Trời chưa tối hẳn nhưng các phòng trong khu trọ hơn 25 phòng cạnh Khu công nghiệp Khắc Niệm ở khu Thượng Làng, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) công nhân đã trở về gần hết, nhiều phòng sáng đèn, khác hẳn với trước dịch COVID-19.
Thắt lưng buộc bụng
Chị Hạnh Phúc - chủ phòng trọ - cho biết công ty ít đơn hàng, công nhân không được tăng ca như trước nên về sớm. Lương thấp nên nhiều bạn đã về quê, phòng trọ trống nhiều. "Giờ chỉ mong có nhiều việc công nhân mới có lương, mình cũng có đồng ra đồng vào" - chị Hạnh Phúc nói.
Cuối dãy trọ, hai nữ công nhân trẻ ở cùng phòng đang sấy tóc cho nhau trong ánh đèn mờ tối. Vi Kiều Oanh (19 tuổi), quê ở Quỳ Hợp (Nghệ An) và Lục Thị Phượng (21 tuổi), quê Mường Khương (Lào Cai). Cả hai đang làm công nhân thời vụ cùng một công ty, mỗi ngày chỉ làm tám tiếng, cả tuần không ngày nào tăng ca.
"Sau dịch, công việc bấp bênh lắm. Đợt này không tăng ca nên lương chỉ trên dưới 5 triệu đồng/tháng, không tiết kiệm được đồng nào", Phượng buồn rầu kể. Oanh góp lời: "Đợt này mới đủ tiền ăn, ngày mới đi làm toàn phải ứng lương để chi tiêu, có lúc mì gói cũng không có để ăn. Mình không nghĩ đi làm lại rơi vào tình cảnh như vậy, ở nhà sướng quen rồi".
Tiền phòng 900.000 đồng, thêm tiền điện nước, mỗi tháng hai cô công nhân chia nhau số tiền khoảng 1,5 triệu đồng. Do khó khăn, cả hai chưa dám về thăm nhà, cũng chỉ dành dụm được chút tiền phòng khi ốm đau, ít việc. "Chỉ mong đơn hàng nhiều lên, tụi mình được tăng ca, có thêm thu nhập, có thêm hỗ trợ tiền thuê nhà trong lúc khó khăn này", Oanh bày tỏ.
May mắn hơn, Phạm Tuấn Anh (28 tuổi) - công nhân một công ty của Hàn Quốc tại Bắc Ninh - cho biết đi làm từ 8h sáng, về nhà lúc 17h, nếu tăng ca thì tới 19h và đợt này công ty có đơn hàng nên vẫn còn tăng ca. Tuấn Anh làm công việc kiểm tra vỏ điện thoại. Lương cơ bản hơn 5 triệu đồng, cộng tiền tăng ca và phụ cấp nữa Tuấn Anh có thu nhập 8-9 triệu đồng/tháng. Trừ tiền thuê trọ, ăn uống chi tiêu, mỗi tháng Tuấn Anh tiết kiệm được 3 triệu đồng gửi về quê để dành cưới vợ.
Không tính nổi chuyện nhà cửa
Rời quê lên TP.HCM làm việc có khi 10 năm, có người 20 năm đằng đẵng, nhưng với đa phần công nhân, tài sản tích cóp duy nhất là nuôi nấng được con cái, cho con đến trường. Chuyện nhà ở, ước mong có một mái ấm làm chốn đi về là quá xa xôi dù cho có là nhà ở xã hội.
Chị Nguyễn Cẩm Thi (42 tuổi) - công nhân may Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) - kể cả năm nay hầu như công ty không có tăng ca, chỉ làm giờ hành chính. Nhưng chị Thi nói mình vậy vẫn còn là may, chứ nhiều nơi công nhân bị cắt giảm vì không có việc để làm.
20 năm làm công nhân, những năm trước thu nhập cũng tròm trèm 10 triệu đồng nhưng nay mỗi tháng cao lắm chỉ được 7-8 triệu đồng, mọi thứ đều phải gói ghém chi tiêu. Tiền học của hai con - đứa lớp 7, đứa gần 4 tuổi - đã hòm hòm 7 triệu đồng, rồi tiền trọ, điện, nước cũng hơn 2 triệu đồng nữa.
Trong phòng trọ hơn 12m2, chị Thi cười trừ: "Chủ nhà trọ không tăng giá phòng là may lắm rồi. Tôi không dám nghĩ tới chuyện mua nhà bao giờ, nhưng muốn mua chắc cũng phải có tiền tỉ, mà công nhân làm gì có tiền tỉ bây giờ. Chỉ mong nuôi được con cái ăn học là tốt lắm rồi. Mai mốt già không đi làm nữa thì về quê, rốt cuộc cũng phải về quê thôi".
Trong khi đó, thu nhập của chị Huỳnh Thị Lệ Trinh (41 tuổi), ngụ quận 7 (TP.HCM) tháng này chỉ hơn 6 triệu đồng vì "công ty không có hàng làm". Hai vợ chồng làm công nhân cùng một công ty, mới từ quê lên sau một tuần công ty cho nghỉ tạm thời.
"Đầu năm còn có hàng tăng ca lai rai, lương cũng 8-9 triệu đồng. Tháng này ít hàng rồi nên phải nghỉ cả tuần, tiền lương còn có nhiêu đó, tính gì tới chuyện nhà cửa", chị Trinh nói.
1.100 đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023 - 2028) triệu tập 1.100 đại biểu chính thức tham dự, diễn ra từ ngày 1 đến 3-12 tại Hà Nội.
Đại hội bàn nhiều vấn đề, trong đó có việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, nhà ở cho công nhân... Trước ngày khai mạc đại hội là các diễn đàn cùng chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan đến hoạt động công đoàn, công nhân.
Trước đó, ngày 27-11 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở theo hướng quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ quản đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.
Cho vay dài hạn, công nhân mới mong có nhà ở xã hội
Ngay cả công nhân đang làm tổ trưởng hay chuyền trưởng, cuộc sống hiện cũng khá chật vật. Sau 13 năm đi làm, chị Kim Tuyết (35 tuổi, quê Tiền Giang) - quản lý tại một công ty may trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) - bộc bạch: "Mình cũng nghe nói về nhà ở xã hội nhưng chắc không tới lượt mình...".
Như bao cặp vợ chồng công nhân khác, anh chị dành hết ưu tiên lo cho con cái trước rồi mới tính chuyện nhà cửa. Bé lớn đã gửi về quê với bà ngoại cho có người nhà kèm cặp, bé nhỏ ở cùng ba mẹ. Tiền gửi nhà trẻ, ăn uống chi tiêu, tính luôn điện nước, cố dè sẻn lắm cũng tầm 5-6 triệu đồng/tháng.
Công ty khoảng gần 300 công nhân, chị Tuyết kiêm luôn vai chủ tịch công đoàn. "Tôi nghĩ cần xây nhà giá rẻ cho công nhân thuê lâu dài hoặc có chính sách cho vay dài hạn công nhân mới mong mua được nhà ở xã hội. Có thể giao dự án nhà công nhân cho công đoàn nắm, thông tin đến người lao động, chứ nhiều người chưa biết hỏi ở đâu và điều kiện thế nào", chị Tuyết nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận