14/07/2014 08:01 GMT+7

Đừng để lặp lại câu "Bọn em sém chết..."

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Vụ việc kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho máy bay PIC 595 của Jetstar Pacific Airlines cất cánh khi máy bay HVN 130 của Vietnam Airlines chưa ra khỏi đường băng ở sân bay Đà Nẵng ngày 27-6 được Cục Hàng không Việt Nam kết luận là sự cố uy hiếp an toàn hoạt động bay nghiêm trọng.

Máy bay suýt đâm nhau: Thu giấy phép kíp trưởng kiểm soát không Không lưu nhầm lệnh, máy bay suýt va chạm trên đường băng

Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sự cố trên có thể dẫn đến tai nạn thảm khốc.

Điều đáng nói là việc kiểm soát viên không lưu ra huấn lệnh cho máy bay cất, hạ cánh khi trên đường băng đang có chướng ngại vật không phải lần đầu mới xảy ra. Ngày 23-3-2010, máy bay A310 chở hàng của Hãng Fedex được đài kiểm soát sân bay Nội Bài hướng dẫn hạ cánh xuống đường băng 11R. Nhưng khi chuẩn bị hạ cánh, tổ bay phát hiện trên đường băng có ôtô đang cạo vệt cao su, vệ sinh đường băng nên phải bay vọt lên. Ngày 2-10-2011, kiểm soát viên không lưu của đài kiểm soát sân bay Tân Sơn Nhất cũng để xảy ra một sự cố tương tự. Chiếc máy bay của một hãng hàng không Đài Loan nhận được huấn lệnh hạ cánh xuống đường băng bên trái (thay vì bên phải), trong khi đường băng bên trái đang có công nhân và ôtô cạo vệt cao su, làm vệ sinh đường băng. Một đồng nghiệp cùng kíp trực phát hiện sự nhầm lệnh này đã yêu cầu kiểm soát viên không lưu thay đổi mệnh lệnh hạ cánh với phi công.

Chưa kể, thỉnh thoảng lại có những sự cố không lưu dẫn đường sai gây nguy cơ hai máy bay va chạm trên không, nhân viên không lưu đánh nhau trong ca trực...

Theo các nhà chức trách hàng không, giai đoạn được xem là nguy hiểm nhất của một chuyến bay là quá trình cất, hạ cánh. Và thực tế, những vụ tai nạn máy bay đâm nhau khi đang cất, hạ cánh đã xảy ra đều có hậu quả thảm khốc với thương vong rất lớn. Chính vì thế mà ngoài yếu tố máy bay được đảm bảo kỹ thuật thì cơ quan không lưu - những người dẫn đường - chính là những người góp phần đảm bảo an toàn sinh mạng cao nhất cho các chuyến bay.

Ngay như Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng nhận định: “Các anh quá chủ quan và chưa thấy được trách nhiệm của mình trong việc quản lý không lưu đảm bảo bay, luôn tự coi mình là nhất rồi trong khi quản lý bay vẫn vi phạm rất nhiều. Phải xử lý nghiêm vụ ở Đà Nẵng vừa rồi, cần thiết xử lý trách nhiệm người cao nhất, không để tình trạng như vậy xảy ra nữa. Liệu hai máy bay đâm vào nhau thì ai là người từ chức trước? Phải chấn chỉnh cả năng lực con người về tổ chức quản lý và cả năng lực lãnh đạo từ chủ tịch, tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay đến các đơn vị liên quan...”.

Dân gian thường có câu “quá tam ba bận”. Bốn năm qua đã có ba lần không lưu ra lệnh với phi công nhầm, ra lệnh mà không quan sát đường băng trong quá trình cất, hạ cánh. Chắc chắn không ai muốn nghe câu “Bọn em sém chết rồi đấy” của một phi công nào khác thốt ra nữa.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên