01/04/2019 14:02 GMT+7

Dự án khởi nghiệp giúp bệnh nhân giảm 90% thời gian chờ đợi

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Rời cuộc thi khởi nghiệp tại TP.HCM với giải nhất năm 2015, đến nay giải pháp đăng ký và theo dõi khám bệnh thông minh của Nguyễn Khoa Tuấn Anh cùng đồng đội đã tiến những bước dài hơn, sẵn sàng 'bước' vào bệnh viện.

Dự án khởi nghiệp giúp bệnh nhân giảm 90% thời gian chờ đợi - Ảnh 1.

Nguyễn Khoa Tuấn Anh (bìa trái) cùng các bạn trong dự án thuyết minh trước hội đồng thẩm định khi đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Ảnh: Q.L.

Cùng với hoàn chỉnh, nâng cấp tính năng, tiện ích để giải pháp ngày càng thuận tiện hơn, nhóm thực hiện đã đăng ký và vừa bảo vệ trước hội đồng thẩm định thuộc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM để chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cuối tuần qua.

Nếu hướng tới mục tiêu bệnh viện thông minh thì đây cũng chỉ là một trong số những giải pháp nhưng là giải pháp xã hội đang cần và nếu được ứng dụng rộng rãi sẽ rất tốt.

Ông NGUYỄN KHẮC THANH (phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM)


Giảm 90% thời gian chờ

Chuyện quá tải ở hầu hết các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến cuối không còn quá mới. Thống kê của ngành y tế trung bình mỗi bệnh nhân sẽ phải chờ 70 phút mỗi lần đến khám, và mới có trên 15% bệnh viện tuyến trung ương hoặc cấp tỉnh thực hiện đăng ký khám qua điện thoại.

Những con số ấy gợi mở cho nhóm nhiều ý tưởng nên quyết định bắt tay viết những dòng đầu tiên thuyết minh cho dự án khởi nghiệp đăng ký và theo dõi khám bệnh thông minh.

"Đấy là một câu chuyện xã hội rất thực tế, bệnh nhân khổ đã đành mà bệnh viện cũng vất vả không kém để đảm bảo trật tự, điều trị tốt nhất trong điều kiện luôn ở trạng thái quá tải. Tụi mình muốn cùng giải quyết thực trạng này" - Tuấn Anh nhớ lại.

Theo khảo sát của các bạn, bệnh nhân khi đi khám sẽ đến sớm, thường phải chờ rất lâu mà không thể biết đến bao giờ mới tới lượt vào khám dù cầm số thứ tự trên tay. Giải pháp của nhóm cho phép bệnh nhân đăng ký qua trang web, tin nhắn, tổng đài, chatbot.

Chỉ cần điện thoại có ứng dụng và bệnh viện mình muốn đến khám có kết nối hệ thống, bệnh nhân hoàn toàn có thể ngồi nhà đăng ký, nhận số thứ tự và cập nhật lượt khám qua tin nhắn, ứng dụng để tính được khi nào đến bệnh viện là phù hợp.

Chưa kể, khi bệnh nhân được chỉ định kiểm tra nhiều mục khác nhau trong cùng một lần khám, hệ thống sẽ cập nhật, báo qua tin nhắn thứ tự tại các phòng có mục bệnh nhân cần kiểm tra. Điều này giúp người bệnh chủ động sắp xếp đến phòng nào trước, phòng nào sau.

"Với các bệnh viện đã sử dụng hệ thống, qua khảo sát cho thấy bệnh nhân giảm đến 90% thời gian chờ đợi, đỡ vất vả hơn cho bệnh nhân và cả bệnh viện" - anh Tuấn Anh cho biết.

Chưa tính đến lợi nhuận

Tại buổi bảo vệ đề án đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các thành viên trong hội đồng thẩm định đều lưu ý nhóm về đăng ký sở hữu trí tuệ và vấn đề bảo mật thông tin của bệnh nhân.

Tuy nhiên, thành viên phụ trách mảng kỹ thuật của dự án cho biết hoàn toàn không lo ngại về việc bảo mật bởi hệ thống chỉ tiếp nhận nhu cầu đăng ký khám và cấp số thứ tự tự động, không can thiệp đến thông tin của bệnh nhân hay bệnh viện.

TS Nguyễn Huy Hùng (ĐH Sài Gòn) gợi mở: "Ngoài đăng ký có nên tính đến khả năng hệ thống giúp tư vấn cho bệnh nhân không?". Hay TS Nguyễn Minh Sơn (ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng phải cho bệnh viện thấy được lợi ích mới thuyết phục họ mua được, chưa kể quá trình vận hành, bảo trì hệ thống ra sao khi sử dụng.

Hiện hệ thống đã được năm bệnh viện mua và sử dụng, còn khá khiêm tốn so với số cơ sở y tế tại TP.HCM và cả nước. Tuấn Anh cho biết để trang bị một hệ thống như vậy, với quy mô bệnh viện quận, huyện cần khoảng 600 triệu đồng, bệnh viện lớn hơn từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng cho các thiết bị cần thiết.

"Tụi mình tiếp cận, giới thiệu và chạy thử cho một số bệnh viện biết về giải pháp này song nhiều nơi vẫn hứa sẽ tính thêm" - anh Đạt, phụ trách mảng kinh doanh của dự án, nói.

Giải pháp này từng được giới thiệu với lãnh đạo TP.HCM ở nhiều cuộc gặp khác nhau. Tuấn Anh cho biết các bạn sẵn sàng chia sẻ cho bệnh viện dùng miễn phí sáu tháng để kiểm tra, đánh giá tiện ích của hệ thống trước khi quyết định.

"Chúng tôi chưa tính đến lợi nhuận, cái chính vẫn là mong muốn cùng giải quyết vấn đề, nhu cầu xã hội đặt ra. Thực ra nếu dùng ngân sách trang bị cho các tuyến bệnh viện quận, huyện chắc là không quá khả năng của TP.HCM" - Tuấn Anh bày tỏ.

Khích lệ tinh thần khởi nghiệp

Báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức Giải golf Tournament for start-up 2019 vào ngày 4-4 tại sân golf Long Thành. Hoạt động góp phần khích lệ tinh thần, cổ vũ các đầu tàu khởi nghiệp thanh niên để hướng đến mục tiêu quốc gia khởi nghiệp. Đồng thời mừng 88 năm ngày thành lập Đoàn, khuyến khích tinh thần thể thao ở cộng đồng, kết nối các doanh nghiệp, thêm cơ hội giao lưu giữa cộng đồng trong và ngoài nước.

Ban tổ chức trích kinh phí tổ chức và sẽ trao hỗ trợ một số start-up tiêu biểu tại TP.HCM ngay sau giải đấu, với sự đồng hành của các đơn vị: Phong Phú, FE Credit, 194 C.I.C, IDICO...

Kỹ sư 8X khởi nghiệp từ hoa lá Kỹ sư 8X khởi nghiệp từ hoa lá

TTO - Với bằng kỹ sư hóa sinh cùng mong ước trả lại vị thế vốn có cho trà thảo mộc Việt, Lục Anh Minh ngày đêm chế tác và quyết tâm khởi nghiệp từ những sản phẩm được làm hoàn toàn từ hoa lá.

Dự án khởi nghiệp giúp bệnh nhân giảm 90% thời gian chờ đợi - Ảnh 5.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên