13/11/2016 19:16 GMT+7

Đừng biến giáo viên là 'cánh tay nối dài' của phòng tài vụ

MAI THI
MAI THI

TTO - Thay vì giờ học thăng hoa với lời hay ý đẹp, tiết sinh hoạt lớp trao đổi tâm tình giữa cô và trò... nhiệt huyết cô - trò bỗng xẹp xuống như quả bóng xì hơi khi cô nhắc nhở trò nộp tiền.

Liên quan đến vai trò người thầy hiện nay có xu hướng trở thành “cánh tay nối dài” của phòng tài vụ, bạn đọc Mai Thi đã gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết nói lên 1.001 nỗi khổ của người trong cuộc khi phải làm công việc trái khoáy, không đúng chức năng của mình.

Theo bạn đọc Mai Thi, thật trớ trêu và nặng lòng khi người thầy hiện nay tự ví mình là “người đi đòi nợ” của phòng tài vụ, ban đại diện cha mẹ học sinh, các công ty bảo hiểm…

Dưới đây là những mẩu chuyện bên lề cười ra nước mắt xung quanh việc thu - nộp của giáo viên:

“Bên cạnh tài liệu, giáo án, mỗi khi đến lớp các giáo viên còn có một cuốn sổ nhỏ chi chít những con số, dấu cộng dấu trừ, bút xanh mực đỏ, luôn kè kè bên mình -  chúng tôi gọi đó là: “Giáo án thu nộp”!

Trang “giáo án” ấy cần một sự tỉ mỉ cao độ trong ghi chép, bảo quản. Trang “giáo án” ấy có đầy đủ các khoản thu, ngày tháng nộp, chữ ký của phụ huynh, có đánh giá và tổng kết theo tháng, theo kỳ…

Một đồng nghiệp của tôi xui xẻo thu nhầm 1 tờ 500 nghìn giả, chẳng tìm được “địa chỉ” trong vô số phụ huynh vừa nộp, đành bấm bụng bỏ tiền lương bù vào.

Một chị lớn tuổi hơn bèn mách nước một “sáng kiến” vẫn dùng bao lâu nay: “Mỗi khi thu tiền có mệnh giá lớn, nhớ ghi lại chính xác dãy số xêri bên cạnh”. Vậy là không muốn mất tiền oan ức thì cứ cặm cụi với những dãy số vô tri vô giác ấy đi!

Thay vì giờ học thăng hoa với lời hay ý đẹp, tiết sinh hoạt lớp trao đổi tâm tình giữa cô và trò, buổi họp phụ huynh mang tính kết nối, tương tác về chuyện học, chuyện chơi của con trẻ thì đồng tiền chen chân vào phá vỡ tất cả. Nhiệt huyết cô - trò bỗng xẹp xuống như quả bóng xì hơi khi cô nhắc nhở trò nộp tiền".
Mai Thi

Có người thầy nọ nhận được điện thoại của phụ huynh vào sáng tinh mơ với vỏn vẹn lời nhắn: “Tôi vừa đưa tiền nộp cho cháu, thầy nhớ thu” rồi tắt máy. Một nỗi hụt hẫng không hề nhỏ đã dâng lên trong lòng người nhận cuộc gọi.

Có cô giáo kia tìm về nhà học sinh sau mấy ngày trò vắng học không phép và lòng chùng xuống khi nghe lí do: “Cháu sợ cô nhắc … nộp tiền”. Và nghe đâu có cả cô giáo từng “ăn mắng” từ vị phụ huynh “vô tình”: “Cô chỉ biết đòi tiền!”…

Nghề giáo nhiều áp lực là điều ai cũng biết. Giảng dạy, giáo dục học sinh chỉ mới là bề nổi của khối áp lực về thành tích, thi đua, chất lượng.

Soạn giáo án, cập nhật hồ sơ sổ sách, chấm chữa bài, xây dựng tác phong trước học sinh, tạo mối quan hệ thân thiện với phụ huynh… là hàng loạt công việc không tên khác đòi hỏi nhiều công sức và tâm huyết.

Nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất trong lòng người thầy có lẽ là công việc thu tiền và “giáo án thu nộp”.

Một hình ảnh khác về người thầy mà chỉ người trong cuộc mới thấm thía nỗi lòng đó là: họp phụ huynh phải dành khoảng thời gian không nhỏ trao đổi các khoản thu chi, tiết sinh hoạt lớp tranh thủ nhắc học sinh đóng tiền, cặp sách đủ loại phiếu thu…

Và cả thực tế quay như chong chóng với cách thức thu tiền tranh thủ mọi lúc mọi nơi, từ nghỉ năm phút, giờ ra chơi, tiết sinh hoạt tập thể đến cả việc tận dụng vài phút trong giờ học.

Danh mục các khoản thu không hề ít ỏi. Ngoài những khoản bắt buộc như học phí, còn có những khoản thu thỏa thuận, vận động, hỗ trợ (quỹ cha mẹ học sinh, tiền giữ xe đạp, tiền đồng phục, tiền ghế nhựa, tiền hỗ trợ trang thiết bị dạy học…) đến cả các khoản thu giúp, thu hộ (bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…).

Bao nhiêu mục thu là bấy nhiêu phiếu thu đi kèm. Rồi lẩm nhẩm tính toán, cộng trừ, phân loại, đối chiếu và cần mẫn tích cóp nộp lên phòng tài vụ trường. Nếu chẳng may sơ suất, nhầm lẫn gì đó là ngay lập tức rơi vào tình huống cực kỳ “nhạy cảm” ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự.

Thay vì giờ học thăng hoa với lời hay ý đẹp, tiết sinh hoạt lớp trao đổi tâm tình giữa cô và trò, buổi họp phụ huynh mang tính kết nối, tương tác về chuyện học, chuyện chơi của con trẻ thì đồng tiền chen chân vào phá vỡ tất cả. Nhiệt huyết cô - trò bỗng xẹp xuống như quả bóng xì hơi khi cô nhắc nhở trò nộp tiền.

Không khí buổi họp toàn thể cha mẹ học sinh chợt chùng xuống đáng sợ khi giáo viên thông báo các khoản thu chi và rồi tiếng xầm xì, thắc mắc, nghi vấn râm ran nổi lên. Giáo viên “đứng mũi chịu sào” trao đổi, giải trình với phụ huynh nên đâu thể tránh khỏi va chạm và tổn thương!

“Nói” về tiền, “nhắc” chuyện tiền, “đòi” tiền nộp là những công việc bất khả kháng của giáo viên. Chẳng thể khác được khi lời nhắc nhở từ nhẹ nhàng đến nghiêm khắc của nhà trường về tiến độ thu các khoản đang hối thúc sau lưng.

Thậm chí có trường còn đưa hẳn “trách nhiệm”, “nghĩa vụ” thu tiền của giáo viên chủ nhiệm vào tiêu chí xếp loại thi đua. Chỉ cần công tác thu nộp không đạt chỉ tiêu là ngay lập tức trừ điểm, nâng lên hạ xuống danh hiệu.

Đến bao giờ nhà giáo mới thanh thản cõi lòng, an nhiên lên lớp và chẳng chút vướng bận chuyện tiền trong khi tiếp cha mẹ học sinh?

Đến bao giờ nhà giáo mới được giải thoát khỏi vòng xoay của đồng tiền và hình ảnh phản cảm trong ánh nhìn của mọi người?

Xin hãy đặt công việc thu nộp các khoản tiền trường cho những người có trách nhiệm, chuyên môn của nhà trường và trả lại các khoản thu giúp, thu hộ về cho chính chủ…”.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bạn có đồng ý với cách nhìn nhận và đề xuất: “Xin hãy đặt công việc thu nộp các khoản tiền trường cho những người có trách nhiệm và trả lại các khoản thu giúp, thu hộ về cho chính chủ, để giáo viên còn được là mình” của cô giáo Mai Thi? Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

 

MAI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên