
Thiếu tá Trần Duy Hiển, phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06, Bộ Công an), chỉ ra những lợi ích khi kết nối VNeID an toàn và thuận lợi - Ảnh: DANH KHANG
Sáng 22-4, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi" nhằm thúc đẩy kết nối hiệu quả giữa các cơ quan, doanh nghiệp và người dân với VNeID - ứng dụng định danh điện tử quốc gia.
Nội dung tọa đàm nhấn mạnh việc thúc đẩy các bên liên quan - từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến người dùng cuối - cùng tham gia xây dựng và khai thác hiệu quả VNeID, đảm bảo an toàn dữ liệu và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.
Theo đó, tọa đàm tạo diễn đàn và làm cầu nối để các cơ quan quản lý, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp thảo luận cách tích hợp và ứng dụng VNeID một cách an toàn, tiện lợi.
Sự kiện cũng nhằm làm rõ cách VNeID góp phần xây dựng một hệ sinh thái số an toàn, minh bạch, lấy dữ liệu làm nền tảng và người dân làm trung tâm.
Đây cũng là cơ hội để các bên chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tối ưu hóa ứng dụng VNeID, hướng tới mục tiêu số hóa toàn diện, bền vững.
Tọa đàm sẽ tập trung thảo luận việc kết nối VNeID trong các lĩnh vực thiết yếu của đời sống như y tế, giáo dục, thương mại điện tử, các dịch vụ điện, nước…
Đối với lĩnh vực y tế, tọa đàm sẽ thảo luận về việc làm thế nào để VNeID triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, mua thuốc trực tuyến trên VNeID và tiến tới có thể bổ sung thực hiện việc kê đơn thuốc trực tuyến và quản lý thông tin khám chữa bệnh toàn dân một cách hiệu quả.
Đối với giáo dục, VNeID hỗ trợ đồng bộ dữ liệu học sinh, sinh viên, phục vụ tuyển sinh và quản lý thi cử minh bạch ra sao?
Đối với các dịch vụ dân sinh, ứng dụng giúp người dân đăng ký định mức điện, nước sinh hoạt, thanh toán trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí như thế nào?
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, tọa đàm cũng làm rõ về các tính năng ưu việt của VNeID, từ giao dịch thương mại đến tích hợp đa dịch vụ trong một nền tảng duy nhất.
Đặc biệt, trong việc phát triển hệ sinh thái số, tọa đàm cũng thảo luận cách khai thác tiềm năng VNeID như một siêu ứng dụng quốc gia, kết nối đa dịch vụ trên một nền tảng duy nhất.

Khách mời tham gia tọa đàm - Ảnh: DANH KHANG
Tham dự tọa đàm có ông Tạ Văn Hạ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội), bà Trần Thị Nhị Hà (phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội), GS Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội khóa XV, thành viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội), thiếu tá Trần Duy Hiển (phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, C06 - Bộ Công an), bà Nguyễn Đỗ Quyên (phó tổng giám đốc Công ty FPT Retail kiêm giám đốc điều hành FPT Long Châu) và các đại biểu đại diện của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…

Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: DANH KHANG
VNeID là một "siêu ứng dụng" ví điện tử
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nêu rõ VNeID là một "siêu ứng dụng" ví điện tử, giấy tờ do trực tiếp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) xây dựng, phát triển, đến nay đã có hơn 60 triệu tài khoản người dùng.
Ông Toàn cho rằng so với các ứng dụng khác thì "đây có lẽ là một siêu ứng dụng với số lượng người dùng lớn nhất hiện nay và các thông tin, chức năng của VNeID không quá xa lạ với người dân".

Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn phát biểu khai mạc buổi tọa đàm - Ảnh: DANH KHANG
Ông dẫn lại việc hiện nay, các loại giấy tờ cơ bản nhất như căn cước công dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế… đã được cập nhật trên nền tảng ứng dụng này. Hầu như tất cả các dịch vụ cơ bản đã bắt đầu kết nối, triển khai.
Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đánh giá "siêu ứng dụng" VNeID không chỉ dành cho một nhóm đối tượng mà dành cho tất cả người dân, từ trẻ em đến người lớn tuổi.
Ông chỉ rõ đây là ví điện tử, trong đó bao gồm rất nhiều loại giấy tờ và thay vì đựng giấy tờ trong két sắt, ví vật lý thì giờ đây các loại giấy tờ đã được đưa vào nền tảng số này để thuận tiện sử dụng.
Ông Toàn nhấn mạnh trong khuôn khổ tọa đàm hôm nay, báo Tuổi Trẻ mong muốn làm rõ hơn các nội dung để sử dụng VNeID đảm bảo an toàn, tiện lợi, vì vừa qua người dân có tâm lý hoang mang khi có một số vụ lừa đảo.
Ông Toàn nhắc lại việc tối qua (21-4), khi làm thủ tục trên chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội, chính ông đã trải nghiệm xác thực khuôn mặt để check-in ở nhà gia T3 sân bay Tân Sơn Nhất, không cần sử dụng giấy tờ vật lý và cảm giác rất thoải mái, thuận tiện. Điều này giúp những câu hỏi, thắc mắc, nghi vấn của ông trước đây về sử dụng VNeID đã được giải tỏa…
Dự kiến từ 1-7 sẽ cấp tài khoản định danh cho người nước ngoài
Tại buổi tọa đàm, thiếu tá Trần Duy Hiển, phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục C06, Bộ Công an), đã chia sẻ các tính năng của VNeID.
Ông Hiển cho hay với giai đoạn ban đầu khi Trung tâm hình thành đã tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết bài toán chuyển đổi hóa sổ hộ khẩu giấy thành dữ liệu điện tử và tất cả các thông tin của người dân sẽ nằm trong hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thiếu tá Trần Duy Hiến, phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06, Bộ Công an) và phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn tại tọa đàm - Ảnh: DANH KHANG
Sau khi thu thập được hơn 104 triệu dữ liệu người dân và cấp số định danh thì triển khai chiến dịch cấp 100% thẻ căn cước công dân gắn chip (nay là thẻ căn cước) và định danh điện tử cho người dân. Thẻ căn cước công dân gắn chip đã thay thế cho chứng minh thư 12 số.
Ông nói trong thẻ căn cước công dân gắn chip đã tích hợp nhiều công nghệ như QR code mã vạch để thuận tiện cho người dân khi khai báo cũng như tiếp nhận hồ sơ, thông tin người dân của cơ quan, tổ chức và bảo mật hơn khi tích hợp thông tin gắn chip.
Với mục tiêu công dân số, xã hội số, Chính phủ số, Cục C06 đã tiếp tục tham mưu cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân và đó là công cụ để người dân tham gia môi trường số.
Ông Hiển thông tin đến nay đã cấp và kích hoạt hơn 62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Tỉ lệ người sử dụng VNeID năm 2024 và đầu năm 2025 trung bình từ 3 - 6 triệu/ngày (cao hơn từ 3 - 4 lần năm 2023).
Ngoài ra, đã cấp hơn 292 triệu tài khoản định danh cho tổ chức trên VNeID. Bởi từ 1-7 tới, các cơ quan tổ chức khi thực hiện trên môi trường dịch vụ công cũng phải có tài khoản định danh như người dân bình thường.
Dự kiến từ 1-7 sẽ triển khai cấp tài khoản định danh cho người nước ngoài. "Sẽ có định danh cá nhân, tổ chức, người nước ngoài và dự kiến 1-7 sẽ triển khai đồng bộ", ông Hiển nói thêm.

Cán bộ Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06, Bộ Công an) tại tọa đàm - Ảnh: DANH KHANG
Vấn đề an toàn dữ liệu, đảm bảo hệ thống hoạt động xuyên suốt cực kỳ quan trọng. App VNeID là app toàn dân, mọi người dân đều sử dụng được nhưng yếu tố an toàn là hàng đầu, sau đó mới đến tiện lợi.
Ông Hiển nhấn mạnh để VNeID hoạt động an toàn, tiện lợi, đã thực hiện 5 yêu cầu quan trọng gồm pháp lý, dữ liệu, an ninh an toàn, hạ tầng, nguồn lực.
Ông dẫn chứng ngoài những thông tin Cục C06 chủ động tích hợp lên ứng dụng thì với những người dân có nhu cầu tích hợp các loại giấy tờ sẽ hoàn toàn chủ động. Nhưng yếu tố quan trọng là phải đảm bảo an toàn thông tin và mọi thông tin tích hợp lên phải được sự đồng ý của người dân, người dân cũng được hủy yêu cầu tích hợp, đồng thời biết nội dung đó dùng để làm gì.
Cũng theo ông Hiển, hiện đã thực hiện kết nối với 12 ngân hàng để các ngân hàng khai thác dữ liệu. Nhưng không có chuyện C06 chủ động khai thác dữ liệu, chuyển cho ngân hàng mà ngân hàng gửi yêu cầu nhưng C06 sẽ vẫn phải hỏi người dân trên VNeID có đồng ý chia sẻ thông tin không.
"Đó là yếu tố an toàn bắt buộc phải thực hiện, tuân thủ khi triển khai các tiện ích trên VNeID", ông Hiển nêu rõ.
Ngoài chủ động nghiên cứu, phát triển, tham mưu các tiện ích trên VNeID, trung tâm cũng lập các trang mạng xã hội trên Facebook, Zalo, tiếp nhận các góp ý của người dân để hoàn thiện, giúp VNeID tiện lợi nhất.
Về các tiện ích khác, ông Hiển cho hay hiện nay đã kết nối với nhà thuốc FPT Long Châu và 1 nhà thuốc khác để chia sẻ dữ liệu, giúp người dân có thể dễ dàng mua thuốc của nhà thuốc trên VNeID.
Ngoài ra, VNeID cũng đã triển khai ứng dụng sổ tang điện tử khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần và rất nhiều người dân đã gửi lời chia buồn, tưởng nhớ cố Tổng Bí thư.
Về định hướng sắp tới, ông Hiển thông tin sẽ tiếp tục triển khai một số tiện ích phục vụ Đại hội Đảng, Ủy ban Kiểm tra giám sát Đảng ủy trên nền tảng VNeID gồm phần mềm theo dõi tiến trình đại hội, góp ý văn kiện đại hội, tích hợp với sổ tay đảng viên, phản ánh kiến nghị, tố giác trên VNeID, phối hợp với báo Nhân Dân đưa tin tuyên truyền về đại hội, tích hợp thư viện điện tử của Ủy ban Kiểm tra trên VNeID. Qua đó phục vụ tốt hơn công tác chuyển đổi số trong cơ quan Đảng và minh bạch các hoạt động phục vụ Đại hội Đảng…

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm - Ảnh: DANH KHANG
Yêu cầu các nền tảng số gỡ bỏ hàng ngàn sản phẩm thực phẩm chức năng, sữa
Bà Lê Thị Hà - trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho rằng cần thiết xác thực danh tính điện tử đối với người bán trên các nền tảng thương mại điện tử là một chính sách đặc thù.
Bà Hà cho hay nền tảng thương mại điện tử không chỉ là các nền tảng số nói chung mà bao gồm cả nền tảng số trung gian, mạng xã hội. Vì mạng xã hội hiện nay cũng là kênh bán hàng rất đặc thù, đặc biệt, có thể kết nối người bán, người mua.

Bà Lê Thị Hà, trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ về tiến độ và các chính sách liên thông VNeID - Ảnh: DANH KHANG
Theo bà, vừa qua có những sự việc bán hàng, sản phẩm không đảm bảo an toàn chất lượng trên các nền tảng số như lô sữa giả vừa bị phanh phui.
Khi nhận được phản ánh từ báo chí, cơ quan quản lý, Cục Thương mại điện tử và kinh tế đã yêu cầu các nền tảng số lớn về thương mại điện tử, nền tảng số trung gian gỡ bỏ hàng nghìn sản phẩm bao gồm thực phẩm chức năng, sữa.
"Ngay hôm qua chúng tôi cũng đã yêu cầu một số nền tảng thuốc tháo gỡ tất cả những sản phẩm bán lẻ về thuốc kê đơn. Ngay sau khi được cấp phép về thương mại điện tử, những nền tảng dược phẩm rất lớn vẫn bán lẻ thuốc kê đơn trên môi trường thương mại điện tử. Chúng tôi đã có công văn gửi đến yêu cầu tháo gỡ, đăng tải thông tin cảnh báo", bà Hà thông tin.
Tuy nhiên, theo bà Hà, hiện khối lượng lớn sản phẩm thuốc vẫn còn tràn lan nên cần có những biện pháp nghiệp vụ bằng cách sử dụng các nền tảng, tài khoản được cung cấp bởi các nền tảng để truy cập mới có thể rà soát, xử lý được.
Trong thời gian tới, cần thiết định danh trên môi trường thương mại điện tử để có thể phát triển được, theo bà Hà cần có hai cơ sở.
Thứ nhất, phải tạo được niềm tin số. Niềm tin đến từ người tiêu dùng nhưng muốn có cần phải xuất phát từ sự tin cậy của người bán hàng, sự tin cậy của chủ những nền tảng số.
Để có những người bán tin cậy thì người bán hàng mặc dù ở trên môi trường ảo nhưng họ không thể ảo, phải dược định danh.
"Chúng tôi mong muốn khi niềm tin số được đưa vào luật hóa bởi xác thực danh tính thì người bán trên môi trường ảo sẽ thực tế hơn, kiểm soát thông tin người bán tốt hơn. Thậm khi phát hiện ra hàng giả, hàng nhái có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tháo gỡ hàng hóa, sản phẩm", bà Hà nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hà, ngoài niềm tin số thì có cơ sở sử dụng VNeID. Đây là vấn đề quản lý số, không phải quản lý trên giấy tờ nữa.
"Chúng tôi mong Cục thương mại điện tử sẽ quản lý số bằng việc yêu cầu kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu. Khi có VNeID, những quy định cụ thể và luật hóa thì việc quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là người bán sẽ minh bạch hơn", bà Hà nói.
Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ cần mang điện thoại có cài đặt ứng dụng VNeID
TS. Phạm Xuân Viết, phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế đã chia sẻ về những lợi ích của VNeID trong lĩnh vực khám chữa bệnh.
Cụ thể, trong giai đoạn cuối 2021, đầu 2022 khi dịch COVID-19 hoành hành và VNeID mới thiết lập, ngành y tế đã tham gia tích cực. Khi đó, ngành y tế đã tích hợp tiêm chủng COVID-19 lên VNeID để người dân đăng ký theo dõi và thực hiện hộ chiếu vắc xin, cơ sở dữ liệu xét nghiệm COVID-19, bệnh nhân F0 khỏi bệnh… Việc này đã giúp ích rất tốt cho phòng, chống dịch COVID-19.

TS. Phạm Xuân Viết, phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế - Ảnh: DANH KHANG
Hiện nay, theo ông Viết, ngành y tế đã triển khai tích hợp giấy chứng sinh, giấy báo tử lên VNeiD để phục vụ cho nhóm thủ tục hành chính liên thông là đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em. Đồng thời, nhóm liên quan giấy chứng tử như xóa đăng ký hộ khẩu thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất…
Cùng với đó đã tích hợp lên VNeID giấy khám sức khỏe phục vụ cấp, cấp đổi giấy phép lái xe. Đến nay đã có hàng triệu giấy khám sức khỏe gửi lên. Đồng thời, các cơ sở y tế đã thực hiện đón tiếp, khám chữa bệnh cho người dân dùng thẻ căn cước công dân gắn chip.
"Người dân khi đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ cần mang theo điện thoại có cài đặt ứng dụng VNeID là có thể thực hiện các khâu khám chữa bệnh. Hiện nay đã có thể triển khai ở tất cả các cơ sở từ tháng 10-2023", ông Viết thông tin.
Các bệnh viện cũng triển khai xác thực nhân trắc học, khuôn mặt để đón tiếp bệnh nhân. Ngoài ra, còn triển khai chữ ký số cho bệnh nhân và sẽ được miễn phí trong 1 năm. Việc này, nhằm tiến tới bệnh án điện tử và giúp giải quyết thuận lợi cho người dân. Sắp tới, ngành y tế sẽ nhân rộng ra.
Ông Viết thông tin thêm vừa qua, Thủ tướng cũng đã dự khai trương thí điểm liên thông hệ thống điều phối, trao đổi dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với các cơ sở y tế ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và ở Bệnh viện Chợ Rẫy với các cơ sở y tế ở Bình Dương, An Giang.
Hiện việc thí điểm tiến hành đến hết tháng 4 và sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, triển khai toàn quốc. Đi kèm với đó sẽ liên thông kết quả xét nghiệm, kết quả khám chữa bệnh khác.
Đặc biệt, theo ông Viết, với sự giúp đỡ của Bộ Công an, trực tiếp là Cục C06, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID. Đi liền với đó là phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh và giấy khám lại.
Sau khi triển khai thành công tại Hà Nội và tiếp tục triển khai trên cả nước. Đến nay 63 tỉnh, thành phố và nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã tham gia vào hệ thống sổ khám sức khỏe điện tử trên VNeID.
Đã có gần 24 triệu sổ sức khỏe điện tử được kích hoạt và sử dụng chính thức với việc chuyển cơ sở khám chữa bệnh trên 800.000 và gần 3 triệu giấy hẹn khám lại.
Cùng với đó, gần 50 triệu lượt truy cập vào sổ sức khỏe điện tử. Đây là con số rất tích cực và việc triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNeID mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ sở y tế, người dân, như tạo sự tiện lợi, truy cập thông tin dễ dàng với các cơ sở y tế, người bệnh. Chia sẻ thông tin, các dữ liệu khám chữa bệnh của người dân mà cơ sở khám sức khỏe muốn khai thác theo phân cấp, phân quyền và người dân có thể dễ dàng theo dõi.
Thêm vào đó, khi liên thông như vậy giúp giảm sai sót, quản lý khám chữa bệnh của người dân tốt hơn.
"Không những quản lý mà còn giúp quản lý, phát hiện dịch bệnh mới nếu có và xem xét mô hình bệnh tật của người dân từng thời kỳ, xây dựng y tế thông minh, minh bạch…
Với người dân, khi đi khám mỗi lần phải mua một quyển sổ nhưng sổ sức khỏe điện tử sẽ thay thế việc này", ông Viết nêu thêm.
Cập nhật thông tin sau điều chỉnh địa giới hành chính ra sao?
* Trong phiên tọa đàm, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn đặt câu hỏi về việc hiện nay đang thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ huyện, sáp nhập xã. Ví dụ, tôi sinh ra ở Hà Nam, sắp tới sáp nhập Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình, vậy việc cập nhật quê quán cá nhân công dân phải làm hay cơ quan nhà nước làm thay?

Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn đặt câu hỏi - Ảnh: DANH KHANG
Trả lời nội dung này, thiếu tá Trần Duy Hiển cho hay việc cập nhật thông tin địa giới hành chính thì Cục C06 sẽ cập nhật ngay sau khi có quyết định điều chỉnh địa giới hành chính. Tất cả sẽ được làm trên chức năng của phần mềm.
"Việc này sẽ phụ thuộc vào thống kê vì liên quan đến mã các địa giới hành chính và các tên gọi được quy định. Sau khi có những thông tin này thì Cục C06 sẽ phối hợp công an địa phương cập nhật ngay. Chúng tôi đã có kinh nghiệm vì giai đoạn trước đây Cục C06 đã triển khai sáp nhập một loạt xã trước khi thực hiện tổng rà soát sáp nhập như hiện nay", Thiếu tá Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển khi đã đưa dữ liệu lên VNeID thì không phụ thuộc vào con dấu của nơi cấp ra các loại giấy tờ mà xác định trên dữ liệu đã được cấp. Do đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc rà soát. Còn trách nhiệm của đơn vị cấp dữ liệu là vấn đề quản lý giữa đơn vị cung cấp thông tin và đơn vị hiển thị thông tin.
Định danh nhà thuốc là rất thiết thực, cần làm
Ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đặt vấn để rằng sau khi nhà thuốc Long Châu triển khai kết nối mua thuốc trực tuyến qua VNeID thì việc triển khai và tiếp nhận của người dân đối với dịch vụ này như thế nào và có những điểm nghẽn nào cần chia sẻ để giúp người dân tiếp cận những loại thuốc vừa rõ nguồn gốc, đảm báo giá, thuận tiện?
Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Đỗ Quyên - phó tổng giám đốc FPT Retail kiêm giám đốc Điều hành FPT Long Châu - cho hay nhà thuốc Long Châu là nhà thuốc đầu tiên được tích hợp vào ứng dụng VNeID.
"Là người tiên phong nên rất áp lực vì đã làm việc với Cục C06 rất chặt chẽ từ pháp lý, nghiệp vụ, an toàn, an ninh mạng, hạ tầng. Dù đã triển khai được hơn 3 tháng nhưng vẫn không thể quên được những ngày tháng phối hợp với Cục C06, bởi những yêu cầu, đòi hỏi của Cục C06 về tiêu chuẩn để tích hợp được rất khắt khe", bà Quyên nói.
Theo bà Quyên sau khi Long Châu triển khai thành công thì rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm kết nối VNeID với các nhà thuốc khác trên toàn Việt Nam. Khi kết nối thành công với VNeID và trở thành cấu phần của sổ sức khỏe điện tử thì người dân, bệnh nhân, khách hàng có một nơi tin tưởng để thực hiện các hoạt động mua bán thuốc được an toàn.

Bà Nguyễn Đỗ Quyên - phó tổng giám đốc FPT Retail kiêm giám đốc Điều hành FPT Long Châu - Ảnh: DANH KHANG
Bà Quyên khẳng định việc mua thuốc qua VNeID các bước đều được bảo mật, phải có sự đồng ý, chia sẻ thông tin của khách hàng thì hai bên mới "thông luồng" với nhau. Bên cạnh đó, khách hàng của Long Châu đăng nhập vào ứng dụng của Long Châu bằng mã số định danh điện tử để mua thuốc.
Nói về sự ủng hộ của người dùng, bà Quyên cho biết hiện có hơn 100.000 lượt khách hàng sử dụng chức năng giữ VNeID và nhà thuốc Long Châu để giao dịch mua thuốc. "Thực tế bây giờ chỉ mới mua thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn chắc chắn là không". Mục tiêu giữa nhà thuốc Long Châu và VNeID chức năng mua thuốc là nền tảng, bước đi ban đầu của sự hợp tác hai bên.
Hiện nay, giữa nhà thuốc Long Châu và C06 đang tiếp tục liên thông y tế. Nhà thuốc là một cấu phần trong sổ sức khỏe điện tử nhưng là không thể thiếu. Vì cuối cùng sau khi khám sức khỏe thì người dân vẫn phải mua thuốc.
"Song người dân mua thuốc đúng với toa thuốc hay không rất quan trọng, mua ở đâu, có được tư vấn đầy đủ về liều dùng, cách dùng không, do ai tư vấn, người tư vấn có giấy phép hành nghề không… là việc định danh trong giai đoạn 2 liên thông y tế.
Với tư cách là doanh nghiệp thì chúng tôi hết sức ủng hộ và sẵn sàng tham gia, minh bạch hóa mọi thứ để việc liên thông y tế được thành công", bà Quyên cho hay.
Bà Quyên cho biết trong 3 ngày qua, Long Châu tiếp một lượng lớn khách hàng không phải đến mua thuốc mà nhờ các dược sĩ tra cứu thuốc xem thuốc mình đang dùng có phải thuốc giả không.
Bà dẫn lại việc các cơ quan báo chí, cơ quan chức năng đã có hướng dẫn tra cứu thuốc, tuy nhiên nhiều người cao tuổi không dễ dàng để tự tra cứu nên mấy ngày vừa qua các dược sĩ của Long Châu làm việc ngày đêm hỗ trợ khách hàng tra cứu. Nhiều khách hàng hỏi Long Châu thế nào là nhà thuốc hợp pháp, có đăng ký… Qua đó cho thấy việc định danh nhà thuốc là rất thiết thực, cần làm.
"Chúng tôi sẵn sàng minh bạch. Khi nhà thuốc được định danh phải có đầy đủ pháp lý, phải có GPP, tất cả dược sĩ phải có giấy phép hành nghề, không phải lao động tự do, phải có bằng cấp để thực hiện việc tư vấn. Quan trọng nhất là cơ sở bán thuốc không trống thuốc, dính líu thuốc giả…thì mới được định danh. Khi người dân nhìn vào sẽ yên tâm mua thuốc", bà Quyên nhấn mạnh.
Cấp định danh điện tử đến tuổi nào?
Nêu ý kiến tại tọa đàm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đặt vấn đề hiện có 62 triệu người được cấp định danh điện tử vậy đã có kế hoạch làm tiếp chưa, đến tuổi nào? Ông nhắc lại từng nghe Bộ trưởng Bộ Công an nói đã hướng đến làm căn cước công dân với trẻ em từ khi sinh ra.
Thêm vào đó, liên quan quan đến trường học, trẻ em đi học thì cần có trường, có thầy cô giáo… Hiện nay quản lý trên VNeID thì đã biết rõ có bao nhiêu cháu sinh năm nào, khi nào đi học…
Ông cũng đề nghị khi cài đặt VNeID cần có chỗ thuận lợi dể người dân đến cài đặt và hướng dẫn cách sử dụng.

Các đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Trần Thị Nhị Hà, Nguyễn Anh Trí tham dự buổi tọa đàm - Ảnh: DANH KHANG
Trả lời nội dung này, thiếu tá Trần Duy Hiển nêu lại việc Bộ trưởng Bộ Công an từng có cam kết cấp 100% căn cước công dân cho người dân đến độ tuổi, thời điểm đó Luật căn cước 2016 quy định chỉ cấp cho người trên 14 tuổi.
Còn hiện nay khi trẻ vừa sinh ra đã có dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế nên khi vừa sinh ra đã có thẻ căn cước thay thế đăng ký khai sinh. Chỉ có điều khác với trẻ dưới 6 tuổi không có ảnh chân dung và vân tay do còn quá nhỏ. Còn trên 6 tuổi có ảnh chân dung.
"Hiện nay với người trên 14 tuổi đã cấp 100% thẻ căn cước, còn dưới 14 tuổi theo quy định việc cấp là theo nhu cầu, yêu cầu của người dân.
Thêm vào đó, với trẻ dưới 14 tuổi, để đảm bảo thông tin phải có người giám hộ (bố mẹ) đăng ký cấp thì mới được cấp, bởi liên quan tài sản định danh điện tử và sử dụng dữ liệu cá nhân", ông Hiển nêu.
Về việc hiện nay, để triển khai phối hợp với Bộ Giáo dục xác định số lượng học sinh đến độ tuổi, ông Hiển nói để chuẩn bị cho việc sáp nhập địa giới hành chính, Cục C06 đã cung cấp các chức năng trên hệ thống dân cư để các đơn vị, địa phương từng cấp (xã, huyện, tỉnh) có thể chủ động thống kê số lượng dân cư thường trú, cư trú trên địa bàn.
Việc này để giải quyết trong khi sáp nhập tỉnh để xác định số lượng, phân bổ xã nào nhập với xã nào, tổng lượng dân như thế nào, các tỉnh có thể chủ động điều đó.
Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ yêu cầu địa phương rà soát số lượng trẻ đến độ tuổi đi học để bố trí trường. Nhưng nay khi có cơ sở dữ liệu dân cư, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kết nối với Bộ Công an để cung cấp số lượng trẻ đến độ tuổi (bao nhiêu cháu đi mẫu giáo, vào học cấp 2, cấp 3, trên địa bàn cụ thể là gì, bao nhiêu tạm trú, thường trú đủ tiêu chuẩn), các đơn vị địa phương sẽ phải tham mưu để xây dựng trường lớp hoặc bố trí giáo viên. C06 đã chủ động việc này thực hiện.
Vì sao VNeID phải nhập nhiều, password phức tạp?
Thiếu tá Hiển nêu rõ đây là việc bảo vệ dữ liệu với các tài khoản.
"Quan trọng là việc tạo ra cơ chế bảo mật và độ khó của password để người dân bảo quản tài khoản của mình. Nhưng trong đó cũng có nhiều trường hợp khó hay FaceID vài hôm lại quên. Giải pháp của trung tâm là làm thế nào để phương thức đổi mật mã dễ nhất cho người dân. Mặc dù quên nhưng có thể vào mã OTP điện thoại để cấp lại mật khẩu.
Vào năm 2022, do liên quan đến hệ thống nên vẫn yêu cầu công dân phải đến công an xã đề nghị cấp lại mật khẩu nhưng hiện nay hoàn toàn có thể làm trên VNeID", ông Hiển nêu rõ.
Ông Hiển cũng nhìn nhận có rất nhiều trường hợp các cụ già thì việc đăng nhập khó. Để giải quyết việc này, một mặt vẫn tuyên truyền cho người dân về các chức năng, đồng thời, yêu cầu các cơ quan tập huấn cho cán bộ tiếp nhận yêu cầu đó biết được để chủ động hướng dẫn người dân.
Đại biểu Tạ Văn Hạ nêu câu hỏi hiện các địa phương đã cơ bản nắm được dân số trên địa bàn, nếu bây giờ tổng điều tra dân số toàn quốc thì lấy tổng dữ liệu ngành công an liệu đã đủ chưa, chính xác không?

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Ảnh: DANH KHANG
Ông Hạ cũng nêu thực tế ở nhiều tỉnh vẫn còn câu chuyện tảo hôn, nhiều em không ra làm khai sinh được, trong đó, có những tỉnh ông đi nghe báo cáo có hơn 400 các cháu không làm hồ sơ, đến tuổi đi học chưa có giấy khai sinh. Việc này cập nhật như thế nào?
Trả lời nội dung về vấn đề tảo hôn, thiếu tá Hiển cho hay với vai trò trách nhiệm, Cục C06 đã yêu cầu công an địa phương tổng rà soát tình hình cư trú.
Với 4 yếu tố gồm người Việt Nam chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì nhập vào dữ liệu dân cư kiểu gì, quản lý kiểu gì, với người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch phải làm gì, cấp dữ liệu gì?
Hiện nay trong Luật Căn cước đã có quy định cấp giấy chứng nhận căn cước. Trường hợp trong các nhà bảo trợ xã hội (như người tâm thần, người không nhớ thông tin) hay các con, cháu sinh ra do tảo hôn, cChúng tôi sẽ rà soát, phối hợp với Bộ Tư pháp để xác định được cấp cho họ loại giấy tờ gốc là gì. Vì về nguyên tắc trong cơ sở dữ liệu dân cư sẽ cập nhật nhưng cần căn cứ vào giấy khai sinh, phải được chỉ mặt, đặt tên anh là ai. Trong dữ liệu dân cư được xác lập thông qua thông tin xác lập, cấp số định danh để định danh người đó.
Chúng tôi sẽ cung cấp và phối hợp với Bộ Tư pháp để có phương án với trường hợp tảo hôn, phương án cấp giấy khai sinh thế nào, các trường hợp nhà bảo trợ thông tin không có thì phải định danh thông tin gì để nhập vào dữ liệu dân cư", ông Hiển nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận