10/11/2016 18:10 GMT+7

Báo động 'thiên đường' Venice, Maldives có thể bị xóa sổ

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Không chỉ là Những vách đá trắng vùng Dover đang gặp nguy hiểm, từ thành phố tuyệt đẹp Venice ở Ý đến quần đảo 'thiên đường hạ giới' Maldives đều có nguy cơ bị xóa sổ vì biến đổi khí hậu.

Địa danh Những vách đá trắng vùng Dover (White Cliffs of Dover) của Anh hiện đang bị xói mòn với tốc độ nhanh chưa từng thấy - Ảnh: Shutterslock/Daily Mail
Những vách đá trắng vùng Dover hiện đang bị xói mòn với tốc độ nhanh chưa từng thấy - Ảnh: Shutterslock

Theo trang tin Daily Mail của Anh, danh thắng Những vách đá trắng vùng Dover (White Cliffs of Dover) của Anh hiện đang bị xói mòn với tốc độ nhanh chưa từng thấy trước nay. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những thay đổi do con người gây ra với vùng bờ biển này.

Nghiên cứu công bố tuần này cho biết, các vách đá nổi tiếng bị rút lui vào phía trong 32cm mỗi năm. Đây là tình trạng xói mòn rất lớn nếu so với tỉ lệ bị ăn mòn 2cm mỗi năm của một vài trăm năm trước.

Nhưng đây không phải địa danh du lịch nổi tiếng thế giới duy nhất chịu tác động tiêu cực. Các vấn đề như biến đổi khí hậu, phá rừng, du lịch và công nghiệp đã và đang gây ra những hậu quả tàn phá với nhiều kỳ quan du lịch khác của thế giới.

Venice đang chìm dần dưới nước

Venice - thành phố của những con kênh đang đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm trong nước - Ảnh: Daily Mail
Venice - thành phố của những con kênh đang đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm trong nước - Ảnh: Daily Mail

Thành phố xinh đẹp và sôi động Venice của Ý đang chìm dần dưới nước với tốc độ nhanh hơn gấp 5 lần so với nhận định trước đây.

Các nhà khoa học cho biết thành phố này cũng đang nghiêng về phía đông với mức nghiêng chưa từng có tiền lệ, khoảng 2mm mỗi năm trong thập kỷ qua.

Một hệ thống bảo vệ mới có tên Experimental Electromechanical Module (Mose) đang được triển khai với hy vọng giúp bảo vệ thành phố của những kênh đào này có thể chống chọi được với mức thủy triều rất cao đe dọa trong suốt một thời gian dài.

Gần 1/3 Vạn Lý Trường Thành đã biến mất - Ảnh: Daily Mail
Gần 1/3 Vạn Lý Trường Thành đã biến mất - Ảnh: Daily Mail

Vạn lý trường thành đang vỡ vụn

Theo một báo cáo năm ngoái, gần 1/3 Vạn lý trường thành đã hoàn toàn biến mất. Nguyên nhân khiến cho 1.220 dặm tường thành có niên đại hơn 2000 năm này biến mất có thể do tác động kết hợp của nhiều yếu tố như xói mòn tự nhiên, phá hủy của con người và thiếu phương tiện bảo vệ.

Biển Chết đang cạn kiệt

Mực nước ở Biển Chết đang giảm đi 1 mét mỗi năm - Ảnh: Daily Mail
Mực nước ở biển Chết đang giảm đi 1 mét mỗi năm - Ảnh: Getty

Trong hàng ngàn năm, biển Chết thu hút không biết bao nhiêu lượt du khách tới trải nghiệm cảm giác thả nổi trên dòng nước mặn chát của nó và tận hưởng những lợi ích về sức khỏe.

Các nhà nghiên cứu cho biết mực nước ở biển Chết giảm đi trung bình mỗi năm 1 mét và nguyên nhân có thể là do lượng nước từ sông Jorđan đổ vào biển Chết ít hơn lượng nước bị rút đi.

Người ta ước tính kể từ những năm 1950 tới nay, mức nước ở biển Chết giảm hơn 40 mét.

Maldives đang chìm dần

Chính phủ Maldives đã phải xây các đảo nhân tạo để người dân của họ có chỗ nương náu trong tình trạng nước biển dâng cao - Ảnh: Daily Mail
Chính phủ Maldives phải xây các đảo nhân tạo để người dân của họ có chỗ nương náu trong tình trạng nước biển dâng cao - Ảnh: Getty

Tình trạng nước biển dâng đang de dọa tới 1/10 dân số thế giới đang sống tại những vùng đất thấp, trong đó có cả quần đảo thiên đường Maldives.

Các biện pháp hạn chế nước biển dâng trước nay tập trung vào việc hạ bớt nhiệt độ, nhưng điều này có lẽ là chưa đủ. Ngay khi nhiệt độ trung bình toàn cầu giảm và nhiệt độ lớp nước bề mặt đại dương nguội bớt thì sức nóng vẫn sẽ len lỏi xuống các lớp nước sâu hơn của đại dương và tiếp tục gây ra tình trạng gia tăng mực nước biển.

Lo sợ các quần đảo có thể bị chìm dưới biển, chính phủ Maldives bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo cho cư dân của họ.

Sông băng Chacaltaya 18.000 năm tuổi biến mất

Sông băng hoàn toàn biến mất năm 2005 - Ảnh: Daily Mail
Sông băng Chacaltaya hoàn toàn biến mất năm 2005 - Ảnh: AFP

Nằm ở độ cao 5.300 mét trên dãy Andes thuộc Bolivia, những sườn núi phủ đầy tuyết của Chacaltaya từng một thời được ngợi ca là khu trượt băng cổ xưa nhất thế giới.

Tuy nhiên trong khoảng thời gian từ năm 1940-1982, khu sông băng đã giảm diện tích bao phủ từ 2,4 triệu bộ vuông (222.967 km2 xuống còn 1,5 triệu bộ vuông (139.355 km2).

Tới năm 1996 diện tích bao phủ của sông băng lại giảm tiếp xuống còn 861.000 bộ vuông (79.990 km2) trước khi hoàn toàn biến mất năm 2005.

Những hình vẽ cổ tại Nazca ở nam Peru bị xóa mất

Hình vẽ cổ ở sa mạc Nazca thuộc miền nam Peru - Ảnh: Daily Mail
Hình vẽ cổ ở sa mạc Nazca thuộc miền nam Peru - Ảnh: Daily Mail

Những hình vẽ hoa, cá voi, lạc đà không bướu, khỉ và người có niên đại khoảng 2.500 năm. Trong suốt thời gian hàng nghìn năm này, những hình vẽ này tồn tại như một sự thách thức với thời gian tại sa mạc Nazca ở phía nam Peru, cách thủ đô Lima khoảng 402 km. 

Nhưng do ảnh hưởng của các công trình xây dựng hạ tầng tại đây nhằm đáp ứng nhu cầu của lượng du khách đổ tới, năm 2009, dòng nước từ vùng cao nguyên gần đó đổ xuống sau trận mưa lớn đã xóa sạch một trong những hình vẽ ấy.

Ngoài ra do ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản ở khu vực này mà một loạt những hình ảnh khác cũng bị xóa sổ.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên