
Cẩm Thành xưa - Ảnh tư liệu của tiến sĩ văn hóa Nguyễn Đăng Vũ
Sa Huỳnh, Vạn Tường, Trà Câu, Cẩm Thành dẫu không có tên hành chính từ khi tái lập tỉnh (năm 1989 tách tỉnh Nghĩa Bình thành Quảng Ngãi và Bình Định) nhưng chỉ cần nhắc đến những cái tên này, người dân Quảng Ngãi và cả nước đều biết vị trí ở đâu.
Quảng Ngãi lấy tên vùng đất đặt cho xã mới
Trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính này, Quảng Ngãi đã sử dụng lại những tên gọi “chỉ dấu” gắn liền với những vùng đất đặt tên cho xã, phường mới thành lập.
Đa phần người dân đều ủng hộ và khen tên xã, phường trên là hay, có ý nghĩa văn hóa, lịch sử và giáo dục cho thế hệ mai sau.
Cụ thể, phường Cẩm Thành được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích và dân số của các phường: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Nghiêm, Chánh Lộ và Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi). Đặt trụ sở làm việc tại phường Nguyễn Nghiêm hiện nay.
Phường Cẩm Thành sau khi thành lập cũng trở thành phường trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi khi trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều ở phường này.
Nhắc đến Cẩm Thành, gần như tất cả người dân Quảng Ngãi đều biết đó là tên gọi xưa của thành cổ Quảng Ngãi.
Dẫu rằng đến nay vẫn chưa xác định được ai đã đặt tên cho thành cổ Quảng Ngãi là Cẩm Thành.
Trong bài thơ Quảng Ngãi thập nhị cảnh (12 cảnh đẹp của Quảng Ngãi) của ông Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767) có nhắc đến.
Bài thơ được sáng tác khi ông Nguyễn Cư Trinh giữ chức Tuần Vũ Quảng Ngãi (từ năm 1750 - 1752).
Thành cổ Quảng Ngãi được xây ở phía nam sông Trà Khúc, được gọi là Cẩm Thành. Dẫu rằng thành cổ xưa không còn nữa, nhưng Cẩm Thành luôn là một phần ký ức gắn liền vùng đất này.
Phường Sa Huỳnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu (thị xã Đức Phổ). Trụ sở làm việc đặt tại phường Phổ Thạnh hiện nay.
Sa Huỳnh không chỉ gắn liền với một vùng đất ven biển Quảng Ngãi, mà còn mang giá trị đặc biệt trong khảo cổ học và lịch sử Việt Nam - Sa Huỳnh được đặt tên cho nền văn hóa tiền sử nổi tiếng: Văn hóa Sa Huỳnh.
Lâu nay, tên gọi Sa Huỳnh dù không có trong đơn vị hành chính, nhưng nhắc đến Sa Huỳnh ai cũng biết vùng biển ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi, với cánh đồng muối Sa Huỳnh nổi tiếng.
Trên bình diện thế giới, Sa Huỳnh là chỉ dấu của một nền văn hóa cổ đại. Năm 1909, nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet phát hiện khu mộ chum ở Sa Huỳnh, đánh dấu sự ra đời của khái niệm “Văn hóa Sa Huỳnh” trong khảo cổ học.
Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba nền văn hóa lớn thời tiền sử ở Việt Nam, bên cạnh Văn hóa Đông Sơn và Óc Eo.
Tên “Sa Huỳnh” không chỉ là tên địa danh, mà còn trở thành tên gọi văn hóa khảo cổ, điều rất hiếm có ở Việt Nam.
Phường Trà Câu trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã, phường: Phổ An, Phổ Thuận, Phổ Văn, Phổ Quang (thị xã Đức Phổ).
Tên gọi Trà Câu là một địa danh cổ ở tỉnh Quảng Ngãi, mang đậm dấu ấn lịch sử, địa lý, văn hóa của vùng đất gắn liền với sông Trà Câu (xã Đức Phổ ngày nay).
Ngoài ra, Trà Câu cũng từng là tên gọi của một làng và vùng đất xưa. Ngày nay còn chợ Trà Câu, xóm Trà Câu và nhiều di tích, địa danh mang tên này.
Trà Câu cũng gắn với các hoạt động kháng chiến, đặc biệt trong thời chống Mỹ cứu nước, là địa bàn hoạt động cách mạng mạnh mẽ của quân dân Đức Phổ.
Việc thành lập phường Trà Câu sau khi sáp nhập nhiều xã ở khu vực được người dân nhiệt liệt ủng hộ và khen hay.

Sa Huỳnh là tên gọi nổi tiếng không chỉ trong nước và còn quốc tế, với nền văn hóa Sa Huỳnh và cánh đồng muối trăm năm - Ảnh: TRẦN MAI
Dân khen tên xã có ý nghĩa lịch sử
Xã Vạn Tường được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của 6 xã, gồm: Bình Thuận, Bình Đông, Bình Trị, Bình Hải, Bình Hòa và Bình Phước (huyện Bình Sơn).
Trụ sở làm việc tại xã Bình Trị hiện nay.
Nhắc đến Vạn Tường là nhắc đến vùng đất anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 18-8-1965 tại thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, khoảng 9.000 quân Mỹ (chủ yếu là thủy quân lục chiến) với sự yểm trợ của xe tăng, máy bay và tàu chiến đã đổ bộ xuống Vạn Tường để thực hiện chiến thuật "Tìm diệt” nhằm tiêu diệt chủ lực Quân Giải phóng và tạo “vùng trắng” ven biển.
Nhưng cuộc đổ bộ của quân Mỹ đã thất bại ê chề khi Quân Giải phóng giành thắng lợi. Trận Vạn Tường được xem là “Ấp Bắc thứ 2” làm lung lay niềm tin của Mỹ về chiến thuật “Tìm diệt”, còn quân ta đã chứng minh được lính Mỹ không phải là không thể đánh bại.
Ngoài ra, Vạn Tường còn là nơi vua Lê Thánh Tông luyện binh vào mùa xuân năm 1471 trong hành trình nam chinh.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm (trái) - Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ
Xã Đặng Thùy Trâm được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của xã Ba Trang và Ba Khâm (huyện Ba Tơ). Trụ sở làm việc đặt tại xã Ba Trang hiện nay.
Xã Đặng Thùy Trâm thành lập và tất cả người dân đều đồng tình, ủng hộ. Bởi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm có công đóng góp to lớn, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, trong đó có xã Ba Trang nói riêng.
Xã Ba Trang cũng là nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm hoạt động và hy sinh vào ngày 22-6-1970 khi đang tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Việc đặt tên xã Đặng Thùy Trâm vì thế được người dân địa phương tán thành 100%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận