TS Thái Thị Tuyết Dung - Ảnh: T.HUỲNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Thái Thị Tuyết Dung - Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định: Được thành lập với mục đích phối hợp với nhà trường chăm lo việc học hành của học sinh nhưng hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh dường như đã "chệch đường ray".
* Với tư cách là một phụ huynh, theo bà, có nên thành lập ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường phổ thông?
- Tôi chưa khảo sát các trường tư thục, nhưng thông tin tôi được biết đa số các trường đều có ban đại diện cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên cách thức hoạt động của ban đại diện này ở các trường tư và trường công khác nhau hoàn toàn. Nên mỗi đầu năm học, chỉ có ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường công gây bức xúc dư luận vì những khoản thu ngoài quy định có dấu hiệu lan rộng với số tiền thu ngày càng cao như báo chí phản ánh.
Mức thu này có thể phù hợp với các gia đình khá giả, nhưng không phù hợp với những gia đình nghèo.
Điều này làm tôi suy nghĩ về vai trò, chức năng của ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, xét về tổng thể, theo quan điểm của cá nhân tôi, vẫn nên có tổ chức này, nhưng chỉ là cầu nối giữa cha mẹ học sinh và nhà trường, nhằm thực hiện chức năng đại diện cho nguyện vọng của phụ huynh trong mối quan hệ giữa họ và nhà trường trong hoạt động giáo dục.
Ban này sẽ đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh, nhất là trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền cần lắng nghe nguyện vọng của đa số phụ huynh. Và mọi hoạt động vượt ra ngoài quy định pháp luật đều phải xử lý nghiêm.
* Vậy cần chấn chỉnh giám sát hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh ra sao để không "chệch đường ray", thưa bà?
- Thực tế, ban đại diện cha mẹ học sinh có những hỗ trợ tài chính và nhiều hoạt động khác cho trường, đặc biệt là trường công. Nhưng có bất cập rất lớn xảy ra khi ban này lợi dụng quyền để tạo ra các đặc quyền riêng dẫn đến lạm thu.
Ví dụ lớp 30 học sinh nhưng chỉ 20 phụ huynh đồng ý đóng góp thì những người còn lại phải theo, dù trong lòng họ không muốn, nhất là các đóng góp về cơ sở vật chất. Vì vậy, những người làm trong ban đại diện cha mẹ học sinh trường cần nắm rõ quy định tại điều 10 thông tư 55.
Tuy nhiên, hiện nay ban đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều nơi trong cả nước đã có nhiều khoản thu vượt quá khả năng đóng góp của nhiều phụ huynh, tạo sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục.
Chẳng hạn như có hai lớp sát nhau, một lớp do cha mẹ khá giả nên phòng học được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại, có máy lạnh; còn một lớp vì cha mẹ khó khăn hơn - hoặc cha mẹ không đồng thuận đóng góp quá lớn - nên không có.
Các em còn nhỏ, nhìn thấy hình ảnh "khác biệt" này sẽ tạo tâm lý không tốt cho các em; cũng như tạo tiền đề cho dư luận có nhiều lời nói làm tổn thương giáo viên, những người đã âm thầm làm việc với mức lương khá thấp trong bối cảnh hiện nay.
Vậy các vi phạm quy định tại thông tư 55 nêu trên có bị xử lý gì không? Hiện nay, hành vi tái diễn liên tục, gây bức xúc dư luận như trên chưa có chế tài. Vì vậy, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục cần bổ sung chế tài với hành vi này, để nhà trường biết được điểm dừng, và không để ban đại diện cha mẹ học sinh thu những khoản tiền trên.
Buổi họp phụ huynh của một trường đầu năm học mới - Ảnh: TỰ TRUNG
* Theo bà, cần có giải pháp căn cơ gì để thay đổi tình trạng gây bức xúc nêu trên?
- Tôi rất trăn trở về ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, nhất là bậc tiểu học quá thấp, nên điều kiện học tập của các cháu không được tốt.
Để ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện đúng chức năng của mình, cần tăng ngân sách cho các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở vật chất cho trường học, để họ không đứng ra thu tiền sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất trường lớp như hiện nay.
Hãy trả ban đại diện cha mẹ học sinh trở về đúng bản chất của họ, là hội kết nối các phụ huynh, cùng tham gia hỗ trợ nhà trường trên tinh thần tự nguyện.
Pháp luật cần quy định điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, ghi nhận rõ nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ trong việc tiếp nhận ý kiến phụ huynh.
Cần lưu ý cơ sở giáo dục, học sinh thuộc đối tượng quản lý nhà nước chung của Bộ GD-ĐT, còn phụ huynh thì không thuộc đối tượng quản lý của bộ, nên khi có điều lệ mẫu thì dễ dàng áp dụng hơn.
Nếu phụ huynh đã có ý kiến, thì có thủ tục đối thoại với nhà trường để giải quyết các vấn đề phát sinh, ví dụ như nhiều phụ huynh phản ảnh lớp học quá đông, nhà vệ sinh quá bẩn, chất lượng bữa ăn... thì nhà trường phải cùng ngồi lại với phụ huynh tìm hướng giải quyết với mục tiêu vì chất lượng của nền giáo dục phát triển bền vững.
* Bà từng đề nghị cần bỏ quy định "Kết quả hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh là một trong những tiêu chuẩn xét thi đua khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục" trong thông tư 55? Vì sao?
- Việc ràng buộc "Kết quả hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh là một trong những tiêu chuẩn xét thi đua khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục" như thông tư 55 hiện nay là không phù hợp. Bởi kết quả hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh - là của cha mẹ, không phải của nhà trường.
Việc quy định này sẽ gây áp lực lên cho ban giám hiệu của nhà trường.
Khép lại Diễn đàn "Chấn chỉnh ban đại diện cha mẹ học sinh"
Diễn đàn "Chấn chỉnh ban đại diện cha mẹ học sinh" thu hút nhiều ý kiến của bạn đọc là phụ huynh, giáo viên, lãnh đạo trường và chuyên gia giáo dục... Hầu hết ý kiến cho rằng ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết trong kết nối các hoạt động giáo dục ở trường.
Tuy nhiên, nhiều nơi ban đại diện "quá nhiệt tình với hoạt động tài chính" khiến nhiều người nghĩ đây là "ban thu tiền". Nhiều ý kiến cũng cho rằng lạm thu trong trường, cho dù là hội phụ huynh thu, nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn là hiệu trưởng.
Diễn đàn này xin được khép lại. Cảm ơn bạn đọc đã tham gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận