27/09/2015 09:37 GMT+7

Du lịch: Nhiều chuyện phiền lòng

NHÓM KHẢO SÁT
NHÓM KHẢO SÁT

TT - Có đến 67,5% khách du lịch quốc tế được hỏi cho biết mới đến VN lần đầu. Tuy nhiên, 37% trong số du khách này chia sẻ họ không có ý định sẽ quay lại.

Người bán hàng rong chèo kéo khách du lịch gánh hàng để chụp ảnh lấy tiền (ảnh chụp bên bờ hồ Tây, Hà Nội)  - Ảnh: Thanh Tùng

Nhiều du khách giải thích lý do một đi không trở lại bởi quá ngán ngẩm trước vấn nạn “chặt chém” (60% ý kiến).

Ngoài ra, các công ty lữ hành cho rằng đồng euro suy yếu cũng là nguyên nhân chính cho các tour trọn gói mua bằng USD trở nên đắt hơn, du khách phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Đó là kết quả khảo sát nhanh do Tuổi Trẻ thực hiện với 40 du khách quốc tế đến từ các quốc gia như Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc... và 10 công ty dịch vụ lữ hành.

Cuộc khảo sát này được thực hiện sau khi Tổng cục Thống kê báo cáo: tổng khách quốc tế đến VN trong tám tháng qua chỉ đạt khoảng 5,06 triệu lượt người, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Người nước ngoài phải trả giá cao hơn?

Đó là thắc mắc của Erica Franks (31 tuổi) đến từ Úc. “Dường như có một quy ước ngầm ở đất nước bạn là người nước ngoài mặc nhiên giàu có và bằng cách này hay cách khác chúng tôi luôn phải trả tiền cao hơn người bản địa” - Erica nói.

Dẫn chứng cho nhận định này, Erica kể mới đây chị đón taxi từ chợ Bến Thành về khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão chỉ có hơn 1km nhưng tài xế cố tình chạy lòng vòng.

Khi đến nơi, tài xế này lấy 360.000 đồng. “Nếu không vì có việc gấp tôi đã đi bộ. Điều này khiến tôi cảm thấy rất thất vọng” - Erica cho biết.

Trong khi đó, Wang Ming Hong (43 tuổi, người Hong Kong) cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi được biết VN là đất nước của những ngôi chợ truyền thống và các quán ăn bình dân chứ không phải siêu thị hay trung tâm thương mại. Nhưng những nơi không niêm yết giá lại bán đắt cho khách du lịch. Thật không công bằng!”.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều du khách quốc tế cảm thấy phiền lòng nhất là bị quấy rầy, chèo kéo mua hàng liên tục khi đang tham quan.

Từ đó, du khách thường có phản xạ “từ chối” ngay khi thấy người Việt tiếp cận. Nhóm khảo sát vừa đến gần và chưa kịp mở lời, nhiều du khách mỉm cười, lắc đầu và nói: “Xin lỗi bạn, chúng tôi không mua”.

Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh, môi trường, an ninh chưa được đảm bảo (45% ý kiến), giá tour cao, giao thông phức tạp, điểm đến (đặc biệt là về đêm) nhàm chán, quảng bá không thu hút, ít sản phẩm đặc trưng... cũng là những điều mà du khách quốc tế cho rằng ngành du lịch VN cần được cải thiện.

“Tôi chưa biết mua gì để tặng bạn bè vì những gì ở TP.HCM bán, ở đất nước tôi cũng có. Ngoài đặc sản là phở tôi có thể thưởng thức ở đây, TP.HCM còn đặc sản nào khác có thể mang về làm quà không?” - Lee Chang (25 tuổi, người Singapore) hỏi.

Những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Trong mùa du lịch vừa qua (10-2014 - 4-2015), công ty lữ hành có lượng khách du lịch quốc tế đăng ký tour đến VN tương đối ổn định, sáu công ty còn lại giảm so với trước.

10/10 đại diện các công ty lữ hành được hỏi cho rằng vấn đề về vệ sinh, môi trường, an ninh chưa đảm bảo khiến du lịch VN kém hấp dẫn và đó cũng là một trong những rào cản cần được cải thiện càng sớm càng tốt.

Giám đốc một công ty lữ hành cho biết: “Năm nào các ban ngành, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hội, hiệp hội liên quan đến du lịch, các doanh nghiệp du lịch lữ hành và báo chí cũng đều góp ý về những tồn tại và hạn chế trong du lịch VN, rồi hiến kế rất nhiều. Nhưng nói hoài, nói mãi chẳng cải thiện là bao”.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên - giám đốc Công ty du lịch Asian Trails - cho rằng nạn chặt chém, chèo kéo, an ninh chưa đảm bảo... phải khắc phục theo một kế hoạch dài hơi và ở tầm vĩ mô.

Bao gồm nâng cao nhận thức của tất cả các thành phần, công ty và cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ du lịch, giáo dục cho người dân về ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, thân thiện với khách du lịch, cạnh tranh lành mạnh...

Trong số 40 khách quốc tế mà nhóm khảo sát hỏi, chỉ có 10 người biết đến VN qua các công ty bán tour du lịch, còn lại chủ yếu biết qua sự giới thiệu của bạn bè (25 người) và qua Internet.

“Ngoài chuyện cần quảng bá du lịch VN hơn nữa, tôi nghĩ các công ty du lịch nên có brochure về những gì hướng dẫn viên nói, đôi lúc họ nói nhanh quá tôi nghe không kịp” - một du khách Philippines cho biết.

Hầu hết các công ty du lịch được khảo sát đều cho rằng quảng bá du lịch chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng cho rằng chủ yếu do ngân sách du lịch hạn hẹp, nên cần phải giải bài toán ngân sách trước khi thực hiện các bước khác. 6/10 đại diện công ty lữ hành đồng tình với việc cần đẩy mạnh quảng bá du lịch VN hơn nữa.

   Ảnh: Lê Phan

* Anh SEBASTIAN STUCHALA (26 tuổi, người Đức):

“VN có nhiều điểm đến đẹp, đồ ăn cũng rất ngon. Đường phố ở TP.HCM lúc nào cũng nhộn nhịp nhưng giao thông hỗn loạn quá.

Tôi luôn thấy lo lắng khi băng qua đường vì không đoán được xe sẽ di chuyển như thế nào. Ngoài ra, nhiều người không biết tiếng Anh, rất khó giao tiếp”.

   Ảnh: Lê Phan

* Anh BABU JHEET (27 tuổi, người Ấn Độ):

“Một số dịch vụ ở đây chưa tốt lắm, đặc biệt là taxi. Tài xế cố tình không hiểu ý và chở đến sai địa chỉ, tính giá cao. Tôi nghĩ cần loại bỏ các hãng taxi “dỏm”. Vì bức xúc với thái độ phục vụ của tài xế taxi nên tôi quyết định rời TP.HCM đi Hội An luôn trong ngày”.

   Ảnh: Lê Phan

* Chị CAROLINE SCHWEERS  (25 tuổi, người Đức):

“Tôi đã đến vịnh Hạ Long, ĐBSCL và bây giờ là TP.HCM. Tôi rất ấn tượng với con người VN, thân thiện và dễ mến. Tuy nhiên, đồ ăn nhiều nơi nấu không ngon trong khi số tiền tôi bỏ ra mua tour không nhỏ”.

   Ảnh: Minh Huyền

* Ông YASUTOMO TAMAKI  (48 tuổi, người Nhật):

“Người Việt đang phải chịu đựng sự ô nhiễm không khí quá trầm trọng từ các phương tiện giao thông và rác thải. Tuy nhiên, VN có nền văn hóa rất sâu và huyền bí, không thể khám phá hết được nếu chỉ đi một lần”.

NHÓM KHẢO SÁT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên