09/09/2017 15:02 GMT+7

'Đừng nói về cuộc chiến, hãy nói về con người'

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Hiếm hoi lắm Van B. Choat mới có dịp trở về Việt Nam nhưng lần này lại càng đặc biệt hơn khi cô ngồi giữa không gian đường sách Nguyễn Văn Bình - TP.HCM để nói về cuốn sách Phải sống.

Đừng nói về cuộc chiến, hãy nói về con người - Ảnh 1.

Van B. Choat chia sẻ: "Tôi không viết hồi ký về cuộc chiến, tôi viết về nỗ lực của một con người" - Ảnh: MAI THỤY

Ít ai biết được rằng, đằng sau những thành công ấy và vẻ rắn rỏi của Vân là cả một nỗi đau luôn khắc khoải trong cô: mất cha, mất mẹ và mất cả chồng.

Phải sống là tập hồi ký đã ghi lại những đớn đau trong cuộc đời Van B. Choat - một đứa con của chiến tranh.

Theo gia đình sang Mỹ năm 1975, đến năm 2005, Van B. Choat (thường gọi là Vân) bắt đầu làm việc tại Trung tâm Hệ thống tên lửa và Không gian USAF ở Los Angeles sau một thời gian làm việc cho Bộ Tư lệnh Vật liệu Không quân Hoa Kỳ. 

Những ký ức của Vân đã được ngòi bút của cô ghi lại trong hơn 300 trang viết của Phải sống. Cuốn sách là một lời tự sự của tác giả Van B. Choat về những nỗ lực vươn lên trước những mất mát cứ liên tục xảy đến.

Đừng nói về cuộc chiến, hãy nói về con người - Ảnh 3.

Cuốn hồi ký Phải sống (Hành trình từ Chiến tranh đến Tự do của một bé gái mồ côi) do Van B. Choat chấp bút - Ảnh: MAI THỤY

Trong buổi nói chuyện với độc giả của đường sách Nguyễn Văn Bình vào tối 8-9, Van B. Choat đã nhiều lần không nén được sự xúc động khi gợi lại những câu chuyện trong hồi ký. 

Kể từ khi mồ côi cha mẹ từ năm 4 tuổi vì chiến tranh, Vân phải chịu những trận bạo hành lẫn sự ghẻ lạnh từ chính họ hàng. 

Cho đến khi đặt chân lên đất Mỹ, cô là nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc, thường xuyên bị bạn bè bắt nạt. 

Những tưởng hạnh phúc sẽ đến với Van B. Choat khi cô lập gia đình nhưng người chồng của cô cũng ra đi với căn bệnh ung thư xương, để lại cô bơ vơ với hai con. 

Mang theo con nhỏ đến thành phố Atlanta, Vân hoàn thành chương trình đại học và làm lại cuộc đời mình.

Trước đây, tôi từng viết về những đứa trẻ mồ côi trong chiến tranh, tôi cũng hiểu được phần nào mất mát mà họ phải chịu đựng. Giờ đây cuốn Phải sống lại một lần nữa nhắc tôi không được quên nỗi đau đớn do vết thương chiến tranh gây ra. Nhớ để kinh sợ chiến tranh.

Nhà báo Quốc Việt

“Đừng nói về cuộc chiến, hãy nói về con người” - Ảnh 3.

Tác giả Van B. Choat ký tặng sách - Ảnh: MAI THỤY

Đây không phải là cuốn sách nói về chiến tranh. Tôi dành những trang viết của mình cho những người đã từng mất mát, thúc đẩy họ vượt qua nỗi đau. Phải sống là cuốn sách cho con người chứ không phải cho bất cứ phía nào của cuộc chiến…

Van B. Choat

Dù là nạn nhân nhưng Van B. Choat không trách móc những gì đã cướp đi người thân của cô. 

"Sau khi học xong đại học, tôi làm việc tại Cơ quan đặc trách Cựu chiến binh ở Mỹ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình bị ‘lời nguyền’ chiến tranh đeo bám. 

Ba tôi và chồng tôi đều là quân nhân, họ đã làm tròn nhiệm vụ của họ, tôi cũng có nhiệm vụ của riêng mình: đối mặt với chiến tranh để tiếp tục sống." 

Cuốn sách Phải sống (do dịch giả Hoàng Phương chuyển ngữ) tuy viết về Van B. Choat như một người phụ nữ bước ra từ bi kịch chiến tranh nhưng cô lại không muốn người ta nhắc quá nhiều về cuộc chiến.

Nhà báo Quốc Việt cho rằng giá trị nhân bản lớn nhất của cuốn sách là khiến độc giả nhận thấy con người luôn có thể đứng dậy, nhìn thẳng vào cuộc đời để tiếp tục sống kể cả khi phải đối mặt với tột cùng của sự túng quẫn.

Đừng nói về cuộc chiến, hãy nói về con người - Ảnh 7.

Tác giả Van B. Choat ký tặng sách - Ảnh Mai Thụy

Phải sống (Hành trình từ Chiến tranh đến Tự do của một bé gái mồ côi) là cuốn hồi ký được dịch từ sách Undaunted A Memoir (2013) của Van B. Choat - một Việt kiều Mỹ.

Tác phẩm đã nhận được nhiều giải thưởng do Nautilus Book Awards 2016 và IRWIN Award 2016 trao tặng.


MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên