05/10/2020 10:00 GMT+7

Đừng lặp lại 'ung bướu cơ sở 2'

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Sau bao lần "lời hứa gió bay", phải mất gần 5 năm từ ngày dự định khởi công, bệnh viện với bao kỳ vọng mới hoạt động vào ngày 2-10.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 đi vào hoạt động là sự kiện “không thể vui hơn” đối với những người bệnh ung thư đang từng ngày chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Cơ sở này đã không biết bao lần hứa hẹn và lỡ hẹn, thậm chí có lúc người dân, kể cả lãnh đạo UBND TP.HCM mất hết kiên nhẫn với dự án này.

Hơn 10 năm trước, quá tải bệnh viện ngày càng đè nặng lên hệ thống y tế, đặc biệt gánh nặng ung thư ngày càng báo động - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 được manh nha. Với quy mô 10 tầng lầu, 2 tầng hầm, 1.000 giường bệnh, có sân đỗ trực thăng rộng 300m2 ở tầng trên cùng, tọa lạc trên khu đất 5,5ha... bệnh viện này được Sở Y tế TP.HCM kỳ vọng sẽ là "bệnh viện chuyên khoa hiện đại hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á". Thế rồi được gì?

Kỳ vọng có lúc trở thành thất vọng. Đó là khi công trình dự định khởi công vào tháng 4-2015 nhưng liên tục bị hoãn hai lần (năm 2015 và 2016) ở "phút 89" do khiếu nại giữa các nhà thầu. Thời điểm ấy, một lãnh đạo UBND TP.HCM phải thốt lên: "Chậm quá rồi, giờ không thể kéo dài thêm một ngày nào nữa".

Khởi công được rồi lại đến chậm tiến độ hoàn thành. Nhà thầu ở nhiều thời điểm chỉ giải thích: "Phải dừng thi công chờ điều chỉnh nhiều hạng mục" và "Bệnh viện là dự án hạng 1, phải thi công sân bay trực thăng là thách thức với tất cả các bên".

Tình trạng "bệnh viện xây hoài không xong" không chỉ có ở TP.HCM, ở các bệnh viện tuyến quận, tỉnh, TP mà ở các bệnh viện tuyến trung ương, vốn được xem là tuyến cuối. Được khởi công từ cuối năm 2014, vốn 4.900 tỉ đồng/bệnh viện, dự kiến hoàn thành tháng 12-2017, nhưng sau 3 năm các bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai (cơ sở 2, xây ở Hà Nam) mới chỉ xong phần thô và từng dừng thi công 18 tháng. 

Điều đáng nói cả hai dự án được Nhà nước giao "tiền tươi, đất sạch". Đến nay, sau 6 năm, hai bệnh viện - được mệnh danh "lớn nhất nước" - đang ì ạch "phấn đấu đưa vào sử dụng trong năm 2020". 

Dù vậy cũng an ủi bởi đã có lúc cơ quan quản lý lo ngại cả hai sẽ rơi vào danh sách những dự án "đắp chiếu".

Về thực trạng này, năm 2018, ông Vương Đình Huệ (khi đó còn là phó thủ tướng) đã thẳng thắn chỉ ra rằng Bộ Y tế là một trong ba bộ có tiến độ giải ngân chậm nhất cả nước, đặc biệt chủ yếu với các dự án xây dựng bệnh viện. Và để xảy ra tình trạng "bệnh viện xây hoài không xong", phần lớn xuất phát từ yếu kém trong quản lý, đầu tư xây dựng, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Ai phải chịu trách nhiệm cho tình trạng này? Điều này đang gây không ít tranh cãi giữa Bộ Y tế và Bộ Xây dựng về "yêu cầu mới của Luật xây dựng" và "năng lực quản lý yếu kém". Hậu quả là tiền của xã hội bị lãng phí, quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng. 

Không thể chấp nhận người bệnh phải chen chúc ở bệnh viện khiến nỗi đau thể xác nhân lên do bệnh viện quá tải. Y bác sĩ, người thân của người bệnh cũng mệt mỏi vì quá tải. 

Đau lòng nhất là không ít bệnh nhân đã không kịp chờ cho đến khi bệnh viện được hoàn thành. Muốn vậy, đừng để lặp lại những công trình ì ạch như Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2.

Từ ngày 2-10, cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sẽ đi vào hoạt động Từ ngày 2-10, cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sẽ đi vào hoạt động

TTO - Thời gian đầu, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (Q.9) sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân đến khám ngoại trú, dự kiến đến cuối tháng 12-2020 có thể tiếp nhận 1.000 bệnh nhân mỗi ngày.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên