23/12/2016 10:51 GMT+7

Đủ cung cấp 100% thịt có khả năng truy xuất nguồn gốc

D.TUẤN
D.TUẤN

TTO - Theo thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, hiện có sự tham gia của 15 DN, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại, có khả năng cung cấp 100% lượng thịt tiêu thụ cho thị trường TP.HCM tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Trong đó, nhiều DN có thương hiệu và quy mô lớn với quy trình sản xuất hiện đại và khép kín như: Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed VN, Tập đoàn Masan, Công ty TNHH Anh Hoàng Thy, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty CP nông nghiệp Velmar, Công ty TNHH TM-SX Trại Việt, Công ty CP Anova Farm...

Ngoài ra, có 11 cơ sở giết mổ đã đăng ký tham gia, trong đó 2 cơ sở tại TP.HCM là An Hạ và Vissan với năng suất giết mổ từ 4.000 - 5.000 con/ngày, chiếm hơn 50% lượng heo tiêu thụ mỗi ngày trên địa bàn; 3 cơ sở giết mổ tại Đồng Nai với năng suất giết mổ từ 800 - 1.000 con/ngày; 5 cơ sở giết mổ tại Long An với năng suất giết mổ 2.000 - 2.500 con/ngày và 1 cơ sở tại Bình Dương với năng suất 200 - 300 con/ngày.

Trong giai đoạn 1, hoạt động phân phối sản phẩm truy xuất chủ yếu thông qua kênh bán lẻ hiện đại với 5 hệ thống siêu thị (gồm 59 siêu thị), gồm Co.op Mart (34 siêu thị), Satramart (2 siêu thị), Big C (8 siêu thị), Aeon (2 siêu thị) và AeonCitimart (13 siêu thị).

Ngoài ra, có 4 hệ thống cửa hàng tiện lợi với 96 cửa hàng, gồm Co.op Food, Satrafood, Sagrifood và Vissan.

Riêng chợ truyền thống hiện có hai chợ đầu mối kinh doanh thịt heo là Bình Điền và Hóc Môn tham gia, chiếm hơn 80% sản lượng thịt cung ứng cho thị trường thành phố.

Có 4 chợ bán lẻ triển khai thí điểm, gồm Bến Thành, An Đông, Hòa Bình và Thái Bình, với gần 100% tiểu thương kinh doanh thịt heo đăng ký tham gia.

Theo quy trình truy xuất, heo tại các trại chăn nuôi được đeo một vòng nhận diện vào hai chân sau, vòng này sẽ kích hoạt chế độ theo dõi cho đến khi heo xuất chuồng. Nếu đạt chuẩn, heo được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y điện tử trước khi chuyển vào cơ sở giết mổ.

Trong quá trình mổ, người kiểm dịch xác nhận đủ tiêu chuẩn bằng cách đóng mộc lên heo, đóng tem vệ sinh thú y điện tử. Thương nhân, tiểu thương, người nhập hàng có trách nhiệm quét để kích hoạt thông tin lô hàng.

Tại điểm bán lẻ, người bán sẽ dùng tem để dán trực tiếp lên sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ cần có phần mềm quét là truy xuất được nguồn gốc sản phẩm từ khâu chăn nuôi.

* Ông Nguyễn Kim Đoán (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai)

Nên có chính sách hỗ trợ những hộ chăn nuôi nhỏ

Sau nhiều tháng vận động, đến nay Đồng Nai đã huy động được nhiều doanh nghiệp và trang trại tham gia chương trình nuôi heo truy xuất nguồn gốc với quy mô hàng chục nghìn con.

Ngoài việc đáp ứng hàng chục tiêu chí như phải có nhật ký ghi chép, chuồng trại có lưới rào khép kín và đặc biệt là trại nuôi phải được chứng nhận VietGAP (heo an toàn).

Tuy nhiên, một số trại chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn chưa tích cực tham gia. Bởi ngoài chi phí đầu tư chuồng trại và các khâu đạt chuẩn, để được cấp chứng nhận VietGap, chủ trại nuôi phải tốn chi phí từ 50-60 triệu đồng để thuê đơn vị độc lập tư vấn thiết kế và thẩm định các khâu liên quan.

Do đó, ngoài việc tuyên truyền về những lợi ích của việc chăn nuôi sạch, cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ kinh phí hoặc hướng dẫn kỹ thuật nuôi theo hướng VietGap cho những hộ chăn nuôi này.

NGUYỄN TRÍ

D.TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên