Khu vực dự án lấn sông Đồng Nai - Ảnh tư liệu |
Cũng trong chiều qua, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai - người phụ trách trực tiếp lĩnh vực tài nguyên nước - cho biết trước mắt Bộ TN-MT đã chỉ đạo các đơn vị của bộ kiểm tra.
Liên quan đến tài nguyên nước
“Báo cáo đánh giá tác động môi trường thì tỉnh phê duyệt rồi, nhưng báo cáo đánh giá tác động đó chỉ nói về phần xây dựng ở bên trên sông. Còn Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai chỉ có chức năng về bảo vệ môi trường của lưu vực sông, giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng nước, các cơ sở gây ô nhiễm, nguồn xả thải trên lưu vực sông. Cho nên vấn đề chính ở đây là liên quan đến tài nguyên nước và hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ hành lang sông” - ông Tuyến nói.
Theo ông Tuyến, vấn đề chi phối của dự án này không hẳn là vấn đề môi trường, mà là chi phối của Luật tài nguyên nước, đây là vấn đề liên quan đến chỉnh trị dòng sông.
Theo đó, những nội dung mà dự án liên quan là điều 31 của Luật tài nguyên nước về hành lang bảo vệ nguồn nước; hoặc như khoản 5, điều 9 của luật này có quy định các hành vi nghiêm cấm xâm phạm hành lang bảo vệ nguồn nước.
Hôm qua, đại diện Văn phòng Chính phủ cũng đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để nghe báo cáo về tính pháp lý của dự án cải tạo cảnh quan và đô thị ven sông Đồng Nai.
Tại buổi làm việc, các sở ngành liên quan đến việc thẩm tra, đánh giá dự án trên đã trình bày quá trình phê duyệt, cấp phép cho dự án.
Qua đó, đại diện địa phương đều bảo lưu quan điểm dự án này được cấp phép đúng trình tự thủ tục pháp luật. Sau khi nghe báo cáo, đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ chưa có ý kiến gì về dự án này.
Không cần phải báo cáo bộ, ngành?
Chưa hỏi ý kiến của Bình Dương Chiều 25-3, ông Trần Văn Nam - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết hiện nay việc lấy ý kiến đối với những dự án liên quan tới bờ sông cũng có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định, nhưng chưa thật sự rõ ràng. Thông thường với những dự án có tác động lớn như làm thủy điện chắc chắn phải lấy ý kiến của các tỉnh có dòng sông đi qua. Còn với những dự án có tính chất cục bộ của từng tỉnh có thể không cần phải xin ý kiến các tỉnh. Riêng về dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị dọc bờ sông Đồng Nai, ông Nam cho biết đến nay UBND tỉnh Bình Dương không nhận được ý kiến trao đổi nào từ UBND tỉnh Đồng Nai. BÁ SƠN |
Ngày 25-3, ông Nguyễn Thanh Lâm - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai - cho biết dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai nằm trong quy hoạch của tỉnh, sau khi các sở ngành liên quan có ý kiến, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định chấp thuận cho Công ty Toàn Thịnh Phát đầu tư dự án.
Ông Lâm cho hay dự án hơn 8,4ha nằm dọc sông Đồng Nai, có gần 77% diện tích đất dành cho cây xanh, công viên, đường giao thông và các tiện ích phục vụ công cộng. Dự án chỉ có 23% đất xây dựng.
Ông Lâm khẳng định tỉnh cấp phép cho Công ty Toàn Thịnh Phát là đúng chức năng, không cần phải xin ý kiến Bộ Xây dựng.
Chủ đầu tư cũng từng xin ý kiến các nhà chuyên môn, người dân trước khi thực hiện dự án.
“Không có quy định nào lấy hết ý kiến toàn dân ở vùng dự án. Vấn đề là công khai rộng rãi lấy ý kiến đại diện ở cộng đồng ra sao” - ông Lâm nhấn mạnh.
Về việc không lấy ý kiến các bộ ngành và các địa phương khác, đại diện Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai nói:
“Dù đây là dự án nằm trên lưu vực sông Đồng Nai nhưng là dự án của địa phương nhằm tạo cảnh quan và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, không nằm trong đề án sông Đồng Nai nên không phải xin ý kiến”.
Trước nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng dự án có dấu hiệu vi phạm Luật tài nguyên nước, Sở TN-MT cho rằng đây là dự án cải tạo bờ kè và theo quy định ở khoản 5, điều 63 của Luật tài nguyên nước thì UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện những biện pháp bảo vệ lòng, bờ bãi sông trên địa bàn.
Ảnh hưởng các địa phương lân cận
Theo GS.TS Nguyễn Ân Niên - Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM, việc lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng triển khai dự án không cần báo cáo các bộ ngành liên quan cũng như tham vấn các địa phương khác là chưa hết trách nhiệm.
Sông Đồng Nai là con sông liên vùng, mọi sự tác động đều có thể ảnh hưởng không chỉ riêng ở Đồng Nai mà còn các địa phương lân cận. Hiện phía trên dự án này là trạm thu nước thô Hóa An (nguồn nước cho Nhà máy nước Thủ Đức và Nhà máy nước BOO Thủ Đức xử lý, cung cấp lại cho người dân TP.HCM), còn phía dưới là TP.HCM.
Nếu đánh giá không kỹ, dự án làm tăng khả năng xâm nhập mặn cho khu vực lấy nước của trạm bơm Hóa An sẽ ảnh hưởng đến cấp nước cho TP.
“Trước khi triển khai dự án quy mô như vậy, theo tôi, cần phải lấy ý kiến tham vấn các địa phương trong Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Việc lấy ý kiến này phải do một đơn vị độc lập làm để đảm bảo tính khách quan” - ông Niên nói.
Đối với thẩm quyền quyết định thực hiện dự án, bà Lâm Thị Thu Sửu - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội, điều phối viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - một lần nữa khẳng định sông Đồng Nai là sông liên tỉnh, cung cấp nước cho hàng triệu dân các tỉnh thành như Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... nên phải tuân thủ theo nghị định 201/NĐ của Chính phủ cũng như Luật tài nguyên nước, đồng thời phải có sự cho phép của Bộ TN-MT cũng như ý kiến, tham vấn của các bộ ngành, tỉnh thành có liên quan.
Riêng về ý kiến của chính quyền địa phương cho rằng việc làm dự án là lấp lại khu vực sạt lở trước đây, một số chuyên gia phân tích trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án có báo cáo trình bày về kết quả khảo sát khu vực cù lao Phố từ năm 1982-2007 và kết quả khảo sát mặt cắt địa hình tại khu vực dự án vào năm 2013, qua đó cho thấy trong thời gian khoảng 25 năm, cao trình cũng như mặt cắt ngang của dòng sông thay đổi rất ít.
Dựa vào những thông số kỹ thuật trong bản báo cáo đánh giá tác động môi trường, KTS Lê Công Sĩ cho biết nơi mà tỉnh Đồng Nai đang cho triển khai dự án lấn sông bị sạt lở không đáng kể.
Theo ông Sĩ: “Các số liệu cao trình, mặt cắt ngang gần như cố định, có biến đổi nhưng rất ít. Việc lấn sông triển khai ra xa so với bờ hiện tại chắc chắn ảnh hưởng đến dòng chảy chính”.
Lo ngại ảnh hưởng nguồn nước cho TP.HCM Ngày 25-3, ông Bùi Thanh Giang - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) - cho biết đã có kiến nghị UBND TP.HCM làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để đánh giá tác động của dự án lấn sông Đồng Nai đối với việc cung cấp nguồn nước cho người dân TP. Theo Sawaco, việc lấn sông Đồng Nai để tạo diện tích xây dựng “phố trên sông” sẽ gây thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh vật thủy sinh của sông và gây tác động xói lở phía bờ đối diện, từ đó có thể gây ảnh hưởng đến vành đai thu nước và công trình thu nước thô của các nhà máy nước nằm dọc tuyến sông này. Sawaco cho rằng việc xây dựng dự án “phố trên sông” cũng sẽ tác động đến môi trường khiến chất lượng nước trở nên xấu hơn. Trong khi đó, ông Phạm Thế Tăng, trưởng phòng kế hoạch - kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Đồng Nai, lại khẳng định vị trí lấy nước cung cấp cho TP.HCM nằm ở thượng lưu sông Đồng Nai - phía trên cầu Hóa An (cách vị trí dự án khoảng 3km) nên không có cơ sở để nói ô nhiễm. TP.HCM đang mua nước của một công ty ở Bình Dương nằm ở vùng hạ lưu nhưng nằm rất xa nơi dự án đang thi công. Cũng theo ông Tăng, hệ thống quan trắc nước sông Đồng Nai là hệ thống quan trắc tự động được thực hiện liên tục 24/24 giờ. Qua kiểm tra các chỉ số trước và sau khi thi công dự án đều cho thấy không có sự khác biệt gì. QUANG KHẢI - HÀ MI |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận