29/11/2015 10:30 GMT+7

Đứa con đầu lòng và “Nàng Tiên 2016”

VÂN TRƯỜNG (vantruong@tuoitre.com.vn)
VÂN TRƯỜNG (vantruong@tuoitre.com.vn)

TT - Khoảng năm 1998 - 1999 GS.TS Bùi Chí Bửu (hiện là viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam) sang IRRI hợp tác nghiên cứu lúa với TS Darshan Brar (người Ấn Độ, làm việc tại IRRI).

Kỹ sư Lê Hùng Lân và đứa con lai Nàng Hoa 9 - Ảnh: V.TR.
Kỹ sư Lê Hùng Lân và đứa con lai Nàng Hoa 9 - Ảnh: V.TR.

Khi ông Bửu về nước thì TS Brar cũng đi theo để tìm lúa ma ở vùng ngập nước Đồng Tháp Mười mang về lai với lúa cao sản.

Sau đó GS.TS Nguyễn Thị Lang cũng sang IRRI phối hợp với vị tiến sĩ người Ấn Độ phân tích gen, cho lai với giống IR64 nổi tiếng thế giới vào thời điểm đó.

Đứa con đầu lòng AS996

Một năm sau bà Lang trở về VN mang theo hơn 1.000 dòng lúa lai từ hai giống này để trồng thử nghiệm, chọn ra dòng ưu việt nhất. Năm 2000, bà Lang đã chọn ra được hai dòng xuất sắc nhất có số thứ tự là 996 và 1009 và đem ra ruộng ở vùng Gò Công (Tiền Giang) trồng thử.

Kết quả trồng thực tế cho thấy dòng 996 chịu phèn, mặn giỏi, cứng cây, ít đổ ngã, năng suất đạt 7 - 8 tấn/ha. Còn dòng 1009 yếu cây, dễ ngã.

Cuối cùng bà Lang chọn dòng 996 để nhân giống ra sản xuất đại trà và đặt tên giống là AS996. Trong đó AS là chữ viết tắt của từ tiếng Anh “acid sulphate soils” (đất phèn), còn 996 là số thứ tự dòng con lai giữa bố là lúa ma ở vùng Đồng Tháp Mười với mẹ là IR64 được chọn.

Và đây cũng là giống lúa duy nhất được đặt tên AS của Viện Lúa ĐBSCL từ trước đến nay. Các giống lúa do viện nghiên cứu ra đều đặt tên là OM (tức là lấy tên địa danh nơi đặt trụ sở viện là Ô Môn, TP Cần Thơ).

Sau khi lai tạo thành công giống AS996, bà Lang thông báo cho TS Darshan Brar biết. Ông lập tức bay sang VN, đến các thửa ruộng đang trồng giống này để kiểm chứng, đánh giá rồi viết báo cáo khoa học về sự thành công của phép lai lúa ma với lúa cao sản.

Giống AS996 được IRRI thừa nhận là giống quốc tế. Mấy năm sau đó giống này không chỉ được sản xuất trên diện rộng ở VN mà các nước châu Á như Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ... cũng sử dụng rất nhiều.

Những năm qua Viện Lúa ĐBSCL đã tiếp tục sử dụng giống AS996 làm bố để lai tạo với những giống cao sản chất lượng cao khác nhằm cho ra đời những đứa cháu vừa khỏe mạnh, vừa “xinh đẹp”.

Đứa con đầu tiên của AS996 và cũng là cháu nội của lúa ma Đồng Tháp Mười có tên là OM8108. Đây là kết quả của “mối tình” Việt - Nhật.

Khoảng năm 2006 bà Lang quyết định cưới “dâu” là cô gái Nhật có tên M362 cho đứa con trai ở vùng bưng biền Đồng Tháp Mười AS996. Đến năm 2009, những đứa con đầu tiên của cặp lai này chào đời và được đưa ra ruộng để tiếp tục chọn lọc.

Những năm sau đó giống mới này được trồng khảo nghiệm ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL và nhiều tỉnh miền Trung.

Kết quả từ đồng ruộng cho thấy giống này có khả năng chịu phèn, mặn và chịu nóng tốt, thời gian sinh trưởng từ 85-95 ngày, năng suất đạt từ 7 - 9 tấn/ha. Bà Lang đặt tên cho giống này là OM8108.

Đứa cháu thứ hai có tên là OM6677, cũng là kết quả của mối tình trai Việt (AS996) và gái Nhật (M22). Năm 2011 bà chọn được đứa cháu xinh đẹp, khỏe mạnh nhất để làm giống và đặt tên là OM6677.

Đứa cháu này chống chịu rầy nâu, chịu phèn, chịu mặn rất tốt. Hiện nhiều nước châu Á đã đề nghị xin giống OM6677 và OM8108 về trồng vì có nhiều ưu điểm nổi trội, phù hợp với vùng đất phèn, mặn (như Bạc Liêu, Sóc Trăng).

Tuy nhiên do cả hai đang trong giai đoạn đề nghị công nhận giống quốc gia nên bà Lang vẫn giữ bản quyền giống này.

MNR4 và MNR5 là hai đứa con mới rất xuất sắc của ông bố AS996. Cháu MNR4 là kết quả của mối tình rất đẹp giữa chàng trai AS996 và Jasmine 85 - một cô gái được xem là “xinh đẹp” nhất trong vương quốc lúa gạo VN hiện nay.

Đây là giống lúa thơm do người Mỹ lai tạo thành công được du nhập vào VN nhiều năm trước. Những năm qua Jasmine 85 luôn đứng đầu bảng xếp hạng về chất lượng gạo thơm và sản lượng xuất khẩu.

GS.TS Nguyễn Thị Lang cho biết bà mong muốn sự kết hợp này sẽ cho ra đời đứa cháu vừa khỏe giống bố, vừa “xinh đẹp” như mẹ thì sẽ rất tuyệt vời. Kết quả là MNR4 (Lúa Miền Nam 4) có chất lượng gạo rất ngon, lại chịu mặn giỏi nên rất phù hợp trồng ở vùng bán đảo Cà Mau.

Còn giống MNR5 là con của ông bố AS996 và mẹ OM1490. Chất lượng gạo MNR5 được đánh giá ngang ngửa với gạo IR64 của IRRI trước đây, nhưng khả năng kháng rầy nâu, chịu mặn tốt hơn nhiều. Cả hai đứa cháu này đang được cho ra ruộng thử thách để chọn ra dòng tốt nhất.

Tiến sĩ Darshan Brar - Ảnh: IRRI
Tiến sĩ Darshan Brar - Ảnh: IRRI

Nàng Hoa 9, rồi Nàng Tiên 2016

Nếu như Viện Lúa ĐBSCL chọn giống AS996 lai với Jasmine 85 để tạo ra giống MNR4 thì kỹ sư Lê Hùng Lân (Công ty hạt giống Hoa Tiên TP.HCM) cũng quyết định cưới cô hoa khôi Jasmine 85 cho chàng trai cơ bắp AS996.

Kết quả của mối tình này là một đứa cháu “xinh đẹp” hơn cả mẹ chúng. Ông Lân chọn cho cô gái này một cái tên mỹ miều: Nàng Hoa 9.

Ông Lân kể ông bắt đầu lai tạo giống AS996 và Jasmine 85 từ năm 2005. “AS996 nổi tiếng chịu phèn, chịu mặn giỏi như tổ tiên lúa ma của nó. Còn Jasmine 85 là loại gạo thơm cao cấp nhất không chỉ ở VN mà nhiều nước khác cũng trồng. Tôi hi vọng sự kết hợp này sẽ cho ra giống lúa mới chịu được đất phèn, nước mặn, chất lượng gạo ngon, xuất khẩu được giá cao, đời sống người nông dân sẽ khá hơn” - ông Lân nói.

Ba năm sau ông Lân mới chọn được cá thể đầu tiên có nhiều đặc tính nổi trội. Tuy nhiên lúc này hạt gạo vẫn còn màu đỏ - dấu tích của lúa ma.

Ông tiếp tục cải tiến giống và đến năm 2011 thì may mắn chọn được giống với các đặc điểm: hạt gạo trong, dài 7,2mm; thơm tự nhiên; kháng bệnh đạo ôn và rầy nâu tốt; cơm mềm, thơm và lâu thiu. Nàng Hoa 9 đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu độc quyền và được Bộ NN&PTNT công nhận giống quốc gia.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang), giống lúa Nàng Hoa 9 đã được nông dân ở đây sản xuất khoảng ba năm nay, diện tích ngày càng tăng do năng suất cao, gạo thơm, cơm ngon và giá lúa luôn cao hơn Jasmine 85 khoảng 500 đồng/kg.

Điều đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu đặt mua gạo này với số lượng không hạn chế, nông dân vừa thu hoạch là có người thu mua ngay. Giá gạo xuất khẩu trung bình 700 - 900 USD/tấn. Hiện nông dân ở nhiều tỉnh ĐBSCL rất ưa chuộng giống này.

Ông Lê Hùng Lân cho biết thêm: hai năm qua ông đã ký hợp đồng cung cấp cho một doanh nghiệp xuất khẩu ở Campuchia hàng ngàn tấn lúa giống xác nhận Nàng Hoa 9.

Doanh nghiệp này cung cấp cho nông dân trồng rồi bao tiêu, chế biến, đóng gói xuất khẩu với tên mới bằng tiếng Khmer là “Phka Kravan” và tiếng Anh là “Forest Flower”, nghĩa là “Hoa Rừng”.

Tiếp tục lai tạo giống AS996 và Jasmine 85, ông Lân vừa tìm được một đứa cháu thứ hai “đẹp như hoa khôi” bởi chất lượng không thua kém gì Khao Dawk Mali của Thái Lan và Basmati của Ấn Độ nổi danh thế giới. Đương nhiên gạo này ngon hơn Jasmine 85 và Nàng Hoa 9.

Ông dự định đặt tên cho giống lúa mới này là “Nàng Tiên”. Thời gian “Nàng Tiên” ra mắt nông dân dự kiến là cuối năm 2016.

__________

Kỳ tới: Chuyện ở nhà lưới số 5

VÂN TRƯỜNG (vantruong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên