Ông Lê Quốc Minh - Ảnh: Q.ĐỊNH
Đừng coi thường tin giả, bởi thực tế cho thấy tin giả không hề là vô thưởng vô phạt, nó có thể hủy hoại uy tín của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, tin giả kích động thù hận, báng bổ tôn giáo, kỳ thị sắc tộc, từng suýt gây nên sự cố ngoại giao giữa các quốc gia
Đừng coi thường tin giả và phải có ý thức phòng ngừa từ sớm, đó là nhận định của ông Lê Quốc Minh, phó tổng giám đốc TTXVN, xung quanh vấn nạn tin giả. Ông Minh nói:
- Tin giả đã âm thầm xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng ít người để ý. Ngay cả khi tin giả trở thành "khủng hoảng toàn cầu" sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thì nhiều người ở trong nước vẫn chưa coi đây là vấn đề nghiêm trọng. Nhưng có thể khẳng định rằng tin giả đang thực sự là một mối đe dọa cho xã hội.
Trên thế giới, tin giả tràn lan, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Chúng ta đã chứng kiến có rất nhiều nội dung vô thưởng vô phạt, thậm chí sai lệch, đã được người dùng mạng xã hội góp phần phát tán rộng rãi. Trong số những người chia sẻ các thông tin thất thiệt như vậy trên mạng xã hội có cả những nhân vật có uy tín, có ảnh hưởng, thậm chí được cho là "thạo tin" hơn nhiều người dùng khác, ví dụ như các nhà báo.
Tin giả được tung ra dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể nhằm vụ lợi nhưng cũng có thể chỉ để được lan truyền rộng khắp. Đơn cử ngay sau khi Mark Zukerberg, thừa nhận về vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng thì ngay lập tức xuất hiện tin nhắn Messenger gửi cho rất nhiều người Việt Nam như thể một thông điệp từ ông chủ Facebook. Trong lúc xã hội đang xôn xao về Hội thánh Đức Chúa Trời biến tướng thì có ngay những nội dung liên quan vấn đề này với những nội dung bịa tạc hoàn toàn và hình ảnh được cắt ghép.
Một cách tạo tin giả khác là nhằm tiêu thụ các sản phẩm không tên tuổi, nhưng được gán cho câu chuyện bà lang nọ, ông thầy thuốc kia, sử dụng trái phép hình ảnh của người nổi tiếng để người mua tưởng nhầm họ là đại sứ thương hiệu hay tham gia quảng cáo cho sản phẩm đó. Đã có một số trường hợp mà nội dung quảng cáo giả mạo được làm giả y như là chương trình trên một kênh truyền hình quốc gia.
Một số lượng lớn những kẻ tạo ra tin giả là nhằm thu hút lượng truy cập lớn vào những trang web "nhái" tên các website danh tiếng để thu tiền quảng cáo. Có những loại tin giả có vẻ vô hại, chẳng hạn là những nội dung đầy tính triết lý, câu chuyện về tình mẫu tử, từ bi, có thể là thông tin có thực nhưng được cắt ghép xào nấu nhằm câu view là chính. Cũng có loại tin giả nhằm gây hoang mang dư luận khi ghép ảnh của các nhân vật nổi tiếng, đặc biệt là quan chức chính quyền, với những câu nói bị cắt xén hoặc thậm chí là bịa đặt. Đặc biệt đáng ngại là mỗi khi có một vấn đề xã hội gây tranh cãi hoặc tạo ra các dòng dư luận trái chiều, xung đột thì tin giả càng có cơ hội sản sinh và lây lan như virus.
* Tại sao tin giả hiện đang có xu hướng dễ phát tán, lan tràn rộng rãi và nhanh chóng trên môi trường mạng ở VN như hiện nay, thưa ông?
- Chúng ta đều biết là "tin xấu lan nhanh". Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng những nội dung mang tính tiêu cực thì có khả năng phát tán cao hơn gấp 3-4 lần so với nội dung tích cực. Bản chất của người dùng ở đâu cũng vậy, dù trên thế giới hay ở Việt Nam, là sự tò mò. Một số lượng không nhỏ rất thích những câu chuyện giật gân.
Nhưng trước đây, những loại thông tin này chỉ có một con đường xuất hiện là báo chí. Khi Internet phát triển, các nội dung online trở nên dễ dàng lan truyền hơn nhờ tính chất phi biên giới, phi thời gian. Có những trang web lấy tôn chỉ hoạt động là châm biếm, trào phúng, thậm chí có những tờ báo, website chuyên đăng tin đồn chưa kiểm chứng.
Tuy nhiên, mạng xã hội mới chính là mảnh đất màu mỡ giúp cho tin giả phát triển và lây lan như nấm sau mưa. Bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ những câu chuyện mà họ đọc được trên mạng xã hội, và những thông tin đó lại được nhân lên thông qua những người bạn của họ. Con người thường tin vào những điều mà người thân của họ tin tưởng, những lời truyền miệng từ bao đời nay vẫn hiệu quả hơn bất kỳ cách truyền tin nào khác. Và mạng xã hội giúp cho điều đó trở nên vô cùng dễ dàng.
Người dùng mạng xã hội ở đâu cũng giống nhau, nhưng dường như một bộ phận khá lớn người dùng mạng xã hội Việt Nam khá "hồn nhiên" khi bước chân vào mê cung đầy hấp dẫn và cũng không ít hiểm nguy này. Nhiều người hoàn toàn không hiểu rằng mạng xã hội không phải là nơi để họ trút bầu tâm sự, kể hết mọi chuyện cá nhân yêu ghét, tường thuật mọi hoạt động mỗi ngày. Họ cũng rất dễ dàng like hoặc share một dòng trạng thái của người khác khi cảm thấy hợp với quan điểm của mình. Tệ hơn nữa là họ tin tưởng vào những người thân khác để mức nếu thấy người kia đăng tải một điều gì đó thì họ sẽ «share trước, đọc sau.» Trong rất nhiều lần chia sẻ mà không đọc nội dung kỹ càng như thế, không thể tránh khỏi việc chia sẻ nhầm những nội dung hoàn toàn giả mạo. Một người đăng nhầm tin giả có thể kéo theo rất nhiều bạn bè chia sẻ lại tin giả đó.
Chưa có nghiên cứu nào cho thấy kỹ năng sử dụng mạng xã hội của người dùng Việt Nam kém hơn so với với người dùng ở các nước trên thế giới hay trong khu vực, nhưng tôi cảm thấy lo ngại khi nhiều tin giả ở Việt Nam khá đơn giản mà vẫn lừa được khá nhiều người. Có những website mà nhìn tên miền đã thấy ngay sự thiếu tin cậy nhưng mọi người vẫn chia sẻ. Có những thông tin thậm vô lý nhưng nhiều người vẫn xuýt xoa, phẫn nộ, mừng vui thật dễ dàng rồi còn kêu gọi bạn bè cùng trao đổi. Xin lưu ý là có nhiều loại tin giả được tạo ra với lớp lang vô cùng chuyên nghiệp và thực hiện trong một thời gian dài, thì e rằng không nhiều người có thể bình tĩnh nhận định và phát hiện.
* Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp phát hiện và xử lý đối với tin giả của các cơ quan quản lý hiện nay?
- Việc xử lý tin giả ở nhiều nước trên thế giới hiện nay được thực hiện ở nhiều cấp khác nhau. Chính quyền một số quốc gia khá mạnh tay với các nền tảng mạng xã hội và đề ra những mức phạt rất lớn nếu các nền tảng này để cho những thông tin kích động thù hận tồn tại. Các mạng xã hội cũng nhận thức được những mối nguy này và đã có rất nhiều động thái để hạn chế tin giả, đơn cử như Facebook đã phải lập ra đội ngũ tới hàng chục ngàn người để theo dõi nội dung chứ không giao phó hoàn toàn cho máy móc như trước. Google cũng đã có những bước đi cụ thể, cả với công cụ tìm kiếm của họ cũng như với trình duyệt Chrome, được gắn plug-in để kiểm tra xem nguồn có tin cậy không. Ngoài ra còn phải kể đến nỗ lực của các tổ chức, cá nhân và các cơ quan báo chí trên thế giới khi xây dựng nên hàng trăm dự án kiểm tra thông tin (fact-check).
Ở Việt Nam đã có một số cá nhân bị xử lý phạt tiền vì tung tin giả, nhưng số lượng bị phát hiện cho tới nay không nhiều và thông thường chỉ xử lý khi liên quan đến những vụ có tác động lớn đến xã hội. Cách làm này chỉ là biện pháp tức thời chứ rất khó triển khai trên quy mô lớn, hiệu quả cũng rất có chừng mực. Chẳng hạn nếu chúng ta phát hiện ra hàng ngàn người, thậm chí hàng chục ngàn người đăng tin giả lên mạng xã hội thì không lẽ phải cử lực lượng chức năng trực tiếp xử phạt.
Vậy nếu những cá nhân này ở nước ngoài thì có biện pháp nào không? Nếu các thông tin giả chưa đến mức độ gây tác động nghiêm trọng cho xã hội thì xử lý như thế nào? Như thế nào mới bị coi là gây tác động nghiêm trọng cho xã hội? Cách đánh giá tác động không có thước đo khách quan cụ thể nào, vậy phải đề ra các mức phạt ra sao cho phù hợp với từng vụ, v,v…
* Theo ông, nếu việc xử lý tin giả chỉ dừng ở mức xử lý hành chính thì đã đủ sức răn đe hay chưa? Hiện có xu hướng nhiều nước trên thế giới, gần đây nhất là Malaysia, đã có những biện pháp xử lý mạnh đối với fake news. Vậy theo ông, Việt Nam có nên có những qui định cũng nghiêm khắc hơn, ví dụ như có biện pháp xử lý hình sự thay vì chỉ xử lý hành chính, phạt tiền như hiện nay, để hạn chế tin giả?
- Dù là phạt tiền hay thậm chí bỏ tù thì cũng chỉ là biện pháp tức thời mà thôi. Tôi cho rằng những biện pháp này có thể có ý nghĩa răn đe nào đó nhưng không triệt để và không bền vững. Không phải kẻ phạm tội nào trước khi ra tay hành động đều nghĩ đến nguy cơ bị trả giá trước pháp luật mà đa phần là bất chấp pháp luật, hoặc nghĩ rằng đủ tài giỏi để không bị phát hiện, hoặc nghĩ rằng hậu quả gây ra không lớn.
Tôi nghĩ rằng các biện pháp hành chính, hay cao hơn là hình sự, vẫn là những phương án cần cân nhắc nhưng phải có những biện pháp mang tính chủ động hơn. Chẳng hạn việc quy trách nhiệm cho các nền tảng mạng xã hội như một số chính phủ đang làm là điều hợp lý, bởi người xây chợ không chỉ được thu lời từ hoạt động của chợ mà phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm lưu chuyển, kinh doanh trong đó.
Chúng ta cũng cần nghiêm túc xây dựng những dự án về việc phát hiện tin giả và kiểm chứng thông tin (fact-check), hoạt động minh bạch và tin cậy để là nguồn tham khảo cho không chỉ người dùng mà cả các cơ quan báo chí cũng như các cơ quan chức năng. Các cơ quan báo chí cũng phải chủ động trong việc này. Trong bối cạnh cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội, rất nhiều cơ quan báo chí vội vã đăng tải thông tin không kiểm chứng, thậm chí bị mạng xã hội dẫn dắt dẫn đến thông tin sai lệch, có trường hợp chính báo chí chính thống tiếp tay cho tin giả khi đăng tải lại. Những vụ như vậy xảy ra với cả những tờ báo lớn trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam, khiến cho niềm tin với báo chí đang phần nào bị giảm sút.
Hơn lúc nào hết, bây giờ báo chí phải chứng tỏ tính chuyên nghiệp của mình, giành lại niềm tin của độc giả. Nếu báo chí chưa thể phát hiện ra tin giả thì ít nhất phải làm tròn trách nhiệm của mình là đưa tin đúng sự thật.
Một vấn đề nữa là phải nâng cao ý thức của người dùng mạng xã hội và cung cấp những kỹ năng cần thiết – một yêu cầu gần như bất khả thi bởi ai cũng nghĩ họ là người dùng thông minh và không cần người khác "dạy dỗ." Tuy nhiên, hoàn toàn có thể lồng ghép những nội dung này trong trường học để cảnh báo thế hệ trẻ và trang bị cho họ những kiến thức nhằm bảo vệ quyền riêng tư đồng thời tránh cạm bẫy khi tham gia vào các trang mạng xã hội. Kinh nghiệm từ việc giáo dục luật an toàn giao thông ở Việt Nam cho thấy dạy trẻ em mang lại hiệu quả cao hơn là hướng đến người trưởng thành.
Cuộc chiến chống tin giả trong thời gian tới sẽ còn phức tạp hơn nữa, khi trí thông minh nhân tạo được áp dụng phổ biến hơn trong quy trình sản xuất tin. Các chuyên gia dự đoán rằng nếu báo chính thống dùng nhà báo robot viết tin được thì những kẻ có dụng tâm xấu cũng sẽ biết cách sử dụng và sẽ sản xuất thông tin với số lượng lớn hơn nhiều. Nhưng cách đối chọi tốt nhất là phòng ngừa, và phòng ngừa từ sớm.
Đừng coi thường tin giả, bởi thực tế cho thấy tin giả không hề là vô thưởng vô phạt, nó có thể hủy hoại uy tín của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, tin giả kích động thù hận, báng bổ tôn giáo, kỳ thị sắc tộc, từng suýt gây nên sự cố ngoại giao giữa các quốc gia, nó thậm chí dẫn đến những vụ giết người vô tội, có thể tới mức làm rối loạn xã hội. Nếu chính quyền, các cơ quan báo chí và cá nhân người dùng mạng xã hội không ý thức được điều này và có hành động trong phạm vi trách nhiệm của mình thì sẽ là quá muộn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận