Hoàn tất đưa 11kg uranium có độ giàu cao ra khỏi Việt Nam
![]() |
Diễn tập đóng container chứa uranium tại lò phản ứng hạt nhân (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) - Ảnh: CTV |
Phía sau thông tin này là cả một quá trình chuẩn bị hết sức công phu. Tám chuyên gia của Nga, Mỹ, Cộng hòa Czech và 16 kỹ sư của Trung tâm lò phản ứng (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) mất gần một tháng trời để thao luyện các thao tác đưa uranium lên máy bay một cách an toàn.
Một tháng diễn ra quá trình chuyển trả các thanh nhiên liệu có độ giàu cao, an ninh tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được siết chặt, không ai được đến gần nhà lò ngoài nhóm làm nhiệm vụ. Trong số các kỹ sư được huấn luyện, chỉ một số được chọn để thực hiện công đoạn quan trọng nhất.
20 triệu USD chuyển đổi nhiên liệu Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền cho biết Nga và Mỹ đã chi 20 triệu USD cho chương trình chuyển đổi nhiêu liệu lò phản ứng hạt nhân có độ giàu cao sang độ giàu thấp tại VN. Chi phí chủ yếu dành cho việc cung cấp lại cho Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt các thanh nhiên liệu mới có độ giàu thấp hơn. |
Theo ông Lê Vĩnh Vinh, phó giám đốc Trung tâm lò phản ứng - người tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển giao uranium, tháng 9-2007 Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt từng chuyển trả 36 thanh nhiên liệu chứa uranium độ giàu 35% cho Nga.
Việc chuyển trả này diễn ra không quá căng thẳng vì đây là những thanh nhiên liệu chưa từng được sử dụng nên lượng phóng xạ ở mức thấp. Tuy nhiên, đối với 106 bó nhiên liệu trao trả lần này là một câu chuyện hoàn toàn khác: chúng nằm trong lò phản ứng từ năm 1983-2011. Sau 28 năm hoạt động, chúng được đưa vào bể nhiên liệu để làm giảm lượng phóng xạ nhưng vẫn còn cao, vẫn còn tác động rất lớn nếu rò rỉ.
Để đảm bảo an toàn cho quá trình chuyển trả, một chiếc container nhập từ Cộng hòa Czech nặng khoảng 12 tấn, độ dày của thành khoảng 30cm được đưa đến Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Một chiếc xe nâng loại đặc biệt, được che chắn cẩn thận bằng vật liệu chống phóng xạ, được trưng dụng để nâng container đưa vào nhà lò. Lo sợ sức nặng của hàng chục tấn thiết bị sẽ ảnh hưởng đến kết cấu sàn nhà lò phản ứng, nhóm thực hiện dùng một tấm sắt dày lót lên sàn nhà lò để triệt tiêu lực.
Thao tác đặc biệt quan trọng là đóng nắp container. Ông Vinh kể: “Các kỹ sư dành hai ngày để tập luyện nhưng đến ngày tiến hành thật sự họ chỉ mất 48 giây”. Container đã đóng, thiết bị dò phóng xạ rò rỉ không đưa ra bất kỳ thông số nào đáng lo ngại, khi đó các kỹ sư mới thở phào nhẹ nhõm.
Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền mô tả không khí của buổi chuyển trả các bó nhiên liệu tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai): “An ninh nghiêm ngặt, quân đội tổ chức thành nhiều vòng để bảo vệ hiện trường cho đến khi máy bay quân sự của Nga cất cánh”. Một số thông tin đăng trên các trang mạng cho rằng 11kg uranium có độ giàu 36% mà VN vừa chuyển trả cho Nga tương ứng với nguyên liệu thô cho nửa quả bom nguyên tử. Trước thông tin này, các chuyên gia ở lò phản ứng Đà Lạt khẳng định là không có căn cứ. Ông cho biết: “Thực tế uranium có độ giàu 36% khó có thể chế tạo vũ khí. Với công nghệ hiện nay, độ giàu cần thiết phải hơn 80%”. Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền cho rằng về khối lượng thì thông tin này đúng nhưng xét về chất thì không đúng.
VN là nước thứ 11 sau Cộng hòa Czech, Romania hoàn tất chuyển trả nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân có độ giàu cao. Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền khẳng định: “Các thanh nhiên liệu sau khi được trở về Nga sẽ được làm giảm độ giàu và phục vụ các mục đích dân sự”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận