13/10/2020 09:41 GMT+7

Người thầy 20 năm đưa trò qua đoạn đường khó

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Hôm đến nhà tân sinh viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM Phạm Thị Thanh Tùng (Trường THPT Vạn Tường, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), thầy Nguyễn Ái Nam (giáo viên Trường THPT Vạn Tường) căn dặn Tùng đủ điều.

Đưa trò qua đoạn đường khó - Ảnh 1.

Thầy Nam trao đổi động viên tân sinh viên Phạm Thị Thanh Tùng cố gắng bước vào giảng đường đại học - Ảnh: TRẦN MAI

Ttôi cứ ngỡ thầy là giáo viên chủ nhiệm, nhưng không, thầy Nam chỉ dạy Tùng một thời gian ngắn năm học lớp 11. Chỉ vì thương học trò nghèo, mong muốn học trò tốt hơn nên thầy Nam lặng lẽ tiếp sức. 

Cái tâm của người thầy miền biển thấu cảm những khó khăn của trò là động lực để thầy Nam đến với trò nghèo.

Không thể khổ mãi được

"Mong học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ giúp Tùng vững bước vào đại học" - thầy Nam nói, rồi đôi mắt thầy hướng về chị và mẹ của Tùng đang dặt dẹo với bệnh tâm thần và tim. 

Đáng ra, như bao đứa trẻ khác, mẹ và chị sẽ chăm lo cho Tùng, vậy mà ngược lại nhiều năm qua Tùng phải chăm cả hai. Thầy Nam thương nghị lực của Tùng, trong hoàn cảnh éo le vẫn kiên định tìm con chữ.

Ở xứ này, hoàn cảnh như Tùng không hiếm. Vùng đất oanh liệt trong lịch sử với biết bao chiến công, ngay cái tên Trường THPT Vạn Tường cũng là tên một trận đánh nổi tiếng trong lịch sử. Vậy mà qua thời gian, sung túc vẫn còn rất xa vời. 

Ở các xã Bình Tân Phú, Bình Hải, Bình Hòa, Bình Châu... ngoài những gia đình khấm khá có ghe tàu đánh cá hoặc buôn bán, còn phần đông người dân sống dựa vào làm thuê.

Thầy Nam cũng lớn lên trong khó nghèo, cố gắng lắm mới học xong đại học. Ngày tốt nghiệp, thầy Nam quyết định trở về trường xưa dạy học, với niềm tin con chữ sẽ giúp học trò xứ mình thẳng thớn bước vào đời. Hơn ai hết, đi qua nghèo khó nên thầy Nam đồng cảm và thương học trò nghèo như lẽ tự nhiên. 

"Tôi sinh ra ở xã Bình Châu, thế hệ của tôi những ai cố học thì sau này đỡ khổ, còn đa phần bạn bè thời ấy giờ cực lắm. Mong mỏi lớn nhất của đời tôi là các thế hệ sau này lấy học tập làm mục tiêu thoát nghèo. Không thể khổ mãi được" - thầy Nam trải lòng.

Tròn 20 năm dạy ở Trường THPT Vạn Tường, thầy Nam chẳng nhớ hết những lần mình kết nối và học trò có thêm chỗ dựa để vươn lên. Nhưng có những mốc thời gian khiến thầy Nam nhớ mãi, như năm 2002 thầy làm phó bí thư Đoàn Trường THPT Vạn Tường, cũng năm đó lần đầu tiên thầy giới thiệu cho báo Tuổi Trẻ những tân sinh viên đầu tiên. 

"Lâu quá tôi không nhớ tên các em, chỉ nhớ là các em đi học rồi mới biết nhận được học bổng, liên hệ vào trường đại học thì mới hay học trò đậu nhưng không nhập học mà đi làm thêm. Rồi phải nhờ đủ mối quan hệ để tìm trò thông báo có học bổng. Số tiền đó cứu bao nhiêu em quay lại giảng đường" - thầy Nam nói.

Có duyên với học trò nghèo, thầy Nam thêm phần mát tay khi "chủ xị" của nhiều học bổng khác. Thầy Nam cứ xem học bổng nào phù hợp với các trò là giới thiệu. Chỉ đau đầu nhất là công tác "tuyển chọn" bởi cảnh đời nào cũng khổ. 

Có đêm, ngồi trân trong mớ danh sách, vợ thầy lại an ủi: "Thôi anh ngủ đi, giờ phải chọn các em mồ côi, bệnh tật trước. Các em còn lại tìm học bổng khác hoặc kêu gọi nhà hảo tâm giúp". Thầy Nam bảo rằng: "Vui nhất là vợ cũng làm nghề giáo, đồng cảm và chia sẻ với việc tôi làm".

Vững tin hơn khi có thầy

Lướt qua trong đầu mình, thầy Nam bảo rằng vùng đất khắc nghiệt, quanh năm hứng chịu bão tố lại sinh ra những đứa trẻ đầy hoài bão. Ai từ bỏ con đường học tập sớm thì lao vào cuộc sống, những ai theo con đường học thì kiên định bám trụ không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng. Chàng kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Hữu Nhi nói về người thầy của mình là "số 1". 

Những năm tháng khó khăn nhất cuộc đời của Nhi và anh trai có bóng dáng thầy Nam bên cạnh. Có thầy Nam, Nhi được tiếp thêm sức mạnh vượt khó. 

"Tôi không có cha, mẹ sức khỏe yếu, còn dì thì mù lòa. Những năm tháng đi học của tôi và anh trai trong thiếu thốn, phải làm việc để nuôi mẹ và dì. May mắn lớn nhất là tôi có thầy Nam yêu thương. Cả hai anh em vừa tốt nghiệp đại học, công việc cũng bắt đầu ổn định dần. Với anh em tôi, thầy Nam là người cha" - Nhi nói.

Còn chàng trai Nguyễn Tấn Thành, nhân vật trong bài viết "Thành - Chàng trai hiếu tử" năm nào, nước mắt ngắn dài kể về câu chuyện cuộc đời mình khi nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ đang chuẩn bị bước vào năm 3 đại học. Thành cảm ơn thầy Nam cho mình cơ duyên đến với học bổng và từng bước đi vào cuộc đời. 

Thành kể: "Ngày tôi vào lớp 10, thầy Nam xuống nhà quay clip rồi dẫn lên đồn biên phòng gần nhà nhờ các chú giúp. Khi tôi đậu đại học, thầy cùng các chú bộ đội lại kết nối để tôi nhận học bổng. Không có thầy, chắc chắn tôi sẽ chẳng thể đứng ở giảng đường như hôm nay".

Những lời chia sẻ của học trò mà thầy Nam từng giúp đỡ kéo hình ảnh một người thầy thân thiện, lấy chính cuộc đời mình ra làm động lực cho học trò như một thước phim. Ở giữa ngã ba lựa chọn cuộc đời, cô bé Võ Thị Bích Vân ngày nào từng bị thầy Nam "giũa" cho một trận khi lựa chọn nghỉ học thay vì thi vào đại học. 

Bích Vân giờ đã là cử nhân luật làm việc tại một văn phòng công chứng. Vân bảo thời khắc định đoạt cuộc đời năm ấy, khát khao học tập có, nhưng nhìn mẹ một mình gồng gánh cho bốn anh em đã chặn đứng tất cả tương lai. 

"Thầy Nam đã lấy lại sự tự tin cho tôi. Tôi cũng vững tin hơn khi có thầy, suốt những năm tháng giảng đường của tôi, khó khăn nào thầy cũng đứng ra gỡ. Kể cả tiền trang trải cuộc sống tại quê cho mẹ. Ngày hôm nay của tôi 90% nhờ thầy Nam, 10% còn lại là nỗ lực của bản thân thôi", Vân trải lòng.

Người thầy ốm nhom luôn nở nụ cười hiền ấy đã đưa bao học sinh vùng đông huyện Bình Sơn vượt qua đoạn đường khó. Trên hành trang đứng lớp, thầy Nam có thêm hành trình kết nối cho trò. Năm nay, tân sinh viên Phạm Thị Thanh Tùng nhận "mệnh lệnh" từ người thầy của mình "phải vào đại học". Tùng cũng đã khẳng định với thầy sẽ không bỏ học dù khó khăn đến đâu.

Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ

1.000 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng năm học 2020-2021 trị giá 10 triệu đồng/học bổng và suất đặc biệt là 15 triệu đồng.

Báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời, qua địa chỉ email: tiepsucdentruong@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 0283.997.3838.

Bạn đọc có thể đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập.

Kinh phí học bổng chuyển về: Phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.

Chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

CÔNG TRIỆU

Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp

TTO - "Tôi không muốn học trò của mình phải dừng lại vì hoàn cảnh ngặt nghèo, nên mấy ngày nay cũng cố gắng kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều người".

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên