07/07/2016 09:18 GMT+7

Đừng dễ dãi với công nghệ “bẩn”

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TTO - Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo khẩn trương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của dự án Nhà máy giấy Lee & Man.

Một trong những công đoạn của hệ thống xả thải tại Nhà máy giấy Lee & Man - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Một trong những công đoạn của hệ thống xả thải tại Nhà máy giấy Lee & Man - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Như vậy, lại thêm một vụ việc nữa liên quan tới môi trường khiến Thủ tướng phải vào cuộc.

Có vẻ như mỗi lần dư luận có ý kiến về một dự án, một nhà máy gây ô nhiễm môi trường, nhiều người mới tá hỏa ra khi thấy các tiêu chí về công nghệ, về đánh giá tác động môi trường đã được thẩm tra, được phê duyệt quá dễ dãi.

Ông Đỗ Hoài Nam, vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học - công nghệ (KHCN), từng phải thốt lên: “Công nghệ vào VN hầu như không được kiểm soát. Khi xảy ra vấn đề mới hỏi đến Bộ KHCN”.

Không ai ngờ hệ thống pháp luật với một rừng văn bản lại có lĩnh vực còn những kẽ hở chết người như vậy!

Điều trớ trêu là cơ quan chịu trách nhiệm về KHCN như Bộ KHCN lại không thẩm định công nghệ của Formosa mà lại do Bộ Công thương đảm nhiệm.

Theo ông Đỗ Hoài Nam, Bộ KHCN chỉ được UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi xem xét báo cáo dự án nghiên cứu tiền khả thi và khi đó bộ này đã chỉ rõ công nghệ mà Formosa sử dụng là công nghệ phổ biến trong luyện thép, không phải là công nghệ mới.

Từ vụ việc Formosa tới vụ Nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang đang gây bức xúc trong dư luận, chỉ đến khi xảy ra sự việc mới lộ ra rất nhiều vấn đề lẽ ra phải được công khai, minh bạch cho người dân nhưng thực tế lại rất mù mờ.

Điều này lý giải vì sao trong yêu cầu thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trong đó có Công ty TNHH giấy Lee & Man VN, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ mời chuyên gia đầu ngành về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất giấy tham gia đoàn thanh tra.

Dường như vấn đề công nghệ ở một số dự án, nhất là những dự án nhạy cảm với môi trường, đã được xem nhẹ đến độ nhiều người phải hoài nghi về sự quyết định của những người có trách nhiệm.

Thực tế có những dự án bị địa phương này từ chối vì sử dụng công nghệ “bẩn” nhưng lại được địa phương khác trải thảm đỏ, bỏ qua các tiêu chí đảm bảo môi trường, phớt lờ hậu quả có thể xảy ra.

Đành rằng thu hút dự án đầu tư là cần thiết, nhưng đánh đổi môi trường sống, đánh đổi sức khỏe của người dân để có được dự án bằng mọi giá là điều không thể chấp nhận được.

Thời buổi thông tin toàn cầu, lai lịch chủ đầu tư của một dự án hoàn toàn không khó tìm. Với những nhà đầu tư đã có tai tiếng trên thế giới, sự thận trọng trong việc tiếp nhận dự án là rất cần thiết.

Người có thẩm quyền chọn dự án có thể không biết, nhưng họ hoàn toàn có thể tham khảo ý kiến từ cơ quan chức năng, từ các nhà khoa học. Nếu một người có trách nhiệm, đương nhiên không bao giờ chọn những dự án hủy hoại môi trường, hủy hoại sức khỏe cộng đồng.

Sự dễ dãi trong chọn lựa dự án, không xem xét chặt chẽ công nghệ, báo cáo đánh giá tác động môi trường, không chừng sẽ trở thành sự dễ dãi thiếu trách nhiệm.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên