Tuổi Trẻ Online xin chia sẻ ý kiến của ông Nguyễn Khoa Hồng Thành - một chuyên gia truyền thông - về dự án xe đạp 3D SuperStrata của bà Lê Diệp Kiều Trang.
Một trong những vấn đề được cộng đồng đặt ra là vì sao xe đạp 3D SuperStrata của Avero lại phải được đặt hàng “mua" trên trang Superstrata.bike, dù người dùng tham gia với tư cách tài trợ (donate) cho dự án được gọi vốn cộng đồng trên Indiegogo.
Nói cách khác, người dùng cảm thấy mình bị “lừa" trở thành người mua sản phẩm nhưng lại núp dưới danh nghĩa tài trợ dự án của một công ty start-up.
Indiegogo liên quan đến SuperStrata như thế nào?
Để làm rõ vấn đề đây có phải là một chiêu trò vẽ đường vòng để lừa đảo không, chúng ta cần hiểu rõ về bản chất và quy trình thao tác trên trang web gọi vốn cộng đồng Indiegogo và trang đặt hàng chính thức là Superstrata.bike.
Indiegogo là một trang gọi vốn cộng đồng, chỉ để mọi người gọi vốn ở trên đó. Tuy nhiên, khi lựa chọn xe, người dùng phải cung cấp những thông tin cá nhân cho chủ dự án, như: địa chỉ giao hàng, số đo chiều dài tay chân để in sườn xe ra phù hợp với từng người…
Những chức năng này không thể hiện được trên Indiegogo. Do đó, cần phải có một trang để tiếp nhận các thông tin này và Superstrata.bike ra đời để phục vụ việc đó.
Về mặt dài hạn, khi thương mại hóa thì trang này cũng là trang bán hàng khi mọi thông tin tùy chọn về sản phẩm đã có sẵn.
Khi người dùng tài trợ (donate) phía bên trang Indiegogo xong, giống như họ được cấp một voucher (phiếu quà tặng). Cụ thể trong trường hợp này, người dùng tài trợ 999 USD sẽ tương ứng với một chiếc xe có giá 2.800 USD trên trang SuperStrata.
Lúc này, thay vì bỏ 2.800 USD, người dùng chỉ cần nhập code 999 USD đã donate ở bên Indiegogo thì sẽ được xác nhận đặt chiếc xe tương ứng.
Bên cạnh đó, Superstrata.bike có thể được xây dựng ra với tầm nhìn phục vụ cho thương mại sau này, nên những tính năng và giao diện trên đó là một trang thương mại điện tử.
Tuy vậy, ở thời điểm chiến dịch gọi vốn, những thông tin, câu chữ như là order, receipt (hóa đơn)... trên Superstrata.bike - là những tính năng và chức năng của một trang thương mại điện tử - đã gây cho mọi người hiểu đây là chuyện mua bán sản phẩm, chứ không phải tài trợ.
Do đó, nếu không hiểu rõ quy trình đi từ trang web gọi vốn cộng đồng Indiegogo đến trang chính thức là Superstrata.bike, nhiều người có thể đặt ra “thuyết âm mưu” Arevo vẽ đường vòng để lừa đảo.
Start-up nên minh bạch thông tin
Dưới góc độ một người từng khởi nghiệp, tôi nhận thấy muốn rút ra bài học từ một thất bại thì mình nên tập trung vào những yếu tố khách quan hơn là những cái gọi là thuyết âm mưu, mà thật ra thuyết âm mưu này do việc hiểu chưa đúng và đủ.
Với nhận định Arevo cố tình lừa đảo người đóng góp từ đầu, tôi nghĩ việc này không đúng. Theo thông tin từ một số báo chí đăng là Arevo đã gọi vốn được gần 70 triệu USD từ các quỹ đầu tư, trong đó có một phần gọi vốn trên Indiegogo khoảng 7 triệu USD.
Tạm không nói đến con số 7 triệu USD đóng góp từ cộng đồng, để có được mấy chục triệu USD còn lại của các VC (Venture Capital - Quỹ đầu tư mạo hiểm), chắc chắn Arevo đã phải trải qua rất nhiều vòng về due diligence (thẩm định chuyên sâu) đối với kế hoạch kinh doanh. Do đó, tôi cho rằng những suy luận theo hướng Arevo lừa đảo là có phần ác ý.
Chuyện khởi nghiệp thất bại là “như cơm bữa”. Tuy nhiên, vì chị Lê Diệp Kiều Trang đã có một sự thành công rất lớn trước đó với Misfit nên kỳ vọng cho dự án lần này rất là cao.
Công ty cũng phải trải qua nhiều khó khăn và không vượt qua được, nhưng điều đáng bàn ở đây là thiếu sót cập nhật thông tin và sự khéo léo trong cư xử đã khiến khách hàng phật lòng thay vì cảm thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận