08/01/2023 08:07 GMT+7

Dự án cao tốc Bắc - Nam: Bộ Công an cảnh báo dấu hiệu chuyển nhượng thầu trái phép

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn một có tình trạng một số nhà thầu có dấu hiệu chuyển nhượng thầu, nhưng tư vấn giám sát, Ban quản lý dự án không biết, hoặc biết nhưng làm ngơ.

Dự án cao tốc Bắc - Nam: Bộ Công an cảnh báo dấu hiệu chuyển nhượng thầu trái phép - Ảnh 1.

Hình hài toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông - Đồ họa: Tuổi trẻ

Chuyển nhượng thầu trái phép ở dự án cao tốc Bắc - Nam: Tránh lặp lại giai đoạn 2

Cảnh báo được Bộ Công an đưa ra trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây về một số tình hình liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo đó, Bộ Công an đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhà thầu chuyển nhượng thầu trái phép.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 8654 gửi tới bốn bộ, ngành và 23 địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam chạy qua. Văn bản này được gửi theo báo cáo của Bộ Công an gửi Thủ tướng để các bộ, ngành địa phương nắm được thông tin nhằm khắc phục bất cập.

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn một (2017-2020) dài 652km, được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án thực hiện đầu tư công, 3 dự án thực hiện theo đầu tư BOT.

Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời, tổng khối lượng xây lắp tính đến hết tháng 11-2022 đạt khoảng 52,6%, chậm 3% so với kế hoạch.

Đối với bốn dự án thành phần được Thủ tướng giao phải hoàn thành trong năm 2022, chỉ có dự án Cam Lộ - La Sơn vừa khánh thành, ba dự án còn lại Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Dầu Giây - Phan Thiết chậm tiến độ ít nhất từ 4-6 tháng.

Cũng theo Bộ Công an, một số nhà đầu tư, nhà thầu khi dự thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn một đưa ra hồ sơ năng lực đáp ứng yêu cầu nhưng do tham gia thực hiện nhiều dự án cùng lúc, đến khi thi công phải dàn trải nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc cho nhiều dự án, không đảm bảo năng lực thi công, dẫn đến phải thuê thầu phụ thực hiện dưới hình thức núp bóng tổ, đội.

Một số nhà thầu không đáp ứng tiến độ bị chủ đầu tư điều chuyển khối lượng cho đơn vị khác trong liên danh nhà thầu, hoặc bổ sung nhà thầu khác thực hiện làm chậm tiến độ, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dự án cao tốc Bắc - Nam.

Dự án cao tốc Bắc - Nam: Bộ Công an cảnh báo dấu hiệu chuyển nhượng thầu trái phép - Ảnh 2.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn sẽ nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khan hiếm vật liệu, nhà thầu xoay xở đủ cách khi làm cao tốc Bắc - Nam

Bên cạnh đó, loạt những hạn chế khác trong xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn một cũng được Bộ Công an chỉ ra trong báo cáo gửi Thủ tướng. Đó là thiếu nguồn vật liệu thông thường như đá, cát, đất để thi công các dự án do công tác khảo sát, quy hoạch, quản lý, cấp phép khai thác của các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương…, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Chẳng hạn tại dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, mỏ Thống Nhất có trữ lượng 4,8 triệu m3 đã hết hạn cấp giấy phép; mỏ Sòng Văn đã đủ điều kiện khai thác nhưng chưa giải phóng mặt bằng, chưa làm đường vào mỏ.

Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết có sáu mỏ trữ lượng khoảng 6 triệu m3 trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép khai thác. Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có nhiều mỏ vật liệu gần dự án trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép khai thác, dẫn đến nhà thầu phải đưa nguồn vật liệu khai thác trái phép vào dự án.

Cụ thể, từ tháng 3-2022 đến tháng 5-2022 tại gói thầu XL3, dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Bộ Công an phát hiện nhà thầu thi công dự án đã mua 60.000m3 đất đắp K95 tại mỏ Đồng Vàng, thuộc xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (khai thác trái phép) để thi công dự án. 

Bộ Công an đã khởi tố vụ án và chuyển Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra theo thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Một bất cập khác trong thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn một cũng được Bộ Công an chỉ ra là giá nhiên liệu, nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị tăng cao, biến động rất nhanh, tăng nhiều so với dự toán gây khó khăn cho nhà thầu, nhà đầu tư, trong khi các cơ quan, chính quyền một số địa phương liên quan chưa điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá xây dựng kịp thời, thủ tục điều chỉnh giá, biến động giá vật liệu còn chậm.

Đơn cử như tại gói thầu XL04, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, giá dự toán vật liệu đá là 250.000 đồng/m3 nhưng giá hiện tại 330.000 đồng/m3; giá dự toán nhựa đường 10.500 đồng/kg, giá hiện tại khoảng 16.500 đồng/kg; giá dự toán cấp phối đá dăm loại 1 là 223.000 đồng/m3, giá hiện tại khoảng 340.000 đồng/m3.

Tương tự, gói thầu XL03 dự án Phan Thiết - Dầu Giây giá dự thầu đất đắp là 85.000 đồng/m3, giá hiện tại khoảng 155.000 đồng/m3; giá dự thầu đá bê tông nhựa 270.000 đồng/m3, giá hiện tại khoảng 497.000 đồng/m3.

Gói thầu XL14 dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 giá dự thầu đất đắp 84.000 đồng/m3, giá hiện tại khoảng 196.000 đồng/m3; giá dự thầu cấp phối đá dăm loại 1 là 138.400 đồng/m3, giá hiện tại khoảng 220.000 đồng/m3.

Bộ Công an cho rằng, đây là những nguy cơ dẫn đến gia tăng hoạt động khai thác, tiêu thụ khoáng sản trái phép, không kiểm soát được nguyên vật liệu đầu vào khi dự án bị sức ép về tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Dự án cao tốc Bắc - Nam: Bộ Công an cảnh báo dấu hiệu chuyển nhượng thầu trái phép - Ảnh 3.

Đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành - Ảnh: TẤN LỰC

Định mức đơn giá vênh thực tế quá lớn

Về hệ thống định mức đơn giá của Nhà nước, theo Bộ Công an còn bất cập, chưa bám sát, chưa phản ánh đúng thực tế thi công tại hiện trường. Chẳng hạn như định mức đơn giá xây dựng còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn. Nhiều công nghệ, giải pháp thi công mới chưa có định mức, đơn giá hoặc ban hành không kịp thời gây khó khăn cho quản lý đầu tư dự án.

Trong đó, đơn giá nhân công theo quy định thấp hơn nhiều so với thực tế; chi phí ca ba trong dự toán không tính nhưng thực tế trên công trường vì sức ép tiến độ nhà thầu phải huy động máy móc, nhân lực thi công ba ca/ngày, lương làm ca ba tính bằng 1,3 lần ca ngày.

Mặt khác, công tác khảo sát thiết kế dự án cao tốc Bắc - Nam chưa sát hiện trường, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là kết quả khảo sát khối lượng, chất lượng, giá cả nguồn nguyên vật liệu thông thường. 

Ví dụ dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết công tác khảo sát mỏ vật liệu trong thiết kế kỹ thuật sai khác lớn với thực tế. Hồ sơ khảo sát kỹ thuật có tổng trữ lượng mỏ vật liệu khai thác là 20 triệu m3 nhưng trữ lượng thực tế khai thác chỉ đạt 4,1 triệu m3, thiếu hụt quá lớn.

Từ những bất cập, vi phạm trong thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn một, Bộ Công an cảnh báo nếu lãnh đạo, cơ quan chức năng có thẩm quyền không có những biện pháp mạnh, giải pháp khoa học, hiệu quả, sát thực tế thì dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn hai vẫn hiện hữu những nguy cơ làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ, cũng như xảy ra vi phạm, tội phạm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một lần trực tiếp chỉ đạo gỡ vướng cho dự án cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: VGP

* Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng

Ngày 28-11-2022 Bộ Công an có báo cáo gửi Thủ tướng.

Ngày 23-12-2022 Văn phòng Chính phủ gửi văn bản tới các bộ, ngành, địa phương.

Ngày 28-12-2022 Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo kết quả chỉ định thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.

Ngày 30-12-2022 Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng nguyên tắc phân chia gói thầu tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn hai.

Ngày 1-1-2023 Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt một số gói thầu của 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn hai.

Bồi thường giải phóng mặt bằng làm cao tốc Bắc - Nam: Vì sao Phú Yên chưa giải ngân được đồng nào?Bồi thường giải phóng mặt bằng làm cao tốc Bắc - Nam: Vì sao Phú Yên chưa giải ngân được đồng nào?

TTO - Tỉnh Phú Yên cho biết do quy định bồi thường các loại cây trồng theo Luật đất đai 2013 chưa rõ ràng, nên tỉnh này chưa thể áp giá bồi thường để giải phóng mặt bằng làm đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên