05/12/2014 14:53 GMT+7

Đông Nam Á ứng phó với "con dao giá dầu"

CHÂU LUÂN (Theo Gulf Times, FT)
CHÂU LUÂN (Theo Gulf Times, FT)

TTO - Giá dầu rơi khỏi mốc 70 USD/thùng được ví như con dao hai lưỡi đối với các nền kinh tế Đông Nam Á. Thực tế có kẻ khóc, người cười nhờ “phước lành” từ đợt giảm giá này.

Tập đoàn dầu khí quốc doanh khổng lồ của Malaysia - Petronas cho biết sớm muộn cũng phải cắt giảm cổ tức nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức 70-75 USD/thùng trong năm sau, và mạnh tay cắt giảm các chi phí vốn - Ảnh: Internet

​Dù hầu hết các nước trong khu vực đang phụ thuộc nhiều vào lượng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ bên ngoài, nhưng với Malaysia và Indonesia, 2 quốc gia đang cắt giảm trợ cấp xăng dầu, giá dầu thấp có thể xem là vận may vì sẽ giúp bù vào giá xăng bán lẻ.

Tuy nhiên, Malaysia - bản thân cũng là nước xuất khẩu dầu lớn - đang dần thấy các tác động tiêu cực từ giá xuất khẩu giảm.

Phải cắt giảm cổ tức

Tập đoàn dầu khí quốc doanh khổng lồ Petronas cho biết sớm hay muộn cũng phải cắt giảm cổ tức (nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức 70-75 USD/thùng trong năm sau) và mạnh tay cắt giảm các chi phí vốn (15-20%).

Trong quý 3-2014, lợi nhuận công ty đã giảm 12%, đồng nghĩa với khoản thuế và phí tài nguyên trả cho chính phủ cũng co lại. Đó thật sự là cú sốc đối với các nhà cầm quyền Malaysia vì Petronas đang đóng góp khoảng 45% vào ngân sách quốc gia.

Đầu tháng 11, công ty dầu và khí đốt lớn nhất Thái Lan PTT báo cáo lợi nhuận ròng trong quý 3 giảm đến 20% do giá dầu thô giảm ăn sâu vào thu nhập của hãng. Cùng lúc, công ty dầu mỏ lớn nhất Indonesia Pertamina cũng dự kiến công bố lợi nhuận thấp hơn trong đợt báo cáo tài chính vào ngày 31-12 tới.

Công ty dầu lớn của Mỹ là Murphy Oil - có "chân" lớn tại Đông Nam Á như Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Brunei - cho biết lợi nhuận quý 3 giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thiệt hại trên đã lây lan đến mảng đầu tư, việc làm và thăm dò dầu khí của khu vực.

Cổ phiếu dầu mỏ và khí đốt ở Đông Nam Á đang đặt dưới áp lực bán mạnh kể từ khi giá dầu toàn cầu sụt giảm, đặc biệt là sau ngày 27-11 khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng hiện tại của khối.

Tạp chí Gulf Times nhận định các nhà sản xuất dầu và nhiều công ty thăm dò lớn sẽ là những "kẻ thất bại" thảm hại nhất trên sàn chứng khoán Malaysia, Thái Lan và Singapore. Trong khi đó, Philippines có thể cảm nhận được tác động gián tiếp từ giá dầu yếu hơn.

Một mặt, nhập khẩu dầu đỡ tốn kém hơn, nhưng nếu tình trạng này kéo dài như lo sợ của nhiều nhà kinh tế dầu có thể xuống dưới 60 USD/thùng sau hơn một năm nữa thì hàng triệu lao động Philippines ở nước ngoài đang làm việc tại các quốc gia sản xuất dầu ở Trung Đông có thể mất việc, kéo theo lượng kiều hối gửi về nước giảm.

Nghiên cứu trong những năm qua cho thấy lượng kiều hối đưa về Philippines có mối tương quan trực tiếp với sự phát triển của giá dầu.

Philippines - cùng Ấn Độ và Trung Quốc là những nước xuất khẩu lao động lớn nhất thế giới - đã nhận kiều hối 25 tỉ USD trong năm 2013 - hơn 8% GDP nước này. Vì thế sẽ dễ dàng thấy được áp lực giá dầu rẻ đè nặng lên Philippines.

"Món quà Giáng sinh sớm"

Tuy nhiên, không ít người được hưởng lợi từ tình hình giá dầu như hiện nay. Các hãng hàng không trong khu vực và nhiều công ty vận chuyển, thậm chí nhà sản xuất xe hơi cũng tận hưởng giá cổ phiếu tăng cao.

Những hãng hàng không lớn, như Singapore Airlines, Garuda Indonesia và Thai Airways, đều nói giá dầu rẻ không chỉ giúp họ giảm đáng kể chi phí hoạt động mà còn cho phép họ giảm giá vé và thu hút nhiều khách hàng hơn.

Thậm chí trên trang Twitter của mình, giám đốc hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á AirAsia Tony Fernandes còn ví sự sụt giảm giá xăng dầu là "món quà Giáng sinh sớm", và nó sẽ giúp thương hiệu AirAsia vốn thua lỗ trường kỳ trước đó trở lại sinh lợi vào năm tiếp theo.

CHÂU LUÂN (Theo Gulf Times, FT)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên