06/04/2024 09:41 GMT+7

Đồng yen mất giá, nhiều người Việt ở Nhật sống chật vật hơn

Nhiều lao động Việt Nam sang Nhật Bản chia sẻ đời sống khó khăn hơn khi sinh hoạt phí, tiền thuê ký túc xá, nhà trọ, thực phẩm tăng giá.

Lao động Việt Nam tiết kiệm chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản trong bối cảnh đồng yen Nhật giảm - Ảnh: NVCC

Lao động Việt Nam tiết kiệm chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản trong bối cảnh đồng yen Nhật giảm - Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tháng 3-2024, gần 6.300 người Việt sang Nhật làm việc. Dự kiến cả năm, con số này sẽ khoảng 23.300.

Đồng yen trượt dốc, cuộc sống chật vật

Anh Nguyễn Thế Tài, 24 tuổi, làm việc trong một công xưởng tại tỉnh Ibaraki, chia sẻ: "Khay trứng trước chỉ 200 yen giờ lên gấp đôi, 400 yen. Tôi phải tăng ca khá nhiều để có thêm thu nhập và xin chủ nhà giảm bớt tiền thuê. Từ khi đồng yen mất giá, tôi phải chắt bóp từng đồng, muốn mua cái áo mới hay đổi điện thoại thì xác định tháng đó không có tiền gửi về nhà".

Đồng yen rớt giá còn ảnh hưởng đến tâm lý của người Việt tại Nhật Bản, nhất là những người có gia đình.

Anh Nguyễn Gia Chiến, 29 tuổi, kỹ sư ngành sản xuất linh kiện ô tô tại tỉnh Osaka, cho biết thu nhập giảm gần một nửa do đồng yen rớt giá. Đặc biệt, nhiều loại thuế như tiêu dùng, thu nhập cá nhân tăng lên khiến cuộc sống chật vật hơn trước.

Chi phí quá cao buộc anh phải đưa vợ về Việt Nam sinh con. Hằng tháng, người chồng này vẫn trích một khoản tiền nhất định để phụ vợ nuôi con nhỏ. "Hai vợ chồng bàn bạc cố gắng vượt qua giai đoạn này, con lớn chút thì vợ đi làm trở lại. Cháu đi nhà trẻ thì chi tiêu đỡ khó khăn hơn", anh Chiến cho hay.

Trong khi đó, anh C.T.H., 46 tuổi, quản lý một nhà hàng sushi tại Tokyo, bày tỏ đồng yen giảm ảnh hưởng tới nhiều người song đây là cơ hội để cộng đồng người Việt san sẻ, hỗ trợ nhau.

"Chính phủ Nhật sẽ hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp hoặc hưởng bảo hiểm thất nghiệp nếu đóng bảo hiểm xã hội, còn lại đều là tự thân", anh H. bày tỏ.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhiều người Việt vẫn cố gắng bám trụ tại Nhật để kiếm thêm vốn hoặc đoàn tụ gia đình. Mọi người đều hy vọng thời gian tới đồng yen có thể lấy lại vị thế của mình để cuộc sống khấm khá hơn.

Lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh tại Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng khi yen Nhật giảm giá - Ảnh: NVCC

Lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh tại Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng khi yen Nhật giảm giá - Ảnh: NVCC

Vẫn muốn sang Nhật vì nhiều lý do

Trái ngược với lo ngại về đồng yen rớt giá, nhiều bạn trẻ vẫn nuôi quyết tâm xuất khẩu lao động sang Nhật Bản bởi cơ hội học hỏi, nâng cao ngoại ngữ, kỹ năng nghề và mức lương lao động hấp dẫn, nhiều chính sách đãi ngộ và hỗ trợ cho lao động Việt Nam như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Bạn Cao Xuân Quyết, 19 tuổi, quê Bắc Giang, chia sẻ dù lo lắng về đồng yen mất giá nhưng gia đình không có điều kiện, bản thân đã đóng tiền để đi Nhật nên vẫn chăm chỉ học ngoại ngữ để sang đó làm việc.

"Công ty đưa tôi sang Nhật có nói kiểu gì đồng yen cũng tăng trở lại nên không cần lo lắng nhưng tôi vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực", Quyết bày tỏ.

Có người nhà sinh sống và làm việc lâu năm bên Nhật, bạn Nguyễn Hồng Hạnh, 20 tuổi, quê Hà Nội, cho biết dù đồng yen rớt giá song thu nhập vẫn tốt hơn khi làm việc ở trong nước. "Chị gái cũng khuyên không cần lo lắng. Sang nước bạn tôi có cơ hội trải nghiệm văn hóa, tiếp xúc với nhiều người mới và tích lũy kinh nghiệm, vốn sống nhất định", Hạnh bộc bạch.

Ông Ishii Chikahisa - bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản - cho biết người Việt làm việc tại Nhật Bản chiếm khoảng 1/4 tổng số lao động nước ngoài và đã trở thành một phần thiết yếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản.

Cụ thể có khoảng 185.600 thực tập sinh, 97.500 lao động kỹ năng đặc định và 87.900 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, tri thức nhân văn và nghiệp vụ quốc tế.

Do vậy, Nhật Bản cam kết tiếp tục tạo điều kiện và cải thiện môi trường làm việc, sinh hoạt thoải mái hơn cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản.

Hàn Quốc, Nhật Bản tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt NamHàn Quốc, Nhật Bản tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam

Nhiều nước tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó hai thị trường truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc yêu cầu cao hơn về tiếng và tay nghề với ứng viên, bù lại quyền lợi và thu nhập cũng tốt hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên