28/05/2015 14:17 GMT+7

Ngành du lịch đang bị ảnh hưởng tiêu cực vì tỉ giá

C.V.KÌNH
C.V.KÌNH

TTO - Đó là khẳng định của TS Nguyễn Đức Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), tại buổi công bố Báo cáo kinh tế VN 2015 sáng 28-5.

Tỉ giá cao, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, đã tác động tiêu cực lên ngành du lịch VN - Ảnh: TTO

Theo ông Nguyễn Đức Thành, tỉ giá VND hiện nay đang ổn định vĩ mô tạm thời về mặt danh nghĩa nhưng tiềm ẩn bất ổn, rủi ro.

Ông Thành nhấn mạnh đến vấn đề tỉ giá và khẳng định tỉ giá đồng tiền của các nước lớn đều đã giảm mạnh so với đồng USD. Trong khi đó VN vẫn giữ tỉ giá bám sát rất chặt với USD.

“Suốt từ khi thay đổi mạnh năm 2007, từ đó đến nay tỉ giá VND được giữ gần như ổn định” - ông Thành nói và cho rằng điều này khiến có năm ngành kinh tế của VN bị ảnh hưởng mạnh, trong đó du lịch bị ảnh hưởng rất mạnh bởi tỉ giá. Vì vậy thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Đức Thành kiến nghị cần cân nhắc vấn đề tỉ giá của VN để tính toán điều chỉnh cho phù hợp.

Nhiều chuyên gia tại lễ công bố đã đồng tình với quan điểm này và cho rằng đồng VND sau thời gian lạm phát nhưng vẫn được giữ (gần 22.000 đồng đổi 1 USD) là mức thấp.

Nó làm cho VND rất mạnh. Trong khi đó nhiều thị trường khách du lịch lớn của VN như Nga có tỉ giá giảm mạnh so với USD, khiến du lịch VN đắt đỏ và kém hấp dẫn hơn...

Một chuyên gia lấy ví dụ nếu tỉ giá VND là 20.000 đồng/USD thì hiện tại vào VN, khách du lịch có 1 USD chỉ mua được khoảng 2kg gạo, nhưng nếu giảm giá VND xuống 30.000 đồng/USD thì vẫn 1 USD ấy khách có thể mua được 3kg gạo, rẻ hơn rất nhiều...

Vì vậy, giữ giá VND sẽ khiến hàng hóa VN đắt hơn khi xuất khẩu.

TS Huỳnh Thế Du, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cũng cho rằng tỉ giá VND cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cạnh tranh.

Ông Du nêu rất ít quốc gia muốn có đồng tiền mạnh, vì đồng tiền càng yếu càng lợi cho xuất khẩu. Nêu câu chuyện thực tiễn ở Nhật, vào năm 1949 Nhật quyết định ấn định tỉ giá 360 yen lấy 1 USD, trong khi dự kiến chỉ ở mức 200 yen đổi 1 USD, là yếu tố then chốt cải thiện cạnh tranh cho sản phẩm Nhật.

Ông Huỳnh Thế Du cũng so chiến lược phát triển kinh tế chú trọng xuất khẩu hơn việc thay thế nhập khẩu của Hàn Quốc, Đài Loan... nên định giá đồng tiền yếu để tạo lợi thế cạnh tranh, cộng các yếu tố khác, kết quả họ đã thành công.

Trong khi đó, ông Du cho rằng có sự “tương phản” khi Indonesia, Malaysia theo đuổi chính sách ngược lại, vẫn muốn tăng xuất khẩu nhưng cũng muốn thay thế nhập khẩu, cuối cùng hướng nhiều hơn thay thế nhập khẩu nên định giá đồng tiền cao, đã góp phần làm chi tiêu công quá mức...  

Trung Quốc cũng có chính sách rất khác VN, theo ông Du, là họ theo chiến lược đồng tiền yếu, có lợi rất lớn cho xuất khẩu, hàng Trung Quốc rất rẻ.

“VN theo hướng đồng tiền mạnh, kết quả không nhìn đâu xa, đáng lẽ ở mức độ phát triển thấp hơn thì sẽ xuất siêu sang Trung Quốc nhưng ta lại nhập siêu vô cùng khổng lồ” - ông Du nói.

Với quan điểm lo lắng nếu giảm giá VND thì nợ công sẽ tăng (ví dụ tỉ giá 21.000 đồng/USD thì vay nợ 1 tỉ USD chỉ cần 21.000 tỉ đồng để trả nợ, nếu giá VND giảm xuống 22.000 đồng/USD thì cần 22.000 tỷ đồng để trả nợ - PV), ông Du cho rằng nếu cứ lo thế mà giữ giá VND là “sai lầm”.

Lý do, theo ông Du, khi  đồng tiền yếu đi, xuất khẩu tăng lên, Nhà nước thu được nhiều hơn, khả năng trả nợ sẽ tốt lên.

“Đồng tiền mạnh tổn hại vô cùng lớn” - ông Du nói và cho rằng với tỉ giá hiện nay đang tạo yếu tố đầu cơ hơn là tăng cạnh tranh cho nền kinh tế.

C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên