24/02/2012 00:03 GMT+7

Đứng lại đồng nghĩa với tụt hậu

TS LÊ ĐĂNG DOANH - LÊ KIÊN ghi
TS LÊ ĐĂNG DOANH - LÊ KIÊN ghi

TT - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 cho thấy: “Hai tỉnh miền Bắc là Lào Cai và Bắc Ninh vượt lên dẫn đầu bảng xếp hạng sau những nỗ lực lớn cải thiện công tác điều hành kinh tế của chính quyền trong nhiều năm qua”.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu đã dùng cụm từ “đáng ngạc nhiên” để chỉ sự bứt phá của hai địa phương có xuất phát điểm thấp khác: Hà Tĩnh và Bình Phước.

Sự đổi ngôi trên bảng xếp hạng cho thấy đã có nhiều địa phương năng động hơn, có nhiều tỉnh thành thật sự thấy nhu cầu phải cải thiện môi trường đầu tư và họ thể hiện quyết tâm bằng những hành động cụ thể. Nó cũng chứng minh là trong khuôn khổ pháp luật chung thì các địa phương nếu cố gắng vẫn có thể thực hiện tốt các sáng kiến của mình. Tôi nghĩ sự đổi ngôi luôn là điều tốt, nó làm động lực nhắc nhở các địa phương phải thật sự năng động và vươn lên.

Lòng quyết tâm và tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo cấp tỉnh đóng vai trò quan trọng trong cuộc ganh đua để chiếm lấy “ngôi vị” trên bảng xếp hạng PCI. Lào Cai là một ví dụ rõ rệt cho thấy lãnh đạo tỉnh đã biến sự xa xôi hẻo lánh thành lợi thế là khai thác đường biên giới để thu hút các doanh nghiệp vào làm ăn, buôn bán với nước láng giềng.

Rất mừng là cá nhân ông lãnh đạo tỉnh nhận nhiệm vụ khác nhưng những người ở lại vẫn tiếp tục những chính sách năng động đã được hoạch định và thu được kết quả đáng ghi nhận (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh từng giữ các chức vụ bí thư, chủ tịch tỉnh Lào Cai).

Khi Lào Cai, Hà Tĩnh, Bình Phước “nổi lên”, thì nghiên cứu cho thấy: “Lần đầu tiên trong suốt quá trình thực hiện điều tra chỉ số PCI, cả Bình Dương và Đà Nẵng đều không đứng ở thứ hạng cao nhất. Bình Dương giảm điểm trong chỉ số tính năng động, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Điểm số của Đà Nẵng sụt giảm mạnh trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động”.

Theo suy luận thông thường thì những địa phương đã có “nền móng” tốt, đặc biệt là nhiều năm liền chiếm giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng sẽ là những địa phương giành lợi thế. Nhưng trong bất cứ cuộc ganh đua nào, đứng lại luôn đồng nghĩa với tụt hậu. Như được biết thì môi trường ở Bình Dương gần đây đã khiến một số doanh nghiệp “kêu”: về đất đai, về sự năng động của lãnh đạo đã không đáp ứng được yêu cầu. Cũng có thể là Bình Dương bây giờ đã “đầy” quá rồi, cho nên tỉnh cũng có gặp khó khăn.

Ở bình diện chung thì điểm đáng chú ý nhất của PCI năm 2011 là trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, mức độ lạc quan của doanh nghiệp đã giảm đáng kể trong những năm gần đây (từ 76% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng quy mô kinh doanh vào năm 2006 khi VN gia nhập WTO xuống mức thấp kỷ lục 47,4% vào năm 2011).

Tuy vậy, doanh nghiệp lại ghi nhận sự cải thiện trong công tác điều hành của địa phương, thể hiện ở trọng số năm 2011 ở tỉnh trung vị là 59,5 điểm (cao nhất kể từ khi chỉ số PCI được hiệu chuẩn năm 2009). Thời gian xin cấp đăng ký kinh doanh và giấy phép giảm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp nhiều hơn, tiếp cận tài liệu kế hoạch của tỉnh dễ dàng hơn... là những nội dung được doanh nghiệp “chấm điểm” cao hơn các năm trước. Đây là điềm lành cho thấy sự ganh đua của các địa phương ngày càng sôi động, thực chất, khiến thước đo mức độ hài lòng của doanh nghiệp tiến lên một nấc mới.

TS LÊ ĐĂNG DOANH - LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên