01/12/2021 09:30 GMT+7

Du học sinh Việt mòn mỏi chờ nước Úc

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Đến nay, Úc được xem là thị trường du học lớn cuối cùng vẫn kiên định với các chính sách siết chặt biên giới với sinh viên quốc tế vì dịch COVID-19.

Du học sinh Việt mòn mỏi chờ nước Úc - Ảnh 1.

Sinh viên trong các chương trình chuyển tiếp đến Úc tại Viện ISB, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: PHỤNG TƯỜNG

Đã 20 tháng tính từ thời điểm nước này đóng cửa biên giới vào tháng 5-2020 đến nay, những du học sinh Việt Nam ấp ủ "giấc mơ Úc" vẫn đang miệt mài chờ đợi.

Đặt vé rồi lại hủy vé

Những ngày đầu năm 2020, Phan Anh Duy (23 tuổi, ngụ TP.HCM) gấp rút chuẩn bị hồ sơ du học Úc thì các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên được ghi nhận trên thế giới. Dịch bệnh nhanh chóng lan rộng khắp nơi khiến nhiều quốc gia vốn là thị trường du học lớn, trong đó có Úc, quyết định đóng cửa biên giới với sinh viên quốc tế. Anh Duy phải hoãn kế hoạch xuất ngoại, học tạm tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng và chờ đợi những tin tức tích cực mau chóng đến.

Tuy nhiên tính đến giờ, Úc vẫn đóng cửa biên giới với du học sinh trong khi các thị trường cạnh tranh như Mỹ, Anh, Canada... đã cho phép sinh viên trở lại trường hơn nửa năm nay. Nhiều bạn trẻ muốn sang học tập tại Úc như Duy Anh đã mòn mỏi chờ đợi, trong đó không ít bạn đã chuyển hướng sang một quốc gia khác hoặc chọn các chương trình liên kết.

Đến ngày 22-11, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết Úc sẽ cho phép du học sinh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 nhập cảnh từ hôm nay (1-12). Quyết định này đã làm sôi động các hội nhóm du học sinh Việt Nam trên các trang mạng xã hội đang chờ được nhập cảnh bấy lâu nay. Nhiều bạn nhanh chóng đặt vé máy bay, đặt thuê nhà trọ ngay những ngày đầu tháng 12.

Tưởng chừng câu chuyện đã kết thúc "có hậu" tại đây nhưng ngày 29-11, tức chỉ 2 ngày trước thời điểm mở cửa, Thủ tướng Scott Morrison thông báo kế hoạch này phải hoãn ít nhất thêm 2 tuần nữa tới ngày 15-12 vì biến chủng mới Omicron. "Đây là quyết định tạm thời và cần thiết dựa trên khuyến cáo y tế với mục tiêu đảm bảo Úc có thể tìm hiểu nhiều hơn về biến chủng mới" - ông Scott Morrison nói.

Vậy là kế hoạch của Duy Anh và nhiều bạn trẻ tiếp tục phải kéo dài. Duy Anh đã đặt chuyến bay từ TP.HCM đi Melbourne vào ngày 14-12 nhưng buộc lòng hủy vé và cũng chưa biết cụ thể ngày cất cánh. "Mình sợ nếu biến chủng mới nguy hiểm bên Úc cũng có thể tiếp tục đóng thêm vài tuần hoặc thậm chí cả tháng" - Duy Anh, sinh viên ngành kinh doanh tại ĐH La Trobe (Úc), nói.

Cần cập nhật thông tin

Giám đốc một trung tâm tư vấn du học lớn chuyên thị trường Úc tại TP.HCM cho biết sau thông tin mở cửa biên giới vào ngày 1-12 của Thủ tướng Scott Morrison, có gần 40 du học sinh của trung tâm đặt vé máy bay sang Úc ngay trong tháng 12 để hoàn tất các học phần trực tiếp. Phần lớn các bạn là những người đã kiên trì chờ đợi trong suốt gần 2 năm qua để được đặt chân đến Úc. Điểm đến của các bạn phần lớn ở hai bang New South Wales và Victoria.

Ông Lâm Minh Khoa, đại diện ĐH Newscatle (Úc), cho rằng hiện nay các du học sinh chuẩn bị đến Úc cần thường xuyên cập nhật hằng ngày những diễn biến mới nhất vì nhìn chung các thông tin đang thay đổi rất nhanh chóng. Đặc biệt lưu ý đến các loại vắc xin được Úc công nhận. 

Hiện nay, Úc chưa công nhận vắc xin Sputnik V, riêng vắc xin Sinopharm chỉ công nhận loại được sản xuất tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Nắm được những điều này sẽ giúp du học sinh tránh được những rủi ro bị từ chối nhập cảnh một cách đáng tiếc.

Ông Khoa cho biết thêm trước diễn biến còn khó lường của dịch bệnh, nhiều trường đại học ở Úc tiếp tục mở rộng các chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế. Nhiều trường đã điều chỉnh giờ dạy cho phù hợp với các bạn châu Á. Trước nay, tiết học sáng thường bắt đầu vào 9h giờ Úc tức khoảng 5h-6h sáng giờ Việt Nam. Trong thời gian tới, một số trường sẽ dời lịch để buổi học diễn ra vào lúc 7h-8h Việt Nam, tạo sự thuận tiện hơn cho sinh viên.

"Duyên tới thì đi"

Bạn Nguyễn Ngọc Tố Uyên (19 tuổi, TP.HCM) đã nhiều lần thay đổi kế hoạch vì "giấc mơ Úc" của mình. Học xong lớp 12 cũng là lúc Úc đã đóng cửa biên giới, Uyên rẽ hướng học chương trình chuyển tiếp giữa Viện ISB (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) và ĐH Macquaire (Úc).

Uyên kể lúc đầu mình chỉ dự định học 1 năm đến tháng 7-2021 thì chuyển tiếp nhưng vì Úc vẫn chưa cho sinh viên quốc tế nhập cảnh, Uyên phải học tiếp chương trình tại Việt Nam thêm nửa năm. Nghĩa là trên lý thuyết, thời điểm kế tiếp Uyên chờ đợi mình có thể sang Úc là vào tháng 2-2022.

Uyên tâm sự: "Mình từng thấy hụt hẫng lắm vì đã đợi rất lâu. Nhưng giờ mình thấy quen rồi nên không còn quá kỳ vọng trước những cột mốc mở cửa từ phía Úc. Mình thấy khi nào duyên tới thì sẽ đi và cũng xác định sẽ có thể phải học hoàn toàn các chương trình online".

Du học sinh đến Đức được tạo nhiều điều kiện

Đức cũng là một trong những quốc gia ghi nhận làn sóng tái bùng phát dịch COVID-19 trong mùa đông năm 2021. Tuy nhiên theo bà Trần Thị Út Anh Đào, giám đốc Công ty Eurolink Education - chuyên thị trường du học Đức, hiện tại sinh viên quốc tế đến Đức vẫn được tạo nhiều điều kiện về nhập cảnh và tiêm vắc xin.

Các trường hiện cũng đang hỗ trợ sinh viên trong các học phần để không phải học online quá nhiều. Ở một số ngành nghề thiếu nhân lực như điều dưỡng, hồ sơ của sinh viên cũng sẽ được linh động.

Vì vậy chỉ trừ giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9-2020, còn lại theo bà Đào, số lượng sinh viên Việt Nam đến Đức vẫn không mấy suy giảm dù gặp điều kiện dịch bệnh. "Thường thì những lo lắng thường đến nhiều hơn từ phía các phụ huynh khi sợ con một mình học tập ở nước ngoài mà dịch bệnh vẫn còn căng thẳng.

Cùng với đó, việc cấp visa ngắn hạn cho các gia đình sang thăm con vẫn tương đối khó khăn. Tuy nhiên nhìn chung các du học sinh Việt Nam ở Đức sẽ nhận được những sự chăm sóc y tế như những người bản địa nên phụ huynh không cần quá lo lắng" - bà Đào nói.

Mừng và lo khi du học vào mùa Mừng và lo khi du học vào mùa

TTO - Học kỳ mùa thu, đợt nhập học quan trọng nhất, thường chiếm đến 70% lượng sinh viên quốc tế mới ở những thị trường du học lớn, đang chứng kiến những trạng thái trái ngược nhau: người cười nụ, kẻ khóc thầm...

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên