08/05/2018 10:34 GMT+7

Đừng chủ quan với lồng ruột

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Trẻ đang vui chơi bỗng dưng khóc thét, nôn ói, da mặt tím tái, ưỡn người, mệt lả, đi ngoài có máu tươi…, cha mẹ hết sức cẩn thận vì trẻ có thể bị lồng ruột.

Đừng chủ quan với lồng ruột - Ảnh 1.

Trẻ em nằm điều trị tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Các bác sĩ nhi khoa cho biết đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của bệnh lồng ruột, tuy nhiên có điểm nổi bật là tỉ lệ trẻ em mắc bệnh lý này cao khi vào các mùa dịch virút về đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Nguy hiểm khi cấp cứu không kịp

Nhiều phụ huynh hiểu sai nguyên nhân bệnh, chủ quan khi trẻ có những biểu hiện triệu chứng ban đầu (khóc, đau bụng, bỏ bú...) vì nghĩ rằng trẻ chỉ đau bụng thông thường. Do đó, nhiều trường hợp trẻ cấp cứu khi khối lồng ruột đã bị hoại tử.

Đang bú sữa mẹ, bé H.A. bỗng chốc ngưng bú và khóc thét dữ dội, chưa đầy một phút sau bé tự nín và tiếp tục bú. Tuy nhiên khoảng 20 phút sau bé lại khóc thét, da mặt xanh tái. Gia đình chị M.H. tức tốc đưa bé đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ thông báo bé bị lồng ruột, rất may là gia đình đã đưa bé cấp cứu kịp thời.

Không may mắn như gia đình chị M.H., đứa con đầu lòng của gia đình anh N.T.T. là bé K.O. nhập viện khi khối lồng đã bị hoại tử nên phải phẫu thuật cắt đại tràng ngoài ổ bụng, vì gia đình cứ đinh ninh bé chỉ mắc chứng đau bụng thông thường.

"Khi trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, phụ huynh cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế gần nhất, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Thông thường, trước 48 giờ chỉ có khoảng 2,5% khối lồng bị hoại tử, nhưng sau 72 giờ tỉ lệ này đã lên tới 80%" - BS Hoàng Văn Bảo (khoa ngoại nhi, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội) nói.

Lồng ruột là bệnh lý

Các bác sĩ nhi khẳng định lồng ruột là một bệnh lý không liên quan đến việc vui cười, chạy nhảy hay ăn uống của trẻ như nhiều người dân truyền miệng.

Hiện chưa có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu chứng lồng ruột. Một số ý kiến cho rằng, do sự chuyển đổi từ bú sữa sang ăn giặm đã làm nhu động của trẻ thay đổi đột ngột nên gây ra chứng lồng ruột.

BS Hoàng Văn Bảo cho hay trong quá trình phát triển của bào thai, đoạn đầu của ruột già bao gồm manh tràng và đại tràng được cố định vào thành bụng, còn ruột non thì không. Nhưng trong trường hợp manh tràng và đại tràng không được cố định, không dính vào thành bụng, cộng với nhu động quá mạnh của ruột khiến cho ruột non chui vào lồng ruột già sẽ gây ra lồng ruột.

Lồng ruột là một trong những cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ em nam, có thân hình bụ bẫm, khoảng 3-9 tháng tuổi. Tần suất ở Việt Nam là 302 ca trên 100.000 trẻ dưới 1 tuổi/1 năm.

Có thể ảnh hưởng tính mạng

BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho hay khi trẻ bị lồng ruột mà để quá lâu thì ruột non và các mạch máu nuôi dưỡng đi kèm chui vào ruột già làm ruột bị tắc, các mạch máu bị nghẽn lại, đoạn ruột lồng sẽ bị hoại tử, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Khi trẻ cấp cứu kịp thời, điều trị lồng ruột phổ biến nhất là tháo khối lồng bằng các phương pháp không phẫu thuật như bơm hơi qua hậu môn để đẩy chỗ ruột lồng ra, hay dùng chất cản quang, nước muối sinh lý 9% để tháo lồng với sự kiểm tra của siêu âm, máy chiếu X-quang... với tỉ lệ thành công là hơn 90%. Tuy nhiên vẫn có trường hợp phải phẫu thuật tháo lồng do chỗ lồng quá chặt hoặc do trẻ đến muộn, tỉ lệ này thường chỉ chiếm 1% - BS Bảo cho biết.

Sau khi tháo lồng đơn thuần, trẻ ăn uống bằng đường miệng thực hiện ngay sau khi thông dạ dày được rút bỏ. Trường hợp có cắt nối ruột thì thường bắt đầu lại khi bệnh nhân có trung tiện và dịch sonde dạ dày ít hơn 1 ml/kg/ngày.

Trong trường hợp tái phát, phụ huynh cũng nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất, tránh muộn quá 6 tiếng kể từ khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu (khóc, đau bụng, bỏ bú…).

6 triệu chứng biết bệnh lồng ruột

long ruot 1

Trẻ tự dưng khóc thét dữ dội có thể là triệu chứng của lồng ruột - Ảnh: XUÂN MAI

1. Trẻ khóc thét vì đau bụng dữ dội.

2. Nôn nhiều, bỏ bú, vã mồ hôi, da xanh tái.

3. Bụng căng trướng, ưỡn người, đi ngoài có máu tươi.

4. Tiểu ít, sốt cao, lờ đờ, hôn mê.

5. Cơn đau nhanh tan biến nhưng khoảng 10-20 phút sau thì lại tái diễn nên làm trẻ mệt lả, thậm chí ngất xỉu.

6. Nếu tình trạng này tiếp diễn, dạ dày của trẻ có thể trở nên cứng và sưng phồng lên. Chúng ta có thể cảm nhận thấy một khối có hình dài ở phần bụng giữa phía trên hay bên phải.

Sức khỏe của bạn: Làm gì khi trẻ bị lồng ruột? Sức khỏe của bạn: Làm gì khi trẻ bị lồng ruột?

TTO - Lồng ruột là nguyên nhân phổ biến gây tắc nghẽn đường ruột ở trẻ em và 80% trường hợp lồng ruột xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến thủng trong thành ruột, viêm phúc mạc, nhiễm trùng khoang bụng và thậm chí tử vong.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên