Xe buýt số 03 đón trả khách tại trạm xe buýt Bến Thành, Q.1, TP.HCM - Ảnh: XUÂN HƯNG
Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến bạn đọc về vấn đề này.
Ông Lê Trung Tính (nguyên trưởng phòng quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM):
Chưa tính được bài toán kinh tế
Theo tôi, đề án đưa xe buýt nhỏ 12-16 chỗ chạy vào các con hẻm nhỏ để kết nối với các tuyến trục xe buýt chính, về mặt lý thuyết là hay. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân từ hẻm ra tuyến buýt trục chính. Nhưng khi triển khai dự án này sẽ rất khó thành công, với các lý do sau đây.
Thứ nhất, trên thực tế ý tưởng này được thực hiện. Cụ thể: tuyến buýt số 35 đi về giữa Q.1 và Q.2 đưa người dân từ con đường nhỏ vào các tuyến trục chính xe buýt thành phố. Làm được một thời gian, tuyến này bị "khai tử" do hoạt động không hiệu quả.
TP.HCM cũng đã từng triển khai khoảng 1.000 chiếc xe lam 3 bánh, sau đó đổi thành khoảng 1.000 xe buýt 4 bánh loại 12 chỗ, cuối cùng đều thất bại và thay thế bằng xe buýt lớn hơn.
Thứ hai, về hiệu quả kinh tế, đề án buýt mini nhìn qua đã thấy thất bại trước mắt. Bởi vì xe buýt từ 12-16 chỗ có sức chứa nhỏ, khó có thể đảm bảo doanh thu để hòa vốn chứ chưa nói đến chuyện có lãi. Như vậy, loại hình buýt mini phải cần được trợ giá mới "sống" được, làm tăng gánh nặng cho ngân sách thành phố.
Cuối cùng, tôi thấy đề án này còn quá sơ sài, cần phải làm rõ nhiều vấn đề. Cụ thể, đề án mới chỉ nói chung chung thực hiện buýt mini ở ba quận: 1, 10 và Tân Bình, chưa cụ thể luồng tuyến từng quận, cự li chạy, số chuyến, điểm đầu và điểm cuối tuyến, ước lượng hành khách, từ đó tính toán chi phí, giá thành và doanh thu hoạt động.
Đề án cần phải nêu rõ loại xe buýt, xe mua ở đâu, tải trọng, giá thành... Khi các vấn đề nêu trên được làm rõ, nếu thành phố quyết tâm thực hiện, nên làm thí điểm ở một tuyến có đông dân cư, từ đó mới tính đến các bước tiếp theo.
Bạn Nguyễn Thị Mai (sinh viên ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM):
Thà đi bộ còn hơn đi nhiều chặng
Theo tôi, xe buýt mini chỉ chạy được ở những hẻm rộng và khoảng cách ra đường lớn phải xa, trong khi thành phố này quá nhiều hẻm nhỏ, quanh co.
Thêm xe buýt mini có khi còn gây cản trở giao thông, đặc biệt vào các giờ cao điểm phương tiện cá nhân đi lại nhiều, không khéo gây ra cảnh ùn tắc từ đường lớn đến các tuyến hẻm.
Khi đó, người dân đi bộ còn không được nói gì đến việc đón buýt. Chưa kể, khi xe buýt lưu thông hai chiều trong hẻm rất dễ xảy ra va quẹt, tai nạn do không gian chật hẹp.
Chỗ tôi ở, trong hẻm để ra được trạm xe buýt mất khoảng 15 phút đi bộ. Nếu xe buýt vào tận hẻm thì quãng đường đi bộ ngắn hơn, cũng thích.
Tuy nhiên, nếu chọn giữa việc đi bộ như hiện nay và việc phải đi qua nhiều tuyến xe buýt, tốn thêm tiền, phải chờ đợi... tôi chọn đi bộ như hiện tại hoặc nhờ người thân đưa ra đường lớn đón xe buýt.
KTS Ngô Viết Nam Sơn:
Khoảng cách 500m tiếp cận xe buýt là hợp lý
Đề án này đưa ra khoảng cách 500m để người dân tiếp cận xe buýt là hợp lý. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là tính phủ sóng, kết nối của xe buýt. Tức là người dân đi từ trong hẻm ra tới đường lớn sau đó thế nào, có nhanh chóng có tuyến xe buýt khác để đi hay không, có đến được điểm mình cần đến hay không, hay lại tiếp tục đi thêm nhiều tuyến nữa?...
Một vấn đề nữa là trong các con hẻm người dân trước giờ có thói quen đi xe cá nhân. Muốn phát triển xe buýt mini, cần tham khảo nhu cầu người dân, tuyên truyền cho người dân bỏ dần thói quen đi xe cá nhân chuyển sang phương tiện công cộng. Tất nhiên muốn người dân từ bỏ thói quen này thì hệ thống giao thông công cộng phải thuận tiện và "phủ sóng" rộng.
Phát triển buýt mini là một bài toán khoa học, trước khi thực hiện cần có nghiên cứu đầy đủ nhiều góc cạnh, đặc biệt là tính đồng bộ và "phủ sóng" của xe buýt. Nên chọn một địa phương để triển khai thí điểm trước, đúc kết kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà.
Ông Tô Xuân Thái (một tài xế ở Q.Tân Phú, TP.HCM):
Luẩn quẩn không lối ra
TP.HCM từng triển khai các tuyến xe buýt nhỏ 3-4 bánh. Nhưng sau đó cơ quan quản lý nhà nước đã "dẹp bỏ" xe buýt nhỏ, yêu cầu các xã viên thuộc các hợp tác xã thay thế các loại xe buýt lớn. Bây giờ, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP lại có ý tưởng quay trở lại đầu tư xe buýt mini! Tôi thấy việc đầu tư cho vận tải hành khách công cộng đang đi vào... vòng luẩn quẩn.
Tôi cho rằng đầu tư xe buýt nhỏ có thể gây lãng phí. Hiện nay, ở các hẻm, taxi vào còn gây kẹt xe huống gì xe buýt nhỏ! Nếu đầu tư như đề án nêu, Nhà nước sẽ chi hơn 77 tỉ đồng mua xe trong khi ngân sách đang hạn hẹp. Cần tính toán kỹ để tránh lãng phí.
Đầu tư mới hay xem lại các tuyến buýt hiện có?
Những người làm đề án đã có khảo sát khoảng cách hành khách tiếp cận xe buýt và đưa ra khoảng cách 500m. Vậy đề án đã khảo sát số lượng hành khách có nhu cầu chưa? Xe buýt nhỏ nhưng cũng phải đạt yêu cầu mong muốn của hành khách. Nếu không, hành khách "một lần đi, không trở lại".
Theo tôi, dù làm thí điểm cũng phải tính toán kỹ để đầu tư hiệu quả thật sự. Thay vì phải "táo bạo" đầu tư thêm loại hình xe buýt này, ngành giao thông công cộng TP.HCM có nên xem xét lại hơn 150 tuyến xe buýt hiện tại có đáp ứng được yêu cầu chưa, đã đủ sức hấp dẫn người dân chọn xe buýt thay phương tiện cá nhân không? Đây mới là cốt lõi để từng bước giải quyết vấn nạn kẹt xe tại TP.HCM.
Khai sinh một tuyến xe buýt đã khó, để hài lòng hành khách lại càng khó hơn. Tôi kiến nghị: thay vì thêm hàng trăm đầu xe thử nghiệm, trước mắt hãy rà soát, kiểm tra, sửa chữa, bổ sung những tiện nghi cần thiết cho mỗi đầu xe để người dân cảm thấy "thích đi xe buýt hơn là sử dụng phương tiện cá nhân" thì hay biết mấy.
TÚ NGUYÊN
Đi bộ đón buýt: được mà!
Có dịp đi nước ngoài, tôi thấy hành khách xe buýt, tàu điện đi bộ 1-2km ra ga, đến trạm là chuyện bình thường. Điều này hình thành thói quen đi bộ hoặc đi xe đạp của người dân. Và hầu hết họ đi về một mình, không nhờ ai đưa đón. Cũng là cơ hội rèn luyện sức khỏe bản thân, thành nếp sống người đô thị.
Ở các thành phố nước mình, xe buýt rất nhiều trên đường. Không khó và cũng phải đi quá xa để đón xe buýt. Vấn đề là mọi người có muốn đi xe buýt hay không! Tôi không đồng tình với đề án này vì theo tôi, không nên "nuông chiều" thói quen lười đi bộ của nhiều người. Mặt khác, thực tế đường hẻm ở thành phố to nhỏ chằng chịt, ngoằn ngoèo… đi bộ hoặc ra đường lớn đón buýt hợp lý hơn, dễ thực hiện hơn cho buýt lấn vào hẻm.
LƯU NGỌC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận