17/05/2019 09:06 GMT+7

Dùng thiền 'phạt' học trò

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Không ít giáo viên, phụ huynh cảm thấy bất lực trong việc dạy trẻ nếu không thể sử dụng vũ lực. Song theo các chuyên gia, vẫn có những lựa chọn hiệu quả và lành mạnh hơn giúp đưa trẻ vào khuôn khổ.

Dùng thiền phạt học trò - Ảnh 1.

Trẻ học tĩnh tâm trong căn phòng “Khoảnh khắc tập trung” của Trường tiểu học Robert W. Coleman tại thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ - Ảnh: Higherperspectives

Trên thực tế, có những biện pháp nhẹ nhàng nhưng tạo chuyển biến tích cực ở trẻ, đồng thời khiến các em thích đến trường hơn.

Dùng thiền giáo dục trò

Không mấy ai xử phạt học trò bằng cách bảo chúng ngồi xuống và thiền, nhưng phương pháp này đang được áp dụng tại Trường tiểu học Robert W. Coleman ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ.

Khi trò phạm lỗi, thay vì bắt trẻ đứng ra ngoài lớp hay đưa tới phòng thầy hiệu trưởng, nhà trường đưa trò đó tới phòng "Khoảnh khắc tập trung". 

Căn phòng này được trang bị đèn, đồ trang trí, các túi hạt đậu và gối để học sinh học cách giải tỏa căng thẳng, tức giận. Ở đây trẻ được dạy cách tập thở sâu và thiền để tĩnh tâm lại, đạt tới trạng thái tự cân bằng trước khi về lớp.

Học sinh và các nhân viên tại phòng này sẽ trao đổi với nhau để tìm ra cách giúp các em tự biết giải tỏa căng thẳng. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh tới đây, học sinh cũng có thể chủ động đề nghị được tới để giảm căng thẳng.

Theo trang Higherperspectives, kể từ khi bắt đầu triển khai từ cuối năm 2017, trường này đã không phải đình chỉ học tập em nào. 

Trường trung học Patterson ở gần đó cũng đang áp dụng cách kỷ luật này. Không những giảm học sinh bị đình chỉ học tập mà các em lại thích đến trường hơn.

Kỷ luật tích cực

Trong gia đình, thay vì phạt đòn con, cha mẹ có thể áp dụng kỷ luật tích cực. Bước quan trọng nhất của kỷ luật tích cực, theo nhiều chuyên gia, là tạo một quan hệ trao đổi, giao tiếp cởi mở, chân thành với trẻ từ nhỏ. 

Cha mẹ hãy gây dựng điều kiện phát triển trí thông minh, cảm xúc cho trẻ thông qua trò chuyện. Đây là kỹ năng giúp trẻ nhận thức vấn đề, biết cách biểu đạt cảm xúc của bản thân, giúp trẻ vượt qua thách thức và tạo các mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống.

Kế đó, phải cho trẻ thấy rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng cư xử không đúng. Hãy cụ thể về những hậu quả sẽ đến từ hành vi sai trái. Trong một số trường hợp, hãy tước bỏ những quyền lợi cụ thể, chẳng hạn một món đồ yêu thích của trẻ, nếu chúng không chịu hợp tác. 

Tuy nhiên, Viện Nhi khoa Mỹ lưu ý phụ huynh khi dùng cách này: đừng bao giờ lấy đi của trẻ những thứ thiết yếu như đồ ăn, hãy chọn món đồ nào đó trẻ yêu thích và có liên quan tới hành vi sai trái; với trẻ dưới 7 tuổi, việc từ chối những quyền lợi sẽ có hiệu quả tốt nhất nếu được thực hiện "ngay và luôn".

Bắt trẻ ngồi riêng cũng là hình phạt thường được sử dụng và có hiệu quả. Hình phạt này hiệu quả nhất với trẻ 2-5 tuổi và có thể sử dụng trong suốt thời thơ ấu. 

Tuy nhiên, Viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý mấy điểm: thiết lập các nguyên tắc trước và nói rõ với con hành động nào có thể bị phạt ngồi riêng; chọn sẵn một nơi phù hợp để phạt (thường là chỗ nhàm chán và không có gì gây phân tán); giải thích lý do con phải ngồi một chỗ... 

Nguyên tắc vàng của hình phạt này chỉ nên theo tỉ lệ cứ 1 phút/1 tuổi. Kết thúc thời gian phạt, cha mẹ cần cho trẻ quay về với các hoạt động bình thường và không xoáy sâu trở lại lỗi lầm.

54 nước cấm đánh phạt trẻ

Theo Tổ chức Save The Children Thụy Điển, tính đến tháng 9-2018, 54 nước trên thế giới đã có luật cấm phạt trẻ bằng hình thức trừng phạt thân thể. Trong đó Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới từ năm 1979 đã xác định trừng phạt thân thể trẻ em là phạm pháp.

Nepal là nước thứ 54 và cũng là nước đầu tiên tại Nam Á phê chuẩn luật này ngày 18-9-2018. Khoảng 56 nước khác cũng đã tuyên bố sẽ sớm có luật tương tự.

Đáng chú ý, trong danh sách những nước có luật này, phần lớn ở châu Âu và Nam Mỹ, thiếu vắng các nước lớn ở Bắc Mỹ như Mỹ, Canada và thiếu nhiều nước tại châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Việt Nam cũng chưa nằm trong danh sách này.

Theo Đài CNN, mãi tới cuối năm ngoái, tại Mỹ vẫn còn ít nhất 19 bang (hầu hết ở miền nam) cho phép trừng phạt đòn roi tại trường. Còn theo trang Conversation, luật Canada hiện vẫn cho phép cha mẹ đánh phạt con cái.

Trừng phạt thân thể theo định nghĩa của Ủy ban quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc (UNCRC) là việc dùng lực đánh trẻ nhằm mục đích kiểm soát và/hoặc dạy dỗ. Đó là một cách thực thi kỷ luật với thân thể đi kèm "ý định gây ra một mức độ đau đớn hoặc khó chịu, nhưng ở mức nhẹ".

Đài NPR dẫn một nghiên cứu mới tiến hành với 400.000 thanh thiếu niên từ 88 quốc gia cho thấy những lệnh cấm trừng phạt thân thể với trẻ em đã tạo ra khác biệt trong việc giảm bạo lực ở giới trẻ.

Còn theo Đài ABC (Úc), một trong những lý do chính khiến nhiều nước phản đối việc sử dụng vũ lực trong dạy dỗ trẻ là bởi những hình phạt đánh vào cơ thể như vậy tiềm ẩn nguy cơ để lại những hậu quả tiêu cực về tâm lý kéo dài về sau.

Đài này dẫn kết quả nghiên cứu năm 2016 của nhóm tác giả Elizabeth Gershoff và Andrew Grogan-Kaylor về các hậu quả tâm lý của trừng phạt thân thể với trẻ em, cho thấy việc cha mẹ dùng đòn roi phạt con có liên quan tới mức độ gia tăng tâm tính hung hăng, hành vi phản kháng xã hội, các trục trặc sức khỏe tâm thần và cả tâm lý tự ti ở trẻ.

Một hệ lụy đương nhiên nữa là mối quan hệ khó mà tốt đẹp giữa cha mẹ/thầy cô và trẻ sau những trận đòn roi như thế.

"Thương cho roi, cho vọt" với học trò thời nay, nên không? 'Thương cho roi, cho vọt' với học trò thời nay, nên không?

TTO - Vụ cô giáo Trường THCS Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội bị kỷ luật vì bắt học sinh quỳ trước lớp đang gây ra ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng: người đồng tình, kẻ phản đối.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên