - Ảnh 5.

Các nhân viên điều tra thu thập chứng cứ trong căn hộ của Takahiro Shiraishi - Ảnh: EPA-EFE

Cơ quan công tố đã thay đổi tội danh từ giết người thành giết người, hiếp dâm và chiếm đoạt tài sản có tình tiết tăng nặng với hình phạt lên đến tử hình hoặc chung thân.
TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên