04/01/2015 10:38 GMT+7

​Đông và Tây

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Bàn cà phê buổi sáng cuối tuần của chúng tôi gần như dành trọn thời gian để bàn luận quanh câu chuyện gây lao xao mấy ngày qua, về một câu đố trong chương trình “Ai là triệu phú?” phát trên VTV3.

Xin nhắc lại câu đố, bởi không hẳn ai cũng theo dõi câu chuyện này: Theo một câu hát thì ”Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống...? ai”. Đáp án: A - Ông hàng xóm. B - Chú cạnh nhà. C - Ba. D - Bác đầu ngõ.

Cũng như những gì đang xôn xao trên Tuổi Trẻ Online nói riêng và cộng đồng mạng nói chung, đa số những người bạn của tôi trong bàn cà phê cuối tuần đều bày tỏ sự bất bình về câu đố nói trên. Nhưng cũng có người không tán thành và cũng không lên án, khi cho rằng “đùa vui thôi mà”. Có người thì xem như gió thoảng mây bay. Và cũng có người bảo: Dân mình sao khó quá. Bên Tây đùa như thế là bình thường.

Riêng mình, tôi chỉ kể một câu chuyện có thật như thế này: Một anh bạn là nhà thơ tên tuổi, vốn rất hay đùa tếu táo. Vợ chồng anh ấy chỉ có một đứa con. Trên bàn nhậu, bên bàn cà phê, có ai hỏi vì sao không ráng sinh thêm một đứa nữa cho vui cửa vui nhà, anh nhà thơ thường tếu táo thế này: “Lỗi tại tôi, vì đã mắng tay hàng xóm, thế là hắn ta giận, không giúp nữa!”.

Kiểu đùa ấy xuất hiện hà rầm trong lúc trà dư tửu hậu. Nhưng thử nghĩ, vào một ngày trọng đại như là chuẩn bị ngồi sui, gia đình hai bên lần đầu gặp nhau. Phía bên kia hỏi xã giao sao anh chị không sinh thêm để có dâu có rể, và bên này tếu táo kiểu ngoài quán nhậu thì có hợp không?

Tôi đặt ra một tình huống như thế cho mọi người trả lời. Khi ấy, 100% bè bạn đang bàn luận vụ câu đố trên VTV3 đều đồng loạt lắc đầu và bảo “Bên kia người ta sẽ mắng cho là cái đồ mất nết”!

Đấy, nếu người dẫn chương trình “Ai là triệu phú?” đưa ra câu đố này trong bàn nhậu, giữa những bạn bè đồng trang phải lứa thì đúng là đùa cho vui. Nhưng, kiểu đùa cho vui ấy mang lên sóng truyền hình, trong một chương trình thu hút già trẻ lớn bé cùng xem thì không còn là “để cho vui” được nữa rồi.

Và nữa, cũng đừng lấy chuyện “bên Tây đùa thế là thường” để biện minh. Vẫn biết hiện nay các nhà đài ở ta ít tạo nên những chương trình sáng tạo, mà đại đa số toàn bỏ tiền mua bản quyền các game show của nước ngoài về xài nên ít nhiều bị nhiễm văn hóa Tây.

Nhưng đâu phải cái gì Tây xài là ta cũng xài, và ngược lại đâu phải cái gì của phương Đông cũng là số một. Cái này không nằm ở khái niệm tốt - xấu, hay - dở mà là văn hóa. Nước Nhật nhờ học theo phương Tây mà trở thành cường quốc, nhưng họ học có sàng lọc chứ không phải học theo tất tần tật.

Ví dụ tôn ti trật tự trong gia đình, trong một công ty vẫn còn được gìn giữ qua những cái chào cúi rạp người khi gặp cấp trên, gặp người lớn tuổi đấy thôi. Hay Tây thì lúc cha mẹ già lo tự động vào viện dưỡng lão, con cái đến 18 tuổi là lo tự lập thân. Xã hội phương Đông mà học theo kiểu ấy có ổn không?

Thế giới có phẳng đến mấy thì cũng không thể nhồi Đông và Tây thành một. Cả hai bên đều phải tìm lấy cái hay của nhau mà học, và phải giữ lại được bản chất của mình.

Gần đây, “sạn” xuất hiện kha khá trong một số chương trình của VTV, mà tôi tìm hiểu thì toàn là những chương trình bê của Tây về xài. Có lẽ vì bê chương trình của Tây về dùng nhiều quá mà thiếu gạn lọc nên “sạn” mới tràn lan.

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên