02/12/2023 09:31 GMT+7

Đột phá để chăm lo người lao động tốt hơn

VŨ THỦY
và 1 tác giả khác

Sáng nay (2-12), phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra dự kiến có sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng 1.100 đại biểu chính thức của đại hội.

Đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam biểu quyết thông qua chương trình, nội dung làm việc của đại hội vào ngày 1-12 - Ảnh: HÀ QUÂN

Đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam biểu quyết thông qua chương trình, nội dung làm việc của đại hội vào ngày 1-12 - Ảnh: HÀ QUÂN

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ trước ngày khai mạc đại hội, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam NGUYỄN ĐÌNH KHANG nói hai năm đại dịch COVID-19, ngay sau đó là khó khăn kinh tế kéo theo làn sóng cắt giảm việc làm khiến thu nhập, cuộc sống người lao động khó khăn hơn. 

Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, đây lại là cú hích để tổ chức Công đoàn chuyển mình, chăm lo cho người lao động tốt hơn.

Công đoàn cần xem mỗi đoàn viên, người lao động là bạn đồng hành. Khi công đoàn là điểm tựa tin cậy, chăm lo cho đoàn viên tốt, công đoàn cũng mạnh lên.

Ông NGUYỄN ĐÌNH KHANG
Ông NGUYỄN ĐÌNH KHANG

Ông NGUYỄN ĐÌNH KHANG

Hỗ trợ 6.000 tỉ đồng

* Điểm lại hành trình vừa qua, đâu là dấu ấn lớn nhất của Công đoàn, thưa ông?

- Nhiệm kỳ vừa qua khó khăn chồng chất, tác động lên mọi mặt đời sống. Nhiều công nhân mất, giảm việc, thu nhập giảm sút. Công đoàn Việt Nam bám sát nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị và Công đoàn Việt Nam xác định phải trở thành điểm tựa vững chắc cho người lao động.

Cùng với kiến nghị, đề xuất chính sách với Nhà nước chăm lo cho đoàn viên, người lao động lúc khó khăn nhất, Công đoàn đã có năm gói hỗ trợ quy mô lớn với số tiền gần 6.000 tỉ đồng. 

Sau đại dịch, tiếp sức người lao động bị giãn việc, mất việc do cắt giảm đơn hàng, Công đoàn tiếp tục gói hỗ trợ giúp gần 82.000 người với số tiền trên 114 tỉ đồng. Gói hỗ trợ tiếp tục đến hết năm 2023 ước tính giúp đỡ thêm khoảng 90.000 lao động.

Điểm nhấn của nhiệm kỳ qua chính là vai trò đại diện rất rõ của Công đoàn. Mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa lương và mức sống tối thiểu, bảo vệ quyền lợi người lao động song hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Công đoàn đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34% so với đầu nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, "sức nặng" chăm lo cả về vật chất và tinh thần cho hơn 11 triệu đoàn viên (mục tiêu đạt 15 triệu cuối nhiệm kỳ tới) là rất lớn. Điều này đòi hỏi các cấp công đoàn nhiệm kỳ tới cần đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động để giữ vững vai trò điểm tựa cho người lao động.

* "Sức nặng" như ông vừa nói có thể hiểu như thế nào?

- Nhiệm vụ đại diện, bảo vệ, chăm lo dù được tập trung nhưng có mặt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người lao động. Tiếng nói của công đoàn cơ sở ở một số doanh nghiệp chưa đủ mạnh, số lượng thỏa ước tập thể tăng nhanh nhưng độ bao phủ chưa rộng, một số thỏa ước chất lượng còn thấp.

Cùng với đó, vấn đề việc làm bền vững, tiền lương tương xứng, rồi thiếu nhà ở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội... vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Chẳng hạn rút bảo hiểm xã hội một lần, Công đoàn luôn mong chính sách công bằng, bền vững giúp người lao động tích lũy để khi về già có lương hưu đủ sống, giảm gánh nặng cho xã hội. Nếu người lao động có việc làm bền vững, thu nhập tốt, tích lũy lâu dài thì không ai muốn rút bảo hiểm xã hội. Đây là vấn đề lớn mà chúng tôi đã theo đuổi qua nhiều nhiệm kỳ và sẽ tiếp tục theo đuổi trong nhiệm kỳ này.

Công đoàn đã kiến nghị Đảng, Nhà nước có khung pháp lý ngăn chặn tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo vệ quyền lợi của người tham gia. Bên cạnh đó, về lâu dài, chúng ta cần nghiên cứu giải pháp để người lao động được tiếp cận các nguồn tín dụng hợp pháp, tránh trở thành nạn nhân của tín dụng đen.

Tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho công nhân tại TP.HCM trở lại làm việc sau dịch COVID-19 - Ảnh: Q.L.

Tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho công nhân tại TP.HCM trở lại làm việc sau dịch COVID-19 - Ảnh: Q.L.

Lắng nghe nguyện vọng, nhu cầu

* Ông có thể nói rõ hơn về trọng tâm thương lượng trong nhiệm kỳ tới?

- Một trong những vai trò quan trọng của Công đoàn là thương lượng để đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động. Người sử dụng lao động muốn tăng năng suất, lợi nhuận còn người lao động muốn được chi trả xứng đáng với công sức, thời gian lao động bỏ ra. Cần thương lượng để tìm ra điểm dung hòa giữa hai bên, ký thỏa ước lao động tập thể, cũng là một trong ba khâu đột phá được thảo luận tại đại hội này.

Mối quan tâm hàng đầu của người lao động chính là tiền lương. Cần chủ động lắng nghe nguyện vọng, nhu cầu, thương lượng với người sử dụng lao động để đảm bảo rằng người lao động nhận được tiền lương thỏa đáng, thời gian làm việc hợp lý, môi trường làm việc an toàn, phúc lợi xã hội tốt qua thỏa ước lao động tập thể. Đạt được điều này càng khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn là điểm tựa cho người lao động.

Bên cạnh tiền lương, nhà ở là vấn đề được Công đoàn Việt Nam bền bỉ theo đuổi. Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà ở mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê. Nhưng do nguồn lực có hạn nên sẽ ưu tiên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đông công nhân trước, đảm bảo an cư lạc nghiệp cho người lao động.

Nhiều sân chơi cho công nhân

Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 phối hợp với báo Tuổi Trẻ và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lần đầu tiên tổ chức trở thành sân chơi sôi động của người lao động mê thể thao.

Giải đấu không chỉ có bóng đá mà thêm hoạt động bán hàng giảm giá, bốc thăm trúng thưởng, tặng quà, voucher mua hàng... thật sự ý nghĩa, thiết thực, hướng tới cải thiện đời sống tinh thần cho công nhân ước tính khoảng 17 triệu người.

Cùng với tăng số lượng thỏa ước tập thể và đối thoại, phát hiện sớm, giải quyết tranh chấp lao động, số cuộc ngừng việc tập thể giảm 55,3% so với nhiệm kỳ trước.

Công đoàn các cấp có nhiều hoạt động, chương trình góp phần cải thiện đời sống tinh thần, nâng cao sức khỏe cho người lao động. Có thể kể đến Tháng công nhân, Tết sum vầy, Mái ấm công đoàn... với hàng nghìn tỉ đồng chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Ngày làm việc đầu tiên hôm qua, đại hội đã bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua chương trình làm việc, quy chế đại hội.

Đại hội đã nghe báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu, các báo cáo quan trọng trình đại hội của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đồng thời thảo luận tổ góp ý dự thảo văn kiện đại hội.

Lắng nghe công nhân nói

Bên ngoài hội trường đại hội, công nhân có nhiều điều muốn nói với tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hàng triệu người lao động cả nước.

Tuổi Trẻ ghi nhận một vài mong muốn của công nhân.

Chị NGUYỄN THỊ LAN (công nhân may quận 12, TP.HCM):

Bảo vệ người làm công đoàn tốt hơn

Ở công ty tôi làm, cán bộ công đoàn luôn lắng nghe ý kiến công nhân mỗi khi có vấn đề khó khăn để làm việc với lãnh đạo công ty. Nhưng họ cũng là người lao động như chúng tôi, nên nếu công nhân không đồng ý với quy định công ty đưa ra, chủ tịch công đoàn đứng giữa cũng gặp khó.

Chỗ tôi làm chuyển đổi từ lương thời gian sang lương sản phẩm, nhiều công nhân có ý kiến để công ty thay đổi cho hợp lý. Chủ tịch công đoàn cũ là người hiểu và thông cảm cho người lao động nhưng không tiếp tục làm công đoàn vì không được lòng lãnh đạo công ty.

Tôi mong tổ chức Công đoàn cần bảo vệ người làm công đoàn tốt hơn. Để khi chủ tịch công đoàn đã làm việc với công ty nhưng công nhân vẫn không đồng ý với những chính sách công ty đưa ra sẽ phải có cơ quan cao hơn đứng ra tiếp tục làm việc với công ty.

Công nhân mong có mô hình siêu thị trợ giá cho những mặt hàng thiết yếu như gạo, bột giặt, sữa tươi cho trẻ em... - Ảnh: Q.L.

Công nhân mong có mô hình siêu thị trợ giá cho những mặt hàng thiết yếu như gạo, bột giặt, sữa tươi cho trẻ em... - Ảnh: Q.L.

Chị THÁI THỊ NHUNG (Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM):

Đào tạo nghề cho công nhân

Tôi làm tại xưởng sản xuất đồ chơi hơn 10 năm, nhưng công ty gần đây đã đóng cửa nên muốn xin việc ở một nơi khác để làm mới có tiền nuôi con cái học hành. Nhiều công ty tuyển lao động, nhưng công nhân hơn 40 tuổi như tôi xin vào làm việc các ngành khác rất khó.

Hai năm nay tôi đành phải làm bảo mẫu ở trường mầm non tư thục, lương chỉ 4,2 triệu đồng, trong khi làm công nhân nhà máy dù vất vả hơn một chút nhưng lương cơ bản cũng 6-7 triệu đồng, tăng ca có khi cũng 8 - 10 triệu đồng/tháng, ổn hơn khá nhiều.

Nhưng chẳng có công ty nào nhận người đã qua tuổi 40 lại phải vừa làm vừa học vì không có tay nghề như chúng tôi. Nên nếu có trung tâm nào để công nhân như tôi học may công nghiệp ngoài giờ khoảng 1-3 tháng cho có tay nghề rồi xin vào các công ty chắc sẽ đỡ vất vả hơn.

Chị CAO THỊ OANH (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội):

Hỗ trợ công nhân nuôi con nhỏ

Có khá nhiều điều tôi muốn nói. Chúng tôi mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ công nhân khi nuôi con nhỏ (từ 0-6 tuổi) và cả việc hỗ trợ tiền thuê trọ với quy định về giá cả hợp lý.

Về lâu dài, tổ chức Công đoàn cũng cần kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng phù hợp giá cả thực tế cuộc sống để đảm bảo mức sống tối thiểu.

Bên cạnh đó, có lớp trông trẻ đến tối cho công nhân tăng ca, chính sách hỗ trợ tiền ăn cho con công nhân học bán trú, cũng có thể mở mô hình siêu thị trợ giá với những mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, bột giặt, sữa tươi cho trẻ em...

Thúc đẩy tăng lương, điều kiện làm việc cho công nhânThúc đẩy tăng lương, điều kiện làm việc cho công nhân

Lương cơ bản của công nhân địa phương ở mức 3,5 - 4 triệu đồng, trong khi lương cơ bản của công nhân tại khu công nghiệp là 5 - 5,5 triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên