28/12/2012 10:15 GMT+7

Dòng họ 24 ngón

SƠN LÂM - NGỌC HẬU
SƠN LÂM - NGỌC HẬU

TT - Một dòng họ ở vùng nổi tiếng gà nòi, hoa kiểng xứ dừa Bến Tre vẫn đang tiếp tục sinh ra những người có 24 ngón. Ba thế hệ của dòng họ ấy đã có 14 người sinh ra với mỗi bàn tay, chân đều có sáu ngón.

BFmyGvM8.jpgPhóng to
Hai bàn tay sáu ngón của ông Cống - Ảnh: Sơn Lâm

Chỉ cần bước qua cổng chào xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (Bến Tre) hỏi thăm ông Võ Văn Cống 24 ngón thì ai ai cũng nhiệt tình chỉ đến tận nhà. Đây là người nổi tiếng nhất của gia tộc 24 ngón...

“Danh thủ” 6 ngón

Ông Cống năm nay đã 73 tuổi, tóc, lông mày đều đã bạc nhưng vẫn còn dáng vẻ nhanh nhẹn của một nhà nông cố hữu. Chuyện gia đình ông nhiều người mang 24 ngón đã có từ lâu đời. Những ngón tay, chân mà người ta vẫn gọi là “thừa” thật ra đều bình thường như những ngón khác.

Chúng đều có xương đốt, cơ ngón phát triển từ xương bàn tay, chân và có thể cử động, thực hiện chức năng của một ngón tay, chân như những ngón khác. Ông Cống kể từ đời ông ngoại ông đã sở hữu những ngón “trời cho” như vậy.

Ông ngoại của ông Cống có 24 ngón, bà ngoại thì bình thường. Rồi họ sinh hơn mười người con thì chỉ có mẹ của ông Cống có 24 ngón. Rồi mẹ ông sinh ra chín người con trai, trong đó người con thứ ba Võ Văn Chẩn và người con út Võ Văn Cống thừa hưởng số ngón giống mẹ. Ông Chẩn năm nay đã 85 tuổi, cũng có một người con và một người cháu 24 ngón.

Còn ông Cống lấy vợ sinh 12 người con thì bốn người có bàn tay, bàn chân giống ông. Gia đình ông Cống tiếp tục “di truyền” đặc điểm này khi cô con gái thứ hai của ông sinh con gái mang 24 ngón và anh con trai thứ sáu cũng có được đứa con trai thứ giống tay, chân ông nội.

24 ngón, nhưng nếu không để ý thì chẳng ai biết những đôi bàn tay, bàn chân của ông Cống nhiều ngón hơn bình thường. Chỉ là đôi bàn chân có bè ra phía trước một chút, còn với bàn tay thì bốn ngón giữa đều nhau tăm tắp, ngón cái và ngón út thì giống người bình thường. Nếu nói “thừa” thì chẳng biết ngón nào mới là ngón thừa, ông Cống còn tếu táo với chúng tôi là ông “có hai ngón nhẫn”.

73 năm cuộc đời một người nông dân lướt qua vài câu kể. Ông bà đã là gốc vùng Chợ Lách, quần quật trên 10 công đất ông bà để lại mà lấy vợ, sinh con. Chuyện 24 ngón có lẽ cũng chẳng nổi tiếng nếu ông không phải là một “danh thủ” của xã Vĩnh Bình ngày nào.

Được trời sinh sức bền hơn người, những người già ở Vĩnh Bình nhắc lại vẫn còn trầm trồ khen những pha bứt phá lắt léo “không biết mệt” và những cú sút như đạn phá, có thể ghi bàn từ phần sân nhà của Võ Văn Cống. Thời bóng đá phong trào lấy tinh thần làm chính, đôi chân tài hoa của ông Cống dẫu có 12 ngón cũng không mấy ai để ý vì hầu hết các trận tranh giải ở địa phương thì hơn nửa cầu thủ đều đá chân đất.

“Cho đến một lần tranh giải huyện, ban tổ chức bắt buộc cầu thủ phải mang giày. Tui cũng được đội chuẩn bị cho một đôi giày nhưng đa số giày thường bó đầu, còn phần trước bàn chân tui thì bè ngang. Mang vào chạy một vòng đã muốn bỏng rộp chân nên tui phải dự bị, để nửa chừng trọng tài không để ý mới... thay vào đá chân không” - ông Cống cười kể.

Từ trận đấu đó, cả vùng biết đến “tiền đạo sáu ngón” Võ Văn Cống. Rồi từ đó, chuyện nhà ông có nhiều người 24 ngón cũng được quan tâm. Ông Cống gật gù: “Giờ chẳng biết do tui đá bóng được hay do nhà tui nhiều người có 24 ngón mà cả xứ này biết tui nữa”.

R2rioTKp.jpgPhóng to
Bàn chân sáu ngón đều tăm tắp của ông Cống - Ảnh: Sơn Lâm

Chuyện 24 ngón

Ông Cống cho biết chiếc cầu bắc ngang sát con rạch bên nhà ông đang được chuẩn bị gắn biển tên là “cầu Ông Cống”, cũng vì thường được người dân trong xã làm “mốc” chỉ đường mỗi khi có khách lạ đến... xem 24 ngón của ông và những người trong gia đình.

Với những người này, chuyện họ có hơn người khác bốn ngón chân, tay là rất đỗi bình thường. Nhưng đôi lúc sự “nổi tiếng” bất đắc dĩ cũng làm vài thành viên trong gia đình không vui. Chuyện 24 ngón của gia tộc nhà ông Cống, nhiều giả thiết khoa học đặt ra là do hôn nhân cận huyết thống từ đời trước mà có. Nên không như những người có ngón thừa ở tay, mà thường là đốt thịt dư ở ngón cái, một vài người nhà ông Cống cũng hay bị trêu chọc tiêu cực.

“Tui có một đứa con với bà vợ khác cũng mang 24 ngón. Nhiều người đùa cợt làm những người hiếu kỳ tìm đến. Chứ tui thì thấy bình thường, mình có phải bị dị tật gì đâu. Con tui đứa nào tới tuổi rồi cũng lấy chồng, làm ăn như ai...” - ông Cống kể.

Cô con gái thứ chín của ông giờ đã lấy chồng, nhưng lúc nhỏ đi học cũng vì thấy tay chân sáu ngón thì không đẹp, khó lấy chồng nên nài nỉ xin bố mẹ đi tháo khớp, cắt ngón. Đó cũng là trường hợp duy nhất trong nhà ông dùng đến phẫu thuật tháo ngón.

Một đứa cháu của ông lúc nhỏ đi học mẫu giáo, khi cô giáo dạy đến câu hát “năm ngón tay sạch đều” thì thắc mắc bởi đếm đi đếm lại vẫn cứ thấy bàn tay mình có sáu ngón.

Con ông Cống phần lớn theo nghề nông, quanh năm quanh quẩn ở mảnh vườn nhà, chuyện họ quen đi chân đất riết rồi cũng trở thành đề tài đàm tiếu. “Đi chân đất thấy thoải mái hơn, khi cần thì tui cũng mang dép chứ có sao đâu” - ông Cống nói.

Tuy nhiên, cho dù người xung quanh có thế nào thì ông Cống vẫn xem đó là đặc điểm “trời sinh cho mình”, cũng như ông tự hào về việc ở tuổi thất thập cổ lai hi vẫn ngày ngày vun đất làm vườn, lao động nuôi con cháu. Vì vậy, với ông 24 ngón cũng như 20 ngón mà thôi. Có sao đâu!

Theo trang web wikipedia tiếng Việt (www.vi.wikipedia.org), dị tật thừa ngón (còn gọi là polydactyly, polydactylism) là một dị tật bẩm sinh của con người có thừa số ngón chân hay ngón tay. Ngón thừa thường là một mô nhỏ, phần lớn có xương mà không có khớp, hiếm khi hoàn thiện đầy đủ chức năng của một ngón. Ngón thừa phần lớn nằm về phía gần xương cẳng tay, hiếm khi ở về phía xương quay (ngón cái), và cực kỳ hiếm gặp nó nằm ở giữa. Ngón thừa thường tạo thành một cái trạc với ngón đã có, và hiếm khi bắt nguồn từ cổ tay như các ngón thông thường.

Ông Nguyễn Văn Thắng, phó giám đốc Sở Y tế Bến Tre, cho biết trường hợp 24 ngón tay của một số người trong nhà ông Võ Văn Cống có thể là do dị tật thừa ngón. Tuy nhiên việc các ngón tay đều đặn như thế, khả năng di truyền qua nhiều thế hệ như gia đình này là rất hiếm. Sở Y tế Bến Tre sẽ sắp xếp để kiểm tra trường hợp đặc biệt này.

SƠN LÂM - NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên