14/03/2021 09:23 GMT+7

Dự án đường vành đai ở TP.HCM, Hà Nội: Khi nào 'hồi sinh'?

T.DUNG - Đ.PHÚ
T.DUNG - Đ.PHÚ

TTO - Một số dự án đường vành đai tại TP.HCM, Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng để cải thiện hạ tầng giao thông, kết nối các vùng, phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng những con đường này mãi nằm im, chưa hoàn thành.

Dự án đường vành đai ở TP.HCM, Hà Nội: Khi nào hồi sinh? - Ảnh 1.

Dự án đường vành đai 2 đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, TP Thủ Đức (TP.HCM) dài 2,7km đang phải tạm dừng suốt hai năm nay để chờ rà soát lại hợp đồng BT, điều chỉnh tổng mức đầu tư (ảnh chụp trưa 13-3) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại TP.HCM, riêng đường vành đai 2 từ khi được phê duyệt đầu tư đến nay đã 14 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Vậy các cơ quan đã có giải pháp gì để làm "sống lại" những đường vành đai này, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

4 đoạn chưa hoàn thành

Theo Sở GTVT TP.HCM, đường vành đai 2 đến nay còn khoảng 14km (chia làm 4 đoạn) chưa thể hoàn thành, khép kín. Cụ thể, dự án đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài 3,5km có tổng mức đầu tư 9.047 tỉ đồng. Đoạn 2 từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5km có tổng mức đầu tư 5.569 tỉ đồng. Đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) dài 5,3km, rộng 60m, có tổng mức đầu tư 9.240 tỉ đồng.

Còn với dự án đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (TP Thủ Đức) dài 2,7km, rộng 67m, đã thi công vào cuối tháng 12-2017. Đến nay, công trình đã thi công đạt 50% nhưng đang phải tạm dừng suốt 2 năm nay để chờ rà soát lại hợp đồng BT, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Theo ghi nhận, đến thời điểm này tại công trường dự án đoạn 3 vẫn chưa có dấu hiệu thi công trở lại. Nhà đầu tư dự án này là Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái cho hay sẽ tổ chức thi công trở lại khi đơn vị này và TP.HCM ký xong phụ lục hợp đồng để tiến hành thanh toán quỹ đất.

Trước tình hình trên, mới đây Sở GTVT TP đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành giải quyết các vướng mắc, khó khăn để sớm tiếp tục triển khai thi công hoàn thiện đối với dự án đoạn 3 đường vành đai 2. Trong đó, đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường và Sở Tài chính TP rà soát quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư.

Một cán bộ thuộc Sở GTVT TP phân tích hiện khu vực TP Thủ Đức có lưu lượng xe container rất lớn và chủ yếu lưu thông qua hai hướng xa lộ Hà Nội - Công nghệ cao - vành đai 2 - cảng Cát Lái và xa lộ Hà Nội - ngã ba Cát Lái - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống - cảng Cát Lái. Do đó, khu vực này thường xuyên kẹt xe, nhất là tại nút giao D1 - Công nghệ cao, ngã tư Bình Thái, ngã tư MK, ngã ba Cát Lái, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy.

"Với lượng xe như vậy, việc đầu tư xây dựng 2 đoạn tuyến vành đai 2 trên khu vực TP Thủ Đức sẽ phát huy hiệu quả việc vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng ở khu vực này, tránh gây lãng phí cho xã hội và mất an toàn giao thông cho khu vực. Mặt khác, áp lực giao thông tại tuyến Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội là rất lớn nên sau khi tuyến vành đai 2 hình thành sẽ giải quyết được tình trạng trên" - cán bộ này lý giải.

Dự án đường vành đai ở TP.HCM, Hà Nội: Khi nào hồi sinh? - Ảnh 2.

Nhiều dự án đường vành đai ở các đô thị lớn chậm triển khai do thiếu vốn, vướng đền bù... Trong ảnh: dự án đường vành đai 2 của TP.HCM tạm dừng thi công để rà soát lại hợp đồng BT - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Năm nay ráng hoàn thành 6km

Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng vành đai 2 là tuyến đường có vai trò rất quan trọng đối với mạng lưới giao thông TP. Bởi lẽ tuyến đường này giúp giảm một lượng lớn xe đi xuyên tâm qua TP, giải quyết ùn tắc giao thông nội ô TP.

Nói về giải pháp sắp tới, ông Phan Công Bằng - phó giám đốc Sở GTVT TP - cho biết trong năm 2021, các đơn vị sẽ chú trọng tháo gỡ các vấn đề về vốn, mặt bằng sớm hoàn thành các công trình trọng điểm. Trong đó, chú trọng khép kín đường vành đai 2, nút giao thông Mỹ Thủy, các tuyến kết nối hạ tầng cửa ngõ phía đông TP.

Trao đổi thêm, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP - cho hay đường vành đai 2 nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư trong năm nay, nhất là 2 đoạn dài 6km trên địa bàn TP Thủ Đức giúp giảm áp lực giao thông nội thành. 2 đoạn ưu tiên này gồm: đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái, vốn đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng và đoạn 2 từ nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5km, tổng đầu tư gần 5.570 tỉ đồng.

"Tuyến vành đai 2 giúp khai thác hiệu quả vận tải vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng ở khu vực phía đông TP, tránh gây lãng phí cho xã hội và mất an toàn giao thông cho khu vực. Mặt khác, áp lực giao thông tại tuyến Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội là rất lớn nên sau khi tuyến vành đai 2 hình thành sẽ giải quyết được tình trạng trên" - ông Phúc nói.

Dự án đường vành đai ở TP.HCM, Hà Nội: Khi nào hồi sinh? - Ảnh 3.

Hà Nội, TP.HCM đều chậm

Theo đánh giá của Bộ GTVT, tiến độ đầu tư đường vành đai đô thị của Hà Nội và TP.HCM đều chậm. Nguyên nhân chủ yếu do khả năng huy động nguồn lực của địa phương còn khó khăn trong khi tổng mức đầu tư các dự án lớn, nguồn lực khai thác quỹ đất ngày càng khó khăn, điều kiện thủ tục đầu tư dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng phức tạp, không khả thi với Hà Nội, TP.HCM.

Nguyên nhân thứ hai là nhiều địa phương chưa chủ động, chưa quan tâm huy động nguồn lực để đầu tư. Do đó đến nay vẫn chưa triển khai lập chủ trương đầu tư, đề xuất dự án làm cơ sở xác định, huy động nguồn lực đầu tư. Và thứ ba là các tuyến vành đai được quy hoạch với vai trò là tuyến giao thông kết nối vùng nhưng hiện chưa có cơ chế, chính sách đặc thù trong triển khai, huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư.

Đối với đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 Hà Nội, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng giao bộ này chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện. Với đường vành đai 4 vùng TP.HCM và vành đai 5 vùng Hà Nội, Bộ GTVT kiến nghị tiếp tục triển khai theo quy hoạch. Thủ tướng yêu cầu các địa phương liên quan rà soát quy mô, bố trí nguồn lực đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách trung ương để đầu tư.

TUẤN PHÙNG

Đường vành đai 3, 4 chuyển động

qd_vanhdai4_quoclo13_2 1(read-only)

Đường vành đai 4 giao với quốc lộ 13 đoạn qua thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đường vành đai 3 và 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đường vành đai 4 dài 198km đi qua 5 tỉnh thành Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Nay chỉ mới có một đoạn Bến Lức - Hiệp Phước đang được Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Các đoạn còn lại chưa có kế hoạch đầu tư.

Còn đường vành đai 3 dài 89km, theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, đi qua Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM phải được xây dựng hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên đến nay, đường này mới chỉ làm được đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương.

Đầu năm 2021, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho hay dự kiến quý 3 năm nay dự án thành phần 1A thuộc đoạn 1 (Nhơn Trạch - Tân Vạn của dự án đường vành đai 3) sẽ được khởi công. Dự án có tổng chiều dài khoảng 8,75km, gồm 6,3km thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai và 2,45km nằm trên địa bàn TP.HCM kéo dài từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Công trình này có tổng mức đầu tư khoảng 5.329 tỉ đồng, thực hiện bằng vốn ODA thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF (gần 4.200 tỉ đồng), còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ.

Ngay sau cuộc họp trực tuyến kết nối giao thông các khu vực: Đông Nam Bộ, sân bay Long Thành, Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề nghị đẩy nhanh tiến độ khép kín hệ thống đường vành đai TP.HCM, trong đó hoàn thành vành đai 2 trước năm 2023. Còn vành đai 3, vành đai 4 hoàn thành trước năm 2030, ưu tiên làm trước đoạn kết nối đến sân bay Long Thành (6 - 8 làn xe) và đoạn kết nối sân bay Long Thành đến Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) quy mô 6 - 8 làn xe giai đoạn 2021 - 2025.

Đường liên vùng càng khó làm

vai dai 3 hn 1

Đường vành đai 3 Hà Nội đã hoàn thành nhưng hiện cũng quá tải - Ảnh: NAM TRẦN

Sau nhiều năm kết hợp cải tạo, nâng cấp các tuyến đường cũ và xây mới nhiều đoạn, Hà Nội có 3 tuyến đường vành đai đã cơ bản hoàn thành là vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3.

Tuy nhiên, dự án đường vành đai 4 (quy hoạch năm 2011), vành đai 5 (quy hoạch năm 2014) là tuyến giao thông kết nối thủ đô với các vùng lân cận nhưng đến nay ngoài các đoạn đường có sẵn, những con đường mới chưa được đầu tư.

3 đường vành đai nội ô đã xong

Đường vành đai 1 của Hà Nội được hình thành từ thời Pháp thuộc. Con đường có hình vòng tròn từ Nhật Tân theo đê sông Hồng đến đường Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - La Thành - Bưởi, đường Lạc Long Quân thuộc địa bàn 5 quận nội thành.

Trong nhiều năm qua, TP Hà Nội chủ yếu dùng ngân sách của TP để cải tạo, nâng cấp những tuyến đường đã có, kết hợp xây dựng các đoạn đường mới để khép kín đường vành đai 1. Thế nhưng hiện vẫn còn 2,27km đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục chưa hoàn thành. Đoạn này dự kiến được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức vốn ước khoảng 7.200 tỉ đồng.

Còn đường vành đai 2 cũng là tuyến giao thông nội ô khép kín của Hà Nội với tổng chiều dài 43,6km từ cầu Vĩnh Tuy - đường Minh Khai - đường Đại La - ngã tư Vọng - đường Trường Chinh - ngã tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - đường Bưởi - đường Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Võ Nguyên Giáp - đường Trường Sa - cầu Đông Trù - đường Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - đường Nguyễn Văn Linh - đường Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy.

Phần lớn đường vành đai 2 được mở rộng, nâng cấp từ những tuyến đường có sẵn trước đây kết hợp với một số đoạn làm mới từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội, vốn vay nước ngoài và đầu tư BT. Sau khi đầu tư khép kín, hiện nay đường vành đai 2 đang xây dựng phần trên cao đoạn cầu Vĩnh Tuy - ngã tư Sở, cầu Vĩnh Tuy 2 và chuẩn bị đầu tư đoạn ngã tư Sở - Cầu Giấy để nâng năng lực của tuyến đường.

Riêng đường vành đai 3 Hà Nội dài khoảng 65km được hình thành trên cơ sở kết nối các tuyến đường cũ và xây mới. Đây là tuyến đường qua các quận và huyện Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm từ đường Võ Văn Kiệt qua cầu Thăng Long về Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Pháp Vân - cầu Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp - Đông Anh.

Trải qua nhiều năm xây dựng, mở rộng bắt đầu từ đoạn cầu Thăng Long đến sân bay Nội Bài từ những năm 1990. Nguồn vốn đầu tư dự án từ ngân sách của Hà Nội, trung ương (ngân sách, vốn vay ODA). Đến năm 2010 đường vành đai 3 cơ bản khép kín theo quy mô được phê duyệt (còn đoạn từ Ninh Hiệp - Đông Anh kết nối với đường Võ Văn Kiệt vẫn sử dụng các tuyến đường cũ có mặt cắt nhỏ).

Đường vành đai 4, 5 chưa đầu tư

Từ năm 2011, theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, đường vành đai 4 Hà Nội có chiều dài 98km, quy mô cao tốc 4 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỉ đồng, đi qua 14 quận huyện, TP thuộc Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Theo phê duyệt, đoạn đường vành đai 4 qua Hà Nội phải hoàn thành trước năm 2018. Riêng các đoạn đường qua Hưng Yên, Bắc Ninh phải hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có TP Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT nhưng chưa phê duyệt (dài 53,52km). Còn 19km qua Hưng Yên và 21km qua Bắc Ninh chưa lập đề xuất đầu tư dự án.

Còn đường vành đai 5 được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2014 với chiều dài khoảng 348km, đoạn từ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến Hà Nội - Lạng Sơn quy mô cao tốc 4-6 làn xe. Riêng các đoạn còn lại là đường cấp II có 4-6 làn xe. Dự kiến đến năm 2030 hoàn thành thông tuyến đạt quy mô 4 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 59.000 tỉ đồng.

Đây là tuyến đường vành đai có tính chất liên vùng đi qua 8 tỉnh, TP (Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc) kết nối nhiều tuyến đường đã có kết hợp xây đường mới. Phần do Bộ GTVT đầu tư là 127,9km gồm các đoạn đi trùng đường quốc lộ, cao tốc. Đến nay đã đưa vào khai thác 25km đi trùng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai. Còn lại 102,9km đi trùng quốc lộ đã được đầu tư có quy mô 2 làn xe (đường Hồ Chí Minh, cầu Vĩnh Thịnh, tuyến nối 2 cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng) nhưng chưa được đầu tư quy mô 4 làn xe theo quy hoạch.

Riêng 183,2km đường vành đai 5 còn lại chưa được đầu tư. Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, TP tổ chức rà soát quy hoạch nghiên cứu phương án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác. Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm, cùng đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp với các đơn vị chuyên ngành của địa phương giải quyết nếu có vướng mắc về quy hoạch.

TUẤN PHÙNG

Hai đường vành đai Đà Nẵng hối hả thi công

anh1 12-3 danang duong vanh dai

Các đơn vị thi công thảm nhựa tuyến đường vành đai phía tây Đà Nẵng - Ảnh: V.HÙNG

Trên công trường đường vành đai phía tây, đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) dài hơn 19km đi qua 5 xã của huyện Hòa Vang với tổng vốn đầu tư 1.134 tỉ đồng đang được liên danh nhà thầu thảm nhựa một số đoạn tuyến.

Theo một cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư cho hay dự án có gần 1.600 hồ sơ giải tỏa đền bù đến nay đã cơ bản thực hiện áp giá, giao mặt bằng cho các đơn vị thi công nên tiến độ dự án được đẩy nhanh để nỗ lực hoàn thành cuối năm 2021.

Còn tại dự án tuyến đường vành đai phía tây 2 có lòng đường rộng từ 44-48m, tổng chiều dài 14,3km với vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Con đường này đi qua 7 xã, phường của huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu cũng đang được thi công khẩn trương từ hạng mục đường chính đến các khu tái định cư nằm dọc tuyến đường.

Theo chủ đầu tư Ban quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP, tuyến đường hình thành sẽ giúp kết nối cảng Liên Chiểu, các khu công nghiệp ở Liên Chiểu, Hòa Khánh với ga đường sắt mới, các trường đại học, khu dân cư đông đúc và Khu công nghiệp Hòa Cầm ở phía nam. Tuyến đường này hoàn thành sẽ giúp giải quyết bức xúc về sự gia tăng lưu lượng xe, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua trung tâm TP. Dự án đã được giải ngân hơn 26% giá trị hợp đồng và Ban quản lý dự án đang thúc đẩy các nhà thầu tăng cường năng lực thi công đúng với thời gian thực hiện dự án đến tháng 12-2022 theo hiệp định ký vay vốn Quỹ OFID.

V.HÙNG

Đường vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được Hàn Quốc thiết kế Đường vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được Hàn Quốc thiết kế

TTO - Tuyến đường vành đai 2 TP.HCM hiện đang quá tải, vì vậy kế hoạch khởi công xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM vào quí 3-2021 sẽ sớm kéo giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô TP.

T.DUNG - Đ.PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên