06/08/2012 09:02 GMT+7

Đồng hành với người lầm lỡ

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay...”. Nhạc đánh rộn ràng. Trên sân khấu, năm “ca sĩ” nhiệt tình ra sức hát thật lớn, dù nhiều chỗ còn sai nhạc. Bài hát kết thúc, phía dưới khán phòng vang lên những tiếng “Tiếp đi, tiếp đi” đầy phấn khích.

Trang phục của “ca sĩ” thật đặc biệt: áo sơmi chưa kịp cài hết nút, áo thun hầm hố in hình con cọp ở trước ngực. Trang phục, tóc tai của khán giả càng đa dạng: quần lửng, áo chim cò, tóc dài, tóc nhuộm, có bạn xỏ khuyên tai. Những ai đã một lần nghe những thanh thiếu niên từng bị xem là chưa ngoan, là cá biệt hồn nhiên hát những bài hát về tuổi trẻ sẽ hiểu đó là một cảm giác rất đặc biệt.

Đặng Tú Duy, nhà ở phường Nguyễn Thái Bình - một trong năm “ca sĩ” được chọn diễn báo cáo trong buổi tổng kết chương trình bồi dưỡng kỹ năng sống đến cộng đồng Q.1, TP.HCM vào cuối tháng 7 - gãi đầu thú thật: “Mấy bài hát về thanh niên kiểu này thiệt tình là em thích nhưng trước giờ đâu có dịp hát. Đi với tụi bạn mà hát mấy cái này nó cười chết”.

Duy năm nay 17 tuổi, học tới lớp 6 thì nghỉ. Hồi trước, Duy có học sửa xe, ra nghề kiếm được tiền. Nhưng rồi nghe bạn bè rủ rê, Duy bắt đầu “độ” xe và trở thành tay đua xe có hạng. Bây giờ Duy muốn có công việc làm đàng hoàng. Mấy cô chú ở phường đã hứa giúp.

Lê Nguyễn Bảo Anh, nhà ở P.Tân Định, tâm sự: “Khi nhận được thư mời của phường kêu đi học, em phân vân lắm. Học thì được cái gì, lại phải thức dậy sớm”. Bảo Anh định chỉ đi học thử một ngày. Ngày học đầu tiên, Bảo Anh được thầy giáo kể cho nghe những câu chuyện về tình cảm gia đình. Chuyện thầy kể thật hay. Em đã khóc. Ngày quận làm lễ tổng kết lớp học, Bảo Anh lên phát biểu cảm tưởng trước hàng trăm người. Đó là một thay đổi lớn vì trước giờ Bảo Anh rất lầm lì, khó bảo. Người lớn hỏi tới, em chỉ cúi gằm mặt, không thèm phản ứng.

Còn anh Đỗ Văn Phát, nhà ở P.Phạm Ngũ Lão, chia sẻ: “Thú thật lúc đầu tôi chỉ đi học vì 100.000 đồng tiền bồi dưỡng. Nhưng càng nghe giảng, tôi càng ngồi im. Tôi rất mong cho tuần sau mau tới để tôi lại được nghe thầy giảng. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình rất khác trước. Tôi muốn làm được những điều có ích cho cuộc sống này”.

Sáng kiến tổ chức các lớp dạy kỹ năng sống cho thanh thiếu niên cá biệt, chưa ngoan, người hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng và cả những phụ huynh của các đối tượng này đã được Quận ủy Q.1 thực hiện từ cuối năm 2011. Điểm thú vị là phần nhiều các lớp học đều có sự góp mặt của cán bộ lãnh đạo chủ chốt của quận cùng tham gia, cùng chia sẻ với học viên. Hôm thì bí thư quận ủy dự, hôm thì lãnh đạo ban tuyên giáo, trung tâm bồi dưỡng chính trị của quận thay nhau theo sát từng lớp. Quá trình gọi học viên ra lớp cũng kỳ công: sau khi gửi thư mời, cán bộ đến từng nhà thuyết phục học viên đi học thử. Học viên chịu đi học rồi, phường tổ chức xe đưa rước, tặng gạo, tặng quà, mua sách cho học viên. Gia đình nào khó khăn, phường còn giúp đỡ vật chất để học viên an tâm đi học.

Nhóm bạn Duy, Hoàng, Vinh ở P.Nguyễn Thái Bình khoe với chúng tôi quyển sách Nhà lãnh đạo không chức danh vừa được bác Cần cho. Chúng tôi hỏi bác Cần là ai, Hoàng trả lời rành rọt: “Bác Lê Bá Cần, bí thư quận”.

Cô Nguyễn Thị Bích Hồng - giảng viên khoa tâm lý ứng dụng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, người được ban tổ chức mời về dạy - nhận xét: “Điều quý nhất là chương trình này được bắt đầu và nuôi dưỡng bằng những tấm lòng. Học viên tham dự lớp học ban đầu đều có thái độ tự vệ. Nhưng thái độ đó đã dần mất đi khi họ cảm nhận được tấm lòng của người tổ chức, khi mà cả những lãnh đạo cao nhất của quận, các cán bộ của ban ngành, đoàn thể đã cùng với giảng viên tha thiết và chân thành muốn được làm bạn với họ”.

Và những tấm lòng đã chạm đến những tấm lòng.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên