01/06/2014 01:35 GMT+7

Dự trữ khoáng sản quốc gia cho đời con cháu

X.LONG
X.LONG

TT - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt 48 khu dự trữ khoáng sản quốc gia.

Cần chiến lược dự trữ tài nguyên khoáng sản

Dut2l8G6.jpg

Ông Nguyễn Văn Thuấn - Ảnh: Xuân Long

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thuấn, tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT), cho biết “mục đích của việc lập khu dự trữ khoáng sản quốc gia là để dành cho giai đoạn sau, cho đời con cháu”.

Ông Thuấn nói thêm:

- Việc lập các khu dự trữ khoáng sản quốc gia bây giờ mới làm là muộn, nhưng muộn còn hơn không. Vì khai thác khoáng sản bắt buộc phải theo chiến lược, các nước phát triển đều có chiến lược khoáng sản, không thể đụng đâu đào đấy là không ổn cho sự phát triển bền vững của một đất nước.

Do đó, ý tưởng lập các khu dự trữ khoáng sản quốc gia nhằm đưa việc khai thác khoáng sản phải theo lộ trình, khai thác lâu dài để phục vụ đất nước sau này. Những loại khoáng sản dự trữ được xác định không khai thác ngay mà phải để đến các thế hệ sau, còn nếu khai thác hết bây giờ thì sau này con cháu ta phải đi mua khoáng sản giá đắt.

Dự trữ 10 loại khoáng sản

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm 10 loại khoáng sản. Cụ thể, trong 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia có sáu khu vực dự trữ than năng lượng, ba khu vực dự trữ quặng apatit, một khu vực dự trữ quặng chì - kẽm, một khu vực dự trữ quặng cromit, 23 khu vực dự trữ quặng titan, ba khu vực dự trữ quặng bôxit, bốn khu vực dự trữ quặng sắt laterit, bốn khu vực dự trữ đá hoa trắng, hai khu vực dự trữ cát trắng, một khu vực dự trữ quặng đất hiếm.

* Dù là khu khoáng sản dự trữ cấp quốc gia, dành cho đời con cháu nhưng thời hạn dự trữ chỉ 10 năm, tầm nhìn 20 năm, liệu có quá ngắn, thưa ông?

- Chúng tôi đề xuất thời hạn dự trữ ít nhất là 10 năm, tầm nhìn 20 năm là có cơ sở khoa học. Việc lập khu dự trữ khoáng sản quốc gia vừa rồi là tiến hành chậm hơn so với quy hoạch phát triển kinh tế, nên các khu dự trữ khoáng sản quốc gia giai đoạn này được lập đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau giai đoạn này, cứ 10 năm tiếp sẽ xem xét điều chỉnh đối với các khu dự trữ. Việc điều chỉnh các khu dự trữ ở các giai đoạn tiếp theo cũng phải xem xét dựa trên tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu về khoáng sản phục vụ phát triển đất nước. Khi đó, những thế hệ tiếp theo xem xét, quyết định tiếp tục dự trữ những loại khoáng sản nào hay vẫn giữ nguyên các khu dự trữ như hiện nay.

* Đây là các khu dự trữ khoáng sản cho đời con cháu, vậy có thể hiểu trong thời hạn dự trữ, các địa phương có khoáng sản dự trữ sẽ không được đề xuất, cấp phép cho khai thác?

- Đương nhiên là như vậy. Những khoáng sản được khoanh định vào khu dự trữ quốc gia sẽ được để lại cho tới hết những năm quy hoạch có thời hạn. Nói rõ hơn, khi đã khoanh định trong khu dự trữ quốc gia, tức là không có chuyện đề xuất đưa vào khai thác, không có việc đề xuất cấp phép cho khai thác trong 10 năm đầu của quy hoạch. Tới đây, từng khu dự trữ khoáng sản quốc gia sẽ được giao về cho các địa phương. Khi được bàn giao vị trí cụ thể, từng địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ những khu vực đã được khoanh định trong khu dự trữ.

X.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên