30/05/2024 16:18 GMT+7

Đưa tri thức dân gian trồng, chế biến sâm Ngọc Linh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa "Tri thức dân gian khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My" vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khai thác hạt sâm Ngọc Linh - Ảnh: LÊ TRUNG

Khai thác hạt sâm Ngọc Linh - Ảnh: LÊ TRUNG

Ngày 30-5, UBND tỉnh Quảng Nam cho hay đã có công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với "Tri thức dân gian khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam".

Theo ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh, tri thức dân gian khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, dân gian gọi là cây "thuốc giấu" với đồng bào các dân tộc thiểu số, đây được coi là một loại thần dược có tác dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe rất tốt.

Sống dựa vào thiên nhiên nên từ xa xưa đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú quanh dãy núi Ngọc Linh, đặc biệt là đồng bào dân tộc Xơ Đăng đã biết đến một loài cây thuốc quý mọc trong các khu rừng nguyên sinh.

Đây là tri thức dân gian có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc gắn liền với nền nông nghiệp nương rẫy và kinh tế rừng. Điều này cũng minh chứng cho sự gắn bó, gần gũi và hòa hợp với môi trường thiên nhiên của cộng đồng cư dân nơi đây.

Cây sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My - Ảnh: LÊ TRUNG

Cây sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My - Ảnh: LÊ TRUNG

Việc tiếp cận, nhân giống, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh mang lại giá trị kinh tế rất cao, cho thấy sự thay đổi, phát triển về tập quán sản xuất từ khai thác, hái lượm sang sản xuất tập trung, đầu tư thâm canh chuyên sâu, nhờ đó một bộ phận người dân huyện Nam Trà My thoát nghèo bền vững.

Qua quá trình thực hành di sản, cộng đồng địa phương đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu hình thành nên hệ thống tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh khá hoàn chỉnh.

Tri thức dân gian khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My có thể xem là kho tàng quý giá, vừa mang giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh những tiềm năng từ cây sâm mang lại thì việc bảo tồn và phát huy tri thức dân gian nghề nghiệp trong việc khai thác, trồng, chế biến sâm Ngọc Linh cũng cần được bảo lưu, gìn giữ.

Củ sâm Ngọc Linh - Ảnh: LÊ TRUNG

Củ sâm Ngọc Linh - Ảnh: LÊ TRUNG

Với những giá trị nổi bật nêu trên, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Nam Trà My tổ chức kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể "Tri thức dân gian khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My".

Đến nay, hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể nêu trên đã hoàn thành theo đúng quy định.

UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định đưa tri thức dân gian khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sâm Ngọc Linh K5 mang cả rừng sâm về phốSâm Ngọc Linh K5 mang cả rừng sâm về phố

Vừa qua, tại Lễ hội sâm quốc tế diễn ra ở TP.HCM, hàng vạn người dân thành phố và du khách đã trầm trồ kinh ngạc và mãn nhãn với rừng sâm thu nhỏ, chiêm ngưỡng những bình sâm xa xỉ giá bạc tỉ và uống trà sâm...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên