Chiều 28-10, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia góp ý cho đề án xây dựng tỉnh kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đến năm 2030.
Cụ thể giai đoạn 2025-2030 đề án đặt ra bộ chỉ tiêu về nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái đạt cấp độ 4 và xây dựng nông thôn hiện đại.
Phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GRDP nông nghiệp tỉnh đạt trên 3,5%/năm; giá trị gia tăng trên đất trồng trọt đạt 250 triệu đồng/ha; 60% hộ gia đình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm; 80% diện tích trồng lúa giảm phát thải và tương đương; 98% hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch...
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh công tác định hướng quản lý nhà nước, ứng dụng chuyển đổi số, xác định sản phẩm chủ lực và xây dựng vùng sản xuất thì việc đồng thuận của nông dân là yếu tố then chốt.
PGS.TS Nguyễn Văn Kiền - giám đốc Công ty TNHH Mekong Organic - cho rằng Đồng Tháp có nhiều lợi thế, đặc biệt là Vườn quốc gia Tràm Chim với hệ sinh thái vùng ngập nước, thuận lợi xây dựng bộ chứng nhận nhãn hiệu lúa sinh thái.
"Theo tôi, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ sản xuất lúa sinh thái Tràm Chim để thu hút nông dân, hướng tới thương mại hóa thương hiệu và sản phẩm "ăn theo" mô hình nhằm tránh "vết xe đổ" của các chương trình trước đây còn dang dở.
Đề ra cụ thể chiến lược 10 năm phát triển vùng sản xuất lúa sinh thái Tràm Chim có chứng nhận nhãn hiệu diện tích 35ha. Bởi hiện nay trên thế giới chưa bán gạo giảm phát thải, chỉ có sản phẩm theo hướng sinh thái", ông Kiền nói.
Ông Nguyễn Phước Thiện - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - chỉ đạo các sở ngành chuyên môn tiếp thu ý kiến chuyên gia và tiếp tục so sánh đối chiếu các chỉ tiêu và mốc thời gian thực hiện đề án.
"Phải tách biệt ra được những điểm khác biệt của đề án này so với các đề án khác tỉnh đang thực hiện, đánh giá và thực hiện công việc đi vào trọng tâm. Tôi đề nghị làm bảng so sánh chi tiết, đối chiếu các chỉ tiêu dựa trên số liệu thực tế để các chuyên gia có cơ sở tiếp tục góp ý cho đề án cụ thể hơn", ông Thiện nói.
5 ngành chủ lực đạt nhiều kết quả
Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và sen là 5 ngành hàng chủ lực tập trung của đề án đã đạt được nhiều kết quả.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 333 doanh nghiệp chế biến nông sản, trong đó có 49 doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu. Về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, ước đến cuối năm 2024 đạt 97%
Năm 2024, giá trị sản xuất các ngành hàng đều tăng, ngành hàng xoài ước đạt 2.341 tỉ đồng; ngành hàng hoa, kiểng đạt trên 6.276 tỉ đồng; ngành hàng cá tra năm 2024 ước đạt 8.802 tỉ đồng; ngành hàng sen đạt 39,168 tỉ đồng với hơn 56 sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, giá trị ngành hàng lúa gạo ước đạt hơn 16.000 tỉ đồng, tăng 3,6% so với năm 2020, chiếm 32% tỉ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận