Anh lương y mang tinh hoa núi rừng xuốn núi giúp người - Thực hiện: CÔNG TRIỆU - DIỄM HƯỜNG - TRINH TRÀ

Tranh thủ ngày nắng hiếm hoi trước khi cơn bão số 3 Yagi ập tới, anh lương y trẻ đeo gùi, lội suối băng rừng tìm hái từng chiếc lá quý hiếm vẫn nằm rải rác trên đỉnh núi Cham Chu (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang).

Đưa tinh hoa Cham Chu xuống núi giúp người - Ảnh 2.

Anh là Phạm Đức Sinh, người sáng lập Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh DSinh, cũng là một lương y có tiếng trong vùng.

Nhưng anh còn được biết đến với kiểu thăm khám kỳ lạ! Phải tính ở thời điểm từ năm 2008, cứ hễ trẻ em, phụ nữ mắc bệnh tìm đến đều được anh khám rồi cấp thuốc hoàn toàn miễn phí.

Đưa tinh hoa Cham Chu xuống núi giúp người - Ảnh 3.

Theo Đức Sinh trèo đèo lội suối, cùng nhau băng qua nhiều kilomet núi đồi, bỗng Sinh buột miệng: "Tôi vốn cũng không thích nghề này".

Câu tâm sự ấy khiến nhiều người trong đoàn bất ngờ. Vì tự dưng người dẫn đường, hăng hái và đi nhanh nhất lại nói thế! Có người chợt hỏi: "Động lực nào để Sinh gắn bó với núi rừng rồi trở thành một lương y?".

Phải nhắc ngược một chút, ông nội Sinh từng là quan ngự y. Còn cha anh cũng là một thầy lang nổi tiếng trước đây. Thế nên với Sinh, lương y chắc chắn là một nghề vô cùng cao quý.

Ít ai biết trong Sinh có nỗi sợ vô hình với những vách núi dựng đứng. Ký ức của đứa bé 5 tuổi ngày ngày Sinh theo chân bố vượt núi rừng đi hái thuốc.

Đó là những đêm ngủ trong hang đá cùng bố nhưng hễ thức giấc, mở mắt lại không thấy ai cạnh bên. Cả những ngày mò mẫm vượt rừng thiêng nước độc tìm hái từng lọn lá thuốc. Đâu đó còn là nỗi sợ nghèo đói của chính cái nghề này.

"Về đêm trên núi rất lạnh. Tôi thức giấc quay tìm quanh nhưng bố đã đi săn từ khi nào chẳng hay. Cảm giác sống trong cái lạnh và cả nỗi sợ của một đứa trẻ giữa rừng hoang. Rồi cả nỗi sợ vì có khi đi 2-3 ngày trời nhưng không tìm được lá thuốc và đói run người làm tôi sợ nghề này", Sinh tâm sự.

Đưa tinh hoa Cham Chu xuống núi giúp người - Ảnh 4.

Cho đến năm 2006, bố Sinh ra đi sau một biến cố về sức khỏe. Anh buộc phải về phụ giúp gia đình.

Sinh phải tiếp nối việc quản lý các cơ sở cai nghiện ma túy và điều trị HIV theo phương thức đông y bằng các bài thuốc nam gia truyền do bố lập ra.

Mỗi ngày, Sinh làm việc cùng người bệnh và những toa thuốc, những loài thảo dược vốn rất thân quen. Nghề làm thuốc cứ thế trở thành một phần trong cuộc sống của Sinh không biết tự lúc nào.

"Khoảnh khắc nhìn bệnh nhân của mình khỏe lại, cười tươi hơn và bước đầu cai nghiện được ma túy giúp tôi hạnh phúc lạ thường. Tôi nhận ra đây mới là dòng cảm xúc mình đi kiếm tìm bấy lâu", Sinh bộc bạch.

Đưa tinh hoa Cham Chu xuống núi giúp người - Ảnh 5.
Đưa tinh hoa Cham Chu xuống núi giúp người - Ảnh 6.

Để đi một cách bài bản, anh kỹ sư điện tốt nghiệp trường bách khoa quyết tâm đi học. Lần này học trung cấp y tế, chuyên ngành y học cổ truyền.

Kiến thức mới cùng những bài học cha truyền, với nhiều thử nghiệm, Phạm Đức Sinh tự tin về thang thuốc do mình bào chế chữa bệnh viêm da cơ địa. Ai cũng nghĩ bài thuốc này sẽ giúp Sinh kiếm bộn tiền.

Thế nhưng suốt 8 năm, anh chỉ gửi tặng miễn phí cho trẻ em, phụ nữ hay bất kỳ ai cần thì dùng. Bài thuốc đầu tay có thể trị dứt điểm viêm da cơ địa của vị lương y trẻ khi ấy (2008) ở tỉnh Tuyên Quang như tiếng lành đồn xa.

"Nếu tính đến nay chắc cũng phải đến cả triệu ca tìm đến nhờ tôi thăm khám, bốc thuốc", Sinh khoe.

Đưa tinh hoa Cham Chu xuống núi giúp người - Ảnh 7.

Có nhiều trường hợp ở xa, điều kiện khó khăn không đi lại được, anh lương y còn tự lái xe tìm đến, thăm khám và tặng thuốc luôn. "Nhiều đứa trẻ uống thuốc, lành bệnh cứ nhận mình là bố nuôi dù có khi "bố" còn chưa được thấy mặt con ngoài đời một lần nào", Sinh cười.

Để bảo tồn các giống thảo dược quý, Sinh mua hẳn nhiều quả đồi gần nhau được đồng bào dân tộc khai hoang, gắn bó, trồng trọt từ bao đời để ươm trồng thảo dược.

Khu vực ước tính hơn 50 ha ấy đã trở thành vùng nguyên liệu chất lượng, đồng thời giúp quá trình lấy thuốc bớt hiểm nguy hơn. Mà cũng giúp Sinh có thời gian chuyên tâm hơn với việc khám bệnh.

Tuy vậy, nhiều loài thảo dược không thể ươm trồng tại vườn. Hoặc cũng trồng được nhưng dược tính không thể bằng như khi cây sinh trưởng trong môi trường tự nhiên.

Vậy nên mới có những chuyến leo đỉnh Cham Chu của Sinh cùng nhân viên đi tìm cây thuốc quý. Nguyên tắc tuyệt đối của khu vườn thảo dược phải được trồng trọt xanh.

Ở đó, Sinh không cho phép dùng bất kỳ loại phân hóa học hay thuốc trừ sâu nào để phun lên cây. Mọi thứ phải để phát triển tự nhiên như cỏ cây giữa rừng già Cham Chu hoang sơ.

Đưa tinh hoa Cham Chu xuống núi giúp người - Ảnh 8.
Đưa tinh hoa Cham Chu xuống núi giúp người - Ảnh 9.

Sau 8 năm cho không, biếu không, trị bệnh cho nhiều người, túi tiền của anh Sinh bắt đầu cạn. Anh phải ngưng chữa trị miễn phí. Nhưng nếu tính phí, Sinh lại e tâm niệm "cho đi" ban đầu của mình với nghề này sẽ chệch hướng.

Anh chàng nghĩ đến khởi nghiệp, tại sao không? Khả năng hoàn toàn có thể tạo ra một sản phẩm đủ sức "nuôi" việc thăm khám, để anh được làm một "lương y như từ mẫu" như ước nguyện.

"Tôi tập trung vào thế mạnh của mình, ấy là thảo dược, thảo mộc", Sinh nhận vậy.

Đưa tinh hoa Cham Chu xuống núi giúp người - Ảnh 10.

Dựa vào các tính năng giải độc gan, thanh lọc phổi và máu, tăng cường đề kháng miễn dịch, anh tận dụng để đem vào sản phẩm của mình. Yêu cầu tự đặt ra sản phẩm phải tinh gọn, hữu hiệu, an toàn, lành tính nhưng giá thành phải thấp nhất có thể.

Và nước uống thảo mộc bách dưỡng DSinh đã ra đời sau thời gian dài nghiên cứu, bào chế, thử nghiệm. Anh nói sản phẩm bám sát nguyên liệu có thành phần cấu tạo chủ yếu từ thảo mộc, thảo dược. Đó là cây đơn rừng, nấm linh chi, cây đu đủ rừng, củ sẹ, cỏ kim, củ chóc gai… với thành phần, tỉ lệ hợp lý.

Điều làm Sinh vui nhất là sản phẩm đã đi qua các công đoạn thử nghiệm, đáp ứng các tiêu chuẩn đo lường, kiểm định khắt khe về y học và hiện đã có mặt trên thị trường.

Điều đáng nói khác, công đoạn "sao vàng hạ thổ" vốn là đặc điểm đặc trưng trong đông y kỳ công đã được hóa giải trong sản phẩm này.

"Qua quá trình đo kiểm, theo dõi thời gian khá dài, sản phẩm có công dụng giúp máu huyết lưu thông, hỗ trợ gan thận trong việc thanh lọc cơ thể", anh lương y cười mãn nguyện.

Đưa tinh hoa Cham Chu xuống núi giúp người - Ảnh 11.
Đưa tinh hoa Cham Chu xuống núi giúp người - Ảnh 12.

Truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp xanh

Tiếp nối thành công từ các mùa trước, dự án Tuổi Trẻ Start-up Award lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề Cảm hứng khởi nghiệp xanh ưu tiên lựa chọn những ý tưởng, mô hình, giải pháp, sản phẩm khởi nghiệp thân thiện với môi trường, tạo ra những giá trị thiết thực cho cộng đồng, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy nhanh nền kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ vào năm 2050.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, với sự phối hợp của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, Ngân hàng ACB, Volvo, KN Group, Dai-ichi Life Việt Nam, An Hòa, Faslink, Ecco Golf Vietnam và Tín Nghĩa.

Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 hướng đến truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ, sinh viên, giúp nuôi dưỡng ý tưởng, quyết tâm khởi nghiệp xanh, phát triển bền vững; Tìm kiếm và tôn vinh các mô hình khởi nghiệp hiệu quả, mang lại giá trị cho xã hội và quốc gia; Góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp tiếp cận được các nhà đầu tư, các quỹ khởi nghiệp.

Đánh dấu cột mốc 5 năm của chương trình, trong khuôn khổ Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 sẽ có nhiều hoạt động diễn ra xuyên suốt như: Diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp xanh", Giải đấu Golf Tournament, các chương trình Talkshow và Workshop về chủ đề xây dựng thương hiệu phát triển bền vững…

Trong đó, Diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp xanh" sau gần một tháng phát động, đã nhận được gần 150 dự án, câu chuyện khởi nghiệp của bạn đọc gửi về tham dự. Ban tổ chức sẽ lựa chọn các dự án, sản phẩm khởi nghiệp nổi bật vào vòng sơ loại và đăng tải tại: tuoitre.vn. Các thành viên hội đồng thẩm định sẽ tiếp xúc và kết nối để hiểu rõ về các start-up thông qua hình thức chấm giải đặc biệt Coffee Talk. Qua đó, lựa chọn các start-up sáng giá để vinh danh trong Gala của chương trình, dự kiến tổ chức vào tháng 11-2024.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được truyền thông, quảng bá hình ảnh đến với cộng đồng. Với top 20 start-up được chọn bước vào vòng chung kết, ban tổ chức sẽ hỗ trợ một khoản kinh phí từ nguồn của các đơn vị đồng hành. Trong đó, có 1 giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng, từ ban cố vấn chương trình là ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).

Nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Tuổi Trẻ Start-up Award 2024, giải đấu Golf Tournament sẽ diễn ra vào ngày 18-10-2024, tại sân golf Long Thành, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Giải đấu dự kiến thu hút sự tham gia của gần 150 golfer tại sân golf Long Thành, cùng với nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn: trưng bày sản phẩm của các start-up tiêu biểu, phiên đấu giá các vật phẩm đặc biệt, thưởng thức những tô phở lừng danh từ các Hoa hồi vàng của chương trình 'Ngày của phở'.

Đặc biệt là cơ hội cho các start-up giao lưu với các golfer là những doanh nhân tên tuổi. Bên cạnh các giải thưởng chính còn có giải HIO đặc biệt là xe XC60 Recharge, trị giá 2.890.000.000 tỉ đồng.

Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 đang nhận hồ sơ tham gia của các dự án từ nay đến ngày 20-10-2024, tại địa chỉ email tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn, hoặc truy cập vào chuyên trang Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 để nhận form đăng ký và gửi bài tham dự.

CÔNG TRIỆU
VÕ TÂN
20-9-2024
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên