05/12/2024 14:00 GMT+7

Đồng Nai đẩy mạnh bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

Đồng Nai quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đẩy mạnh di dời cơ sở không phù hợp và ứng dụng công nghệ cao nhằm phát triển bền vững.

Đồng Nai đẩy mạnh bảo vệ môi trường trong chăn nuôi - Ảnh 1.

Chuồng trại chăn nuôi dê thịt hộ gia đình của anh Lê Ngọc Hiệp Hoàng (ngụ xã Ngọc Định, huyện Định Quán) lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời và camera quan sát - ẢNH: Đ.Nhi

Là "thủ phủ" chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai đang đối mặt với bài toán ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép, đồng thời áp dụng các giải pháp công nghệ cao vào quy trình chăn nuôi và xử lý chất thải.

Tính đến cuối tháng 9-2024, toàn tỉnh đã di dời hoặc ngưng hoạt động 1.739 cơ sở, đạt gần 58% mục tiêu lộ trình năm 2024. Nhiều huyện có tổng đàn chăn nuôi lớn như Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc đã tích cực xử lý các vi phạm môi trường và đạt kết quả đáng ghi nhận. 

Riêng huyện Thống Nhất, trong năm 2023, đã xử phạt 105 trường hợp vi phạm với tổng số tiền trên 2,1 tỉ đồng. Hầu hết các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường tại đây đã ngưng hoạt động hoặc di dời theo đúng lộ trình.

Đồng thời, ngành chăn nuôi của tỉnh đang chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Các trang trại quy mô lớn đã đầu tư bài bản vào hệ thống xử lý chất thải, áp dụng chuồng lạnh, chuồng kín, đệm lót sinh học và tái sử dụng chất thải làm phân bón. 

Theo thống kê, hiện có 65% tổng đàn heo và 49% tổng đàn gà trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi; gần 84% cơ sở có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.

Đồng Nai đẩy mạnh bảo vệ môi trường trong chăn nuôi - Ảnh 2.

Nông dân huyện Cẩm Mỹ sử dụng men vi sinh tự làm phân hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp vừa tiết kiệm chi phí, vừa sản xuất an toàn với môi trường - ẢNH B.NGUYÊN

Điển hình như trang trại vịt giống tại xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) của bà Nguyễn Thị Kim Anh với 7.000 con vịt giống bố mẹ, đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, ứng dụng đệm lót sinh học và xử lý phân thành phân bón cho trồng trọt.

Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp giảm phát thải, tăng cường kiểm tra và tổ chức hội nghị, diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm về chăn nuôi an toàn, bền vững. Các trang trại gây ô nhiễm nghiêm trọng sẽ phải ngưng hoạt động hoặc điều chỉnh theo lộ trình.

Những nỗ lực trên không chỉ giúp cải thiện môi trường, mà còn tạo nền tảng để ngành chăn nuôi Đồng Nai phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên