
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 - Ảnh: TTXVN
Quán triệt thực hiện nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã đề ra các mục tiêu chiến lược nhằm xây dựng Viện Hàn lâm thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.
Biến phòng thí nghiệm thành "vườn ươm" công nghệ
Theo GS.TS Chu Hoàng Hà, phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thực hiện nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Viện Hàn lâm đã xây dựng kế hoạch 116/QĐ-VHL, đề ra các mục tiêu chiến lược nhằm xây dựng Viện Hàn lâm thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.
Phát triển Viện Hàn lâm thành một trong các cơ quan tư vấn hàng đầu của nhà nước trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước.
Cùng với đó, Viện Hàn lâm đẩy mạnh hợp tác công - tư, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tăng tỉ lệ chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ, góp phần biến sáng tạo thành động lực kinh tế; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, biến phòng thí nghiệm thành "vườn ươm" công nghệ, đưa sản phẩm khoa học công nghệ vào cuộc sống.
Về các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, GS.TS Chu Hoàng Hà nêu rõ trước hết về nâng cao chất lượng nghiên cứu, Viện Hàn lâm sẽ tăng 50% số công bố quốc tế (SCIE/Scopus) và văn bằng sở hữu trí tuệ so với giai đoạn 2020 - 2025; phát triển 30 công nghệ lõi làm chủ hoàn toàn, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học.
Về xây dựng nguồn nhân lực, Viện Hàn lâm sẽ thu hút 20-30 nhà khoa học trẻ tài năng/năm, đào tạo 5.000 nhà khoa học trình độ quốc tế; phát triển 20 nhóm nghiên cứu mạnh đạt chuẩn khu vực…
Đánh giá về 7 nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong nghị quyết 57, GS.TS Chu Hoàng Hà cho rằng những nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết đưa ra là toàn diện, bao trùm cả thể chế, nhân lực, tài chính, hợp tác quốc tế, quản trị và chuyển đổi số.
Trong đó, điểm đột phá là việc xác định rõ vai trò trung tâm của lực lượng trí thức, nhà khoa học và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức quản trị khoa học, giải phóng nguồn lực, thúc đẩy tự chủ và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo.
Những nhiệm vụ này nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả sẽ là nền tảng để nâng tầm năng lực khoa học công nghệ quốc gia, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển bền vững dựa trên tri thức. "Thuận lợi lớn nhất là sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương và sự hưởng ứng tích cực từ đội ngũ cán bộ khoa học", GS.TS Chu Hoàng Hà khẳng định.
Để triển khai hiệu quả nghị quyết 57-NQ/TW, GS.TS Chu Hoàng Hà cho rằng trước hết cần có chiến lược cụ thể theo ba hướng: Khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; cần ưu tiên tháo gỡ các rào cản về cơ chế và nguồn lực để thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Hiện nay các thủ tục hành chính và quy định tài chính còn cứng nhắc đang làm chậm quá trình chuyển giao công nghệ, do đó việc triển khai đồng bộ nghị quyết 57-NQ/TW với nghị quyết 193/2024/QH15 sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ ngay trong các viện nghiên cứu.
Trong mô hình này, nhà khoa học được chuyên tâm nghiên cứu và hưởng lợi trực tiếp từ thành quả của mình thông qua chia sẻ lợi nhuận, cổ phần hoặc chính sách tài chính ưu đãi góp phần thúc đẩy tinh thần đổi mới và khởi nghiệp khoa học.
Xác định rõ tầm nhìn dài hạn cho khoa học cơ bản
Đồng tình với nhận định của Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò "lực lượng nòng cốt" của giới trí thức bởi trong kỷ nguyên tri thức, nhà khoa học không chỉ là người nghiên cứu mà còn phải là người kiến tạo tương lai", GS.TS Trần Đại Lâm, viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng giới tri thức cần nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm với đất nước, khát vọng vươn lên, sẵn sàng đón nhận thử thách và đặt tiêu chuẩn quốc tế làm thước đo cho mọi kết quả nghiên cứu.
Giới khoa học cũng cần chủ động, sáng tạo trong hợp tác liên ngành, liên lĩnh vực, gắn nghiên cứu với nhu cầu phát triển thực tiễn, đổi mới cách nghĩ, cách làm để không chỉ tạo ra tri thức mới mà còn tạo ra giá trị thực tiễn.
Theo GS.TS Trần Đại Lâm, hiện Viện Khoa học vật liệu đã chủ động rà soát, điều chỉnh chiến lược nghiên cứu theo tinh thần của nghị quyết 57, trong đó nhấn mạnh đến việc phát triển vật liệu mới, làm cơ sở để phát triển các công nghệ lõi, có tính ứng dụng cao trong các ngành công nghệ cao, công nghiệp nền tảng, quốc phòng - an ninh.
Để thực hiện hiệu quả nghị quyết 57, GS.TS Trần Đại Lâm đề xuất nhà nước cần xác định rõ tầm nhìn dài hạn cho khoa học cơ bản, vì đây là lĩnh vực không mang lại kết quả tức thì nhưng lại đóng vai trò nền tảng cho các đột phá công nghệ trong tương lai.
Chiến lược phát triển khoa học cơ bản cần có thời hạn tối thiểu 20 năm, với các định hướng rõ ràng vào những lĩnh vực mà thế giới mới đang ở giai đoạn khởi đầu như: Công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, khoa học vật liệu mới, tổng hợp sinh học, năng lượng nhiệt hạch… Đây là những trụ cột chiến lược có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam nếu đầu tư sớm và có trọng điểm.
Bên cạnh tầm nhìn dài hạn, theo GS.TS Trần Đại Lâm việc phát hiện và ươm mầm nhân tài cũng cần được coi là ưu tiên hàng đầu, cần xây dựng cơ chế phát hiện, tuyển chọn và đào tạo học sinh giỏi, có năng khiếu từ bậc phổ thông, đặc biệt trong các môn khoa học cơ bản như toán học, vật lý, hóa học, sinh học.
Đề xuất đưa các môn học này thành nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo của các trường chuyên, trường năng khiếu, đi kèm với chính sách học bổng, cam kết đào tạo chuyên sâu và hỗ trợ phát triển sự nghiệp lâu dài. Việc nuôi dưỡng tài năng cần được thực hiện một cách hệ thống, liên tục và có sự đồng hành của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.
Ngoài ra nhằm bảo đảm định hướng phát triển đúng đắn, GS.TS Trần Đại Lâm cho rằng cần thành lập hội đồng tư vấn cấp quốc gia hoạch định chiến lược dài hạn và xuyên suốt phát triển về khoa học cơ bản (hội đồng này khác với các hội đồng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia thành lập để xác định các vấn đề nghiên cứu tương đối cụ thể có quy mô không lớn, và phải hoàn thành trong thời gian khá ngắn 2-3 năm), nhằm giúp cơ quan quản lý hình thành các chương trình khoa học cơ bản có chiều sâu, đồng thời bảo đảm sự ổn định và tính liên tục trong các chiến lược phát triển khoa học cơ bản một cách dài hạn...
"Là viện chuyên ngành lớn của quốc gia trong lĩnh vực khoa học vật liệu, Viện Khoa học vật liệu xác định vai trò hạt nhân trong việc thực thi các định hướng lớn từ nghị quyết 57, trở thành trung tâm kết nối, tham gia tích cực và có vai trò thúc đẩy các chương trình nghiên cứu và ứng dụng trọng điểm của quốc gia liên quan đến vật liệu, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới", GS.TS Trần Đại Lâm nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận