Trong vòng 40 năm, "dân số" động vật hoang dã giảm đến 58% do các hoạt động của con người - Ảnh: WWF |
Theo báo cáo "Hành tinh sống" mới nhất do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) và Hiệp hội Động vật học London (ZSL) công bố, quần thể các loài động vật hoang dã trên toàn cầu đã giảm đến 58% kể từ năm 1970.
Báo cáo cũng dự báo mức giảm này sẽ tăng lên 67% vào năm 2020 - mốc thời điểm mà thế giới từng cam kết ngăn chặn sự biến mất của các loài động vật hoang dã.
Trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là các động vật có xương sống, "dân số" chúng có thể sẽ giảm đến 2/3 vào năm 2020, đặc biệt là những loài sống trong ao hồ, sông ngòi và vùng đất ngập nước.
Theo các nhà khoa học, nếu diễn biến này tiếp tục thì không bao lâu nữa thế giới sẽ phải chứng kiến một cuộc tuyệt chủng quy mô lớn đầu tiên sau sự biến mất của loài khủng long 65 triệu năm trước.
Tuy nhiên không như khủng long bị tuyệt chủng có thể do một vụ va chạm thiên thạch, các động vật ngày nay tuyệt chủng do con người.
Tại công viên quốc gia Mole, Ghana, số sư tử đã giảm hơn 90% chỉ trong 40 năm - Ảnh: WWF |
Báo cáo cho biết các hoạt động của con người, bao gồm hoạt động khai hoang để lấy đất trồng trọt, hoạt động buôn bán... đã đẩy các loài đến chỗ tuyệt chủng. Ô nhiễm và biến đổi khí hậu cũng là thủ phạm, nhưng ô nhiễm cũng do chính con người tạo ra.
"Việc con người lạm dụng tài nguyên thiên nhiên đang đe dọa môi trường sống, đẩy các loài không thể thay thế đến bờ vực tuyệt chủng và đe dọa sự ổn định của khí hậu", Tiến sĩ Mike Barrett - Giám đốc khoa học và chính sách của WWF Anh, nói với báo The Independent (Anh).
Ông cũng cho biết con người có thể ngăn chặn điều này, nhưng "đòi hỏi các chính phủ, các doanh nghiệp và từng công dân phải suy nghĩ lại cách chúng ta sản xuất, tiêu thụ, nghĩ về thước đo thành công và giá trị của môi trường tự nhiên".
Ngoài ra, cần có một "kế hoạch nghiêm túc" để tăng cường bảo vệ các loài và môi trường sống của chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận