Phóng to |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất với chủ đầu tư dự án khu đất Nông trường Lê Minh Xuân (Q.Bình Tân) về diện tích một cơ sở y tế trong tổng dự án dân cư tại đây - Ảnh: Q.Ngọc |
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo TP.HCM phải tăng số giường bệnh để giảm tải tại các bệnh viện. TP cần tập trung vào các dự án đầu tư xây mới các bệnh viện cửa ngõ, cụ thể hóa và đẩy nhanh đề án khoa phòng vệ tinh và bệnh viện cơ sở 2 của các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi và tim mạch.
Công thức của TP.HCM
"Ủng hộ giao giường bệnh tại những cơ sở tuyến dưới chỉ mới sử dụng 40-60% công năng về các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là đối với các trường hợp “khẩn cấp” giảm tải như Bệnh viện Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình và Nhi Đồng 1" |
Công thức: Nguồn nhân lực + trang thiết bị + thương hiệu = giảm tải được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đưa ra trong nội dung báo cáo các giải pháp giảm tải của TP.
Cụ thể, TP đã triển khai các giải pháp trước mắt như đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện hiện hữu, biệt phái cán bộ y tế về tuyến quận huyện, đưa thương hiệu của bệnh viện tuyến trên về tuyến dưới. Về các giải pháp lâu dài, TP vẫn tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy nhanh tiến độ các cụm y tế cửa ngõ và các bệnh viện chuyên khoa với trang thiết bị hiện đại, tiếp tục xây dựng thương hiệu bệnh viện của TP.
Nhân lực, trang thiết bị và thương hiệu của ngành y tế TP đã được khẳng định. Áp dụng công thức này cho các bệnh viện tuyến quận huyện và bệnh viện đang được chuẩn bị xây mới, ông Thuận cho rằng vấn đề quá tải sẽ được giải quyết một cách bền vững.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hứa Ngọc Thuận cho biết các dự án trọng điểm cửa ngõ của y tế TP bao gồm bảy dự án được đầu tư xây dựng mới ở bốn cửa ngõ nhằm giảm áp lực quá tải cho các bệnh viện nội thành. Bao gồm các bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi và Hóc Môn thuộc cửa ngõ phía bắc, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Trung tâm Xét nghiệm y khoa TP chuẩn quốc tế thuộc phía nam, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức và Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 thuộc phía đông và ở cửa ngõ phía tây là Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM. Nhu cầu vốn từ ngân sách và xã hội hóa khoảng 13.000 tỉ đồng cho bảy dự án trên. Kế hoạch vốn cho năm 2012 là 93 tỉ đồng. Dự kiến các dự án khởi công cuối năm 2012. Với quy mô từ 500-1.000 giường bệnh cho mỗi cơ sở mới, khi hoàn thành vào năm 2015 TP sẽ có thêm 4.000 giường.
Phóng to |
Bệnh nhân phải nằm chen chúc tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Minh Đức |
Tập trung cho các chuyên khoa quá tải
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao các giải pháp của TP.HCM là hướng đến phát triển cơ sở hạ tầng y tế tại các cửa ngõ bao gồm các bệnh viện đa khoa khu vực kèm theo các bệnh viện chuyên khoa mới. Sáng cùng ngày, bà Tiến đã đến thăm khu dự án chuyển đổi mục đích sử dụng chung cư 584 Group thành bệnh viện của Công ty CP đầu tư Hospital VN, khu đất dự án Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM (thuộc huyện Bình Chánh) và cụm dự án quy hoạch Nông trường Lê Minh Xuân (Q.Bình Tân). Theo bà Tiến, đây là giải pháp cấp thiết và hiệu quả để có thể tăng số giường bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại TP.HCM và cả khu vực phía Nam.
Bà Tiến cũng khuyến khích và yêu cầu TP trình rõ hơn, cụ thể hơn các đề án xây dựng phòng khám, khoa vệ tinh, cơ sở 2 của các bệnh viện TP tại các bệnh viện quận huyện.
Bà Tiến cho biết thêm sẽ ban hành thông tư riêng cho nhóm giải pháp phân tuyến kỹ thuật, chuyển tuyến cùng với việc sửa đổi Luật bảo hiểm y tế. Bộ cũng sẽ có đề án riêng nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành y tế cùng với các giải pháp khác trong đề án giảm tải như xây dựng cơ chế tài chính y tế, viện phí, cơ chế thanh toán, xã hội hóa, khu vực y tế tư nhân, truyền thông giáo dục nhận thức nhân dân...
Phát biểu tiếp thu ý kiến của bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đề nghị Sở Y tế hoàn thiện nhanh đề án giảm tải của TP để tham gia đề án chung của bộ. Cần bổ sung thêm thời gian và lộ trình thực hiện các giải pháp cụ thể. TP sẽ có ban chỉ đạo riêng về việc này và cử một phó chủ tịch UBND TP tham gia ban chỉ đạo của trung ương.
“Vấn đề giảm tải sẽ được cải thiện” Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói: - Việc giảm tải bệnh viện phải bao gồm rất nhiều giải pháp và sự tham gia của nhiều bộ ngành cũng như địa phương chứ không phải chỉ một mình Bộ Y tế. Hai nơi mà tình trạng quá tải đáng báo động là Hà Nội và TP.HCM. Bộ đã làm việc với UBND, sở y tế và các đơn vị trực thuộc bộ cũng như sở của cả hai TP. Đối với TP.HCM, một trong những giải pháp là phải có cơ sở 2 của các bệnh viện quá tải hiện hữu, tức phải có số giường bệnh tăng lên. Từ giải phóng đến nay chúng ta vẫn chỉ có Nhi Đồng 1, 2, Bệnh viện Ung bướu vẫn là thế, Chấn thương chỉnh hình vẫn vậy. Dân cư đã tăng lên gấp đôi, đồng thời dân nhập cư và dân ở các tỉnh khác đổ về khám chữa bệnh ngày càng đông nhưng số giường bệnh vẫn như cũ thì rất khó khăn. Chuyến công tác lần này của bộ nhằm khảo sát thực tế hạ tầng mặt bằng để tìm kiếm mọi khả năng đầu tư bằng các nguồn vốn hợp pháp nhằm biện pháp cấp bách mở thêm cơ sở 2, mở thêm bệnh viện, tăng thêm số giường bệnh. Đề án mà TP.HCM đưa ra rất quyết tâm, tôi tin vấn đề giảm tải sẽ được cải thiện khi các dự án bệnh viện mới hoàn thành. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận