Nhắc đến Đồng Tháp, khách du lịch nghĩ ngay đến Làng hoa Sa Đéc rực rỡ quanh năm, Vườn quốc gia Tràm Chim rợp bóng chim cò trên những vạt rừng tràm, hay những làng nghề vang danh bên dòng sông Tiền êm ả.
Nhưng đâu chỉ có vậy. Đồng Tháp còn có những khu du lịch sinh thái mang hơi thở miền quê đồng nội, với đặc sản đồng quê ai nhớ tới cũng thèm.
Thăm làng nghề di sản quốc gia ở Đồng Tháp
Hiện Đồng Tháp có các làng nghề di sản quốc gia như: Làng dệt choàng xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự); Làng nghề dệt chiếu xã Định An, Định Yên (huyện Lấp Vò); Làng nghề làm xuồng, ghe xã Long Hậu (huyện Lai Vung); Làng nghề làm nem Lai Vung (huyện Lai Vung); Làng nghề làm bột gạo Sa Đéc (TP Sa Đéc).
Đến thăm các làng nghề, du khách có thể hiểu thêm về cách mà người dân Đồng Tháp thích ứng với điều kiện tự nhiên, và bằng sức sáng tạo của mình họ đã làm nên những nghề thủ công truyền thống vanh danh một thuở. Ngày nay được các thế hệ giữ gìn, kế thừa và tiếp tục phát huy giá trị di sản.
Ông Huỳnh Thành Chơn - phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hồng Ngự - cho hay Làng nghề dệt choàng Long Khánh A hiện có 62 hộ, trung bình mỗi năm cung ứng ra thị trường 2 triệu sản phẩm.
"Ngoài khăn choàng truyền thống, người dân còn sáng tạo ra các sản phẩm như áo bà ba, áo dài, nón, túi xách, khăn thêu...
Từ khi làng nghề được công nhận là di sản quốc gia năm 2023, có nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan cách dệt khăn choàng (khăn rằn) bằng phương pháp thủ công và phương pháp dệt máy hiện đại. Ngoài ra khách còn đi cù lao Long Khánh A tham quan vườn cây ăn trái, nhà cổ ở nơi đây", ông Chơn nói.
Thăm làng hoa khoe sắc - đi giữa Tràm Chim bốn mùa
Nhắc đến tỉnh Đồng Tháp, du khách nhớ về Làng hoa Sa Đéc bốn mùa khoe sắc, một Vườn quốc gia Tràm Chim bốn mùa xanh trong.
Đặc biệt từ đầu tháng 1 hằng năm, thời điểm nhiều nhà vườn sẵn sàng cho vụ hoa Tết lớn nhất trong năm, du khách đến Sa Đéc ngoài xúng xính váy đầm, áo dài chụp ảnh còn mua hoa kiểng trưng Tết.
Khách say mê khi đến với Vườn quốc gia Tràm Chim, nơi hệ sinh thái rừng đặc trưng bốn mùa xanh trong mát mẻ. Các loài chim nước, cò, diệc thường tập trung về nhiều nhất vào mùa sinh sản từ tháng 6 đến tháng 8; một số loài khác từ tháng 2 đến tháng 3 về làm tổ sinh sản. Vì thế quanh năm, Tràm Chim rợp bóng chim cò hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn và săn ảnh đẹp.
Về Đồng Tháp ăn món gì hợp cảnh?
Đồng Tháp còn có những điểm du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm đồng quê và không thể không kể đến những món ăn đậm chất miền Tây như: đặc sản cá đồng theo mùa, chuột đồng quay lu, bánh xèo, bánh dân gian, lẩu mắm, cá kho tiêu...
Những điểm du lịch sinh thái đồng quê hình thành, cùng với đó là xu hướng tìm về với không khí miền quê nội đồng.
Một số điểm du lịch trải nghiệm được khách ưa chuộng như: Khu du lịch Vườn hồng Tư Tôn (TP Sa Đéc), khu du lịch sinh thái Mỹ Phước Thành (TP Cao Lãnh), khu du lịch vườn sinh thái Hoàng Hảo (huyện Tam Nông)...
Năm 2024, du lịch Đồng Tháp ước đón 4,3 triệu lượt khách, trong đó 39.000 khách quốc tế, doanh thu đạt 2.170 tỉ đồng. Khu du lịch Tràm Chim và Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là hai điểm đến được vinh danh trong top 50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận