Tôi sinh ngày mồng 2 tháng 5 năm Quý Sửu (1913) giờ hợi. Thầy số đoán: “Mệnh vô chính diệu, đắc nhất không, phi bần tắc yểu, 30 tuổi là mãn”.
Thầy phán số chết non nhưng tôi lại thọ, chỉ bị bảy phen chết hụt thôi.
Người lớn kể rằng: năm Ất Mão (1915) lụt lớn. Nhà bên ngoại tôi ở phố Hàng Song, tỉnh Nam Định nước ngập đến gối. Tôi lên ba, con đầu, cháu sớm, được ba cậu: cậu Định, cậu Hiếu, cậu Ân bồng bế, tung hứng thế nào mà lọt tõm ngay cháu xuống nước. Có lẽ vì ca chết đuối hụt ở tuổi ấu niên đó khiến tôi suốt đời nhát nước và xui nên thêm ba phen chết đuối hụt nữa mới kỳ chứ!
Hồi lên 5, tôi qua chơi nhà chú, ra miệng cống lộ thiên, nơi góc sân để đi tiểu. Tôi đứng sát miệng hố, trên hòn gạch vừa trơn vừa nghiêng xoai xoải. Hòn gạch long ra, tụt xuống hố kéo theo cả tôi.Nước đen ngòm, khai, thối đầy bọ quăng nhưng tôi may không chết đuối vì được cứu kịp thời.
Năm 1932, tôi dạy học tại trường tư thục Servir của cha Vacquier, bên hông nhà thờ lớn tỉnh Nam Định. Chủ nhật, tôi dẫn học trò đi đá bóng. Đá thế nào mà trái banh bay xuống ao. Đành phải xắn quần lội ra vớt banh. Bước đầu nước đến gối, bước thứ hai nước đến mông. Cố vớt chỉ còn cách trái banh khoảng gang tay. Bước thêm bước nữa thì “ụp”, hẫng chân, chìm nghỉm. Trong lúc tôi hốt hoảng vùng vẫy loạn xạ ở dưới đáy ao thì được một bàn tay đẩy mạnh vô bờ. Thì ra cái ao đó sâu trên hai con sào. Một cầu thủ người địa phương đã kịp thời cứu tôi khỏi chết.
Hè năm 1935, ra Đồ Sơn nghỉ mát. Buồn buồn, một mình tôi đạp xe ra khu du lịch coi thiên hạ vui chơi. Xe đổ dốc tới một cua ngoặt trái. Đang căng mắt theo dõi đường nhựa loang loáng thì thấy xe sắp lao xéo vô một dải lờ mờ trăng trắng. Đó là bờ kè đá trắng cao khoảng 25cm, bên ngoài là biển sâu. Linh tính khiến tôi vội bẻ ngoặt ghiđông sang tay mặt cho má bánh trước va mạnh vô bờ kè. Tức thì cả xe lẫn người tôi đổ ập sang trái là lề đường. Chỉ chậm một tích tắc là cả xe lẫn người tôi đã băng qua kè đá, lăn xuống biển sâu mà chết.
Năm 1945 tôi làm quản lý cho cơ sở ngũ cốc tại Kỳ Lừa (Lạng Sơn). Qua cầu nổi làm tạm thay cho cầu sắt bị bom phá, khi đến giữa cầu thì gặp đội quân Tưởng Giới Thạch từ Kỳ Lừa sang (mượn danh nghĩa để giải giáp quân Nhật). Hai bên cứ âm thầm tiến bước. Bỗng dưng người lính Trung Hoa giơ cao báng súng nhằm vào đầu tôi định bổ xuống... Có lẽ nhờ “thần hộ mạng” can thiệp kịp thời khiến người lính đó dừng tay đúng lúc. Không thế thì báng súng đó đã kết liễu đời tôi, xác tôi cứ thế lăn xuống sông như kẻ tự trầm chứ còn sống đâu đến giờ mà ngồi viết chuyện đời tự kể.
Sau đây là một vụ tôi thoát chết cháy:
Năm 1935 tôi làm thư ký Sở hỏa xa Vân Nam tại Vân Nam, Trung Hoa. Sau kỳ nghỉ phép, tôi đáp xe hỏa Hà Nội - Vân Nam về sở làm. Nửa đêm, khi đoàn tàu gần tới ga Kai Uyên thì bị tuột dốc. Nhân viên trên tàu ra sức hãm thắng tay, tàu mới ngưng trôi. “Sếp” xuống đánh diêm coi tàu có an toàn trên đường sắt không thì lửa bùng cháy lớn. Cả toa xăng bốc cháy phừng phừng, thiêu rụi thêm nhiều toa khác. Tôi ngồi toa hạng III ở cuối đoàn tàu nên may được vô sự. Tôi nhận là may vì theo quy tắc, toa xăng phải được mắc nơi cuối đoàn tàu kế toa hạng III tôi ngồi. Nay vì chở ồ ạt, nhân viên hỏa xa mắc ẩu ngay sau đầu máy. Toa xăng cháy đó mà được mắc đúng phép thì tôi đã chết thiêu rồi còn gì!
Ở trên là sáu nạn lớn do “thủy hỏa đạo tặc”, dưới đây mới là một ca tôi thoát chết hi hữu. 11g30 tan học, tôi cưỡi xe đạp từ Trường Servir về nhà. Trời bắt đầu mưa nặng hạt, tôi đang đạp miết theo lề đường bên trái để tránh cái xe bò cỡ trung đậu nghịch chiều bên phải thì đúng lúc đó anh chủ xe bò quay ngoắt xe sang lề trái. Tôi tránh không kịp, cả người lẫn xe bay phốc lên rồi “đáp” xuống, đứng sững giữa cái xe bò. Cũng may, nếu không tôi đã ngã lộn cổ, chẳng chết cũng tàn tật.
Sự kiện quá ly kỳ. Mãi giờ đây, trên 76 năm qua ngẫm lại vẫn chịu, không lý giải được bằng cách nào mà tôi được bốc một cách an toàn lên cái xe bò đó.
Để kết thúc câu chuyện: “Không nên tin thầy số mà phải tin: đức năng thắng số”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận