Một nhiếp ảnh gia mới đây đã khiến các nhà khoa học kinh ngạc khi chụp được ảnh một con chim diều hâu New Britain - loài chim săn mồi thuộc danh sách loài đang bị đe dọa tuyệt chủng tại Papua New Guinea. Đây là lần đầu tiên trong hơn 50 năm, sự xuất hiện của loài chim này được ghi lại.
Chim diều hâu New Britain chỉ được tìm thấy trên đảo New Britain của Papua New Guinea và được coi là loài đang bị đe dọa, mặc dù hiện có rất ít thông tin về tình trạng của loài chim này.
Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ước tính có khoảng 2.500 - 10.000 con trưởng thành trong tự nhiên, nhưng bản chất khó nắm bắt của loài chim này khiến các nhà khoa học khó xác nhận thông tin chi tiết.
Trên thực tế, chim diều hâu New Britain khác thường đến mức nhiếp ảnh gia Tom Vierus tại Fiji thậm chí ban đầu còn không phát hiện ra đã chụp được ảnh của loài chim này. Trong một thông cáo của WWF, anh chia sẻ rất ngạc nhiên khi biết rằng đây dường như là bức ảnh đầu tiên về "loài mất tích" lâu nay.
Theo ông John Mittermeier, giám đốc Cơ quan Tìm kiếm các loài chim mất tích, thuộc Tổ chức Bảo tồn chim (Mỹ), tài liệu khoa học gần đây về loài này dường như là một mẫu thu được từ năm 1969, hiện được lưu giữ tại một bảo tàng của Mỹ. Mặc dù đôi khi có những báo cáo cho thấy loài chim này tồn tại, nhưng diều hâu New Britain đã không xuất hiện trong các tài liệu ảnh, âm thanh và mẫu vật trong 55 năm qua.
WWF nhấn mạnh việc phát hiện ra diều hâu New Britain cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ khu vực trên khỏi các mối đe dọa như từ hoạt động khai thác gỗ và khai khoáng.
Hiện nhiều công ty đang tiến hành khai thác trữ lượng lớn vàng, đồng, niken, khí tự nhiên và gỗ tại quốc gia châu Đại dương này. Theo WWF, đây cũng là nơi có khu rừng nhiệt đới nguyên sinh lớn thứ ba thế giới, trong khi các nhà môi trường cảnh báo có rất ít nghiên cứu được thực hiện về hệ sinh thái đa dạng và phong phú hiện đang gặp rủi ro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận