20/08/2015 10:10 GMT+7

Đức chật vật gồng gánh người tị nạn

THU ANH
THU ANH

TT - Chính phủ Đức tăng mức dự báo số người tị nạn đến nước này trong năm nay lên con số kỷ lục 750.000 người. Trong khi đó, các thành phố nói rằng khó 
có thể tiếp nhận.

Một cậu bé đợi cha mẹ nộp đơn xin tị nạn ở Berlin, Đức             Ảnh: Reuters
Một cậu bé đợi cha mẹ nộp đơn xin tị nạn ở Berlin, Đức - Ảnh: Reuters

Mức dự báo tăng vọt này, so với dự báo 450.000 người trước đó, được giới quan sát nhìn nhận là dấu hiệu mới nhất cho thấy làn sóng người di cư và tị nạn từ các nước nghèo khó và chiến tranh ở châu Phi, Trung Đông đang tràn đến Đức lớn như thế nào.

Điều đó cũng cho thấy Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải mệt mỏi như thế nào trong việc đối phó vấn đề người tị nạn.

EU cần một chính sách chung

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trên Đài truyền hình Đức ZDF hôm 16-8: “Tình hình cực kỳ không thỏa đáng chút nào”. Ý bà Merkel đang nói đến số người tị nạn quá lớn mà Đức đang phải gánh so với các đối tác EU khác. “Chúng ta cần một chính sách tị nạn chung của châu Âu” - bà nói.

Sau khi bà Merkel cảnh báo số người tị nạn có thể cao hơn nhiều so với dự đoán, các nguồn tin trong liên minh cầm quyền của bà nói với Hãng tin Reuters rằng dự báo số người tìm cách tị nạn ở Đức có thể ở mức 650.000 - 750.000 người.

Lãnh đạo Đảng trung tả Dân chủ xã hội trong liên minh cầm quyền Thomas Oppermann dự đoán số người đến tị nạn có thể 700.000 - 800.000 người.

Số người di cư đến EU đã tăng mạnh trong những tháng hè vừa qua, khiến chính quyền các nước châu Âu chật vật đối phó. Nhiều người bất chấp nguy hiểm trên biển để đến được miền nam châu Âu rồi tìm cách đi đường bộ với hi vọng đến được các nước giàu có như Đức.

Ở Brussels (Bỉ), cơ quan kiểm soát biên giới của EU nói có gần 110.000 người di cư vào EU thông qua những cách bất thường và có đến 340.000 lượt người di cư đến khu vực này từ đầu năm đến nay.

Trên khắp nước Đức, các thành phố lên tiếng không thể chứa nổi số người di cư tăng như vậy. Năm 2014, theo Reuters, số người di cư đến Đức chỉ khoảng 200.000 người.

Đức cũng là nước tiếp nhận người tị nạn lớn nhất ở EU với hầu hết người tị nạn đến từ những nước nghèo và chiến tranh như Syria, Iraq, Eritrea. Cũng có một làn sóng người tị nạn đến từ các nước khu vực Balkan.

Cùng với việc thiếu chỗ trú ngụ cho người tị nạn ở các thành phố lớn, Đức cũng chật vật trong việc xử lý các đơn xin tị nạn mà quy trình có thể mất hơn một năm.

Hôm 18-8, Bộ Tài chính Đức đã thuyên chuyển 50 nhân viên hải quan sang Văn phòng quốc gia về di cư và tị nạn trong vòng sáu tháng để giải quyết các đơn từ chất đống thời gian qua.

Nhiều vụ tấn công người tị nạn

Thủ tướng Đức Merkel cho rằng các nước EU khác phải nỗ lực hơn nữa. Bà cũng tìm cách trấn an các nỗi sợ rằng vấn đề người di cư sẽ tác động đến tiền thuế của dân và lấy đi việc làm của họ. Trước tình hình đó, tâm lý bài ngoại và số các vụ tấn công nơi ở của người tị nạn tại Đức cũng tăng mạnh.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Đức công bố cho báo chí hôm 18-8, số vụ tấn công mang tính chất bài ngoại đã tăng 40% trong năm 2014 so với năm trước.

Theo báo Christian Science Monitor ngày 17-8, những người dân tức giận đã ném pháo vào một nhà trọ của người tị nạn ở đông bắc Đức. Hàng ngàn người tại các thành phố và thị trấn khác gần đó đã tổ chức biểu tình việc chứa chấp người tị nạn, xu hướng mà họ nói là “Hồi giáo hóa phương Tây”.

Tuy nhiên, theo Christian Science Monitor, một số ý kiến đã coi việc người tị nạn đến Đức tăng lên là cơ hội để vực dậy nền kinh tế nước này. Lãnh đạo Cơ quan Việc làm liên bang từng kêu gọi chính phủ đổ thêm ngân sách để đẩy nhanh việc đưa người di cư vào lực lượng lao động của đất nước.

Kế hoạch đó đã dẫn đến một số vụ tấn công người tị nạn từ những “người Đức cảm thấy lo lắng về viễn cảnh phải cạnh tranh với người tị nạn”.

Các thành phố tiếp nhận người tị nạn trên khắp đất nước, từ các bang miền đông nghèo khó đến các bang miền nam thịnh vượng hơn, đang chứng kiến sự bùng phát các vụ tấn công người tị nạn, gia đình họ và cả nơi họ đang trú ngụ.

Sau Đức là Thụy Điển

Thụy Điển là nước tiếp nhận người xin tị nạn nhiều thứ hai ở châu Âu. Trong năm 2014, nước này đã tiếp nhận con số kỷ lục 81.200 đơn và tâm lý bài người nhập cư đang tăng lên.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Antonio Guterres nói trên nhật báo Đức Die Welt: “Tình hình này sẽ không bền vững về lâu dài nếu chỉ có Đức và Thụy Điển tiếp nhận phần lớn người tị nạn”.

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên