Động đất ở Trung Quốc, ít nhất 100 người chết
Phóng to |
Một người đàn ông bị thương đang được chăm sóc y tế tại bệnh viện sau khi xảy ra động đất ở Tứ Xuyên - Ảnh: Reuters /Tân Hoa xã |
Vụ động đất xảy ra lúc 8g02 (tức 7g02 giờ Việt Nam) chủ yếu tại huyện Lô Sơn, TP Nhã An, nhưng dư chấn được cảm nhận ở nhiều thành phố và khu vực xung quanh. Không ít người bật khỏi giường ngủ và lao thẳng xuống phố tìm cơ hội thoát thân.
Ác mộng của người Tứ Xuyên
Theo thống kê của Cục Động đất Trung Quốc và chính quyền huyện Lô Sơn, trận động đất 7 độ Richter với tâm chấn sâu 13km đã phá hủy hơn 10.000 căn nhà ở thành phố Nhã An và tạo ra hơn 260 dư chấn tại các vùng lân cận. Thành phố Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, cách tâm chấn 110km về hướng đông - cũng chịu ảnh hưởng dư chấn. Thậm chí tại Trùng Khánh, nơi cách tâm chấn vài trăm kilômet, các tòa nhà trên cao cũng bị rung lắc. Theo số liệu của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, trận động đất này ở vào khoảng 6,6 độ Richter, tâm chấn ở độ sâu 12km.
Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới như Nga, Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Nepal đã gửi lời chia buồn với Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Matxcơva sẵn sàng hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lập tức kêu gọi tập trung sức lực nhằm giảm thiểu số người thương vong. Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Tứ Xuyên vào chiều cùng ngày để khảo sát vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của trận địa chấn. Khoảng 6.000 binh sĩ và cảnh sát đã được điều đến thành phố Nhã An tham gia công tác cứu hộ. Chính quyền Trung Quốc đã phát lệnh cảnh báo động đất đến các tỉnh thành như Tứ Xuyên, Quý Châu, Hồ Nam, Thiểm Tây, Hồ Bắc, Trùng Khánh. Nhiều cư dân cho biết tại một số khu vực ở tỉnh Tứ Xuyên còn xuất hiện tình trạng lở đất, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người dân.
Trận động đất này gợi nhớ trận động đất kinh hoàng tại huyện Vấn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên năm 2008 từng khiến 87.000 người thiệt mạng và mất tích. Vì thế, động đất vẫn là cơn ác mộng của người dân nơi đây.
Theo báo Tứ Xuyên Online, nhiều người dân tại Thành Đô bị thương do phóng từ trên cao xuống đất, họ lo sợ các tòa nhà sẽ đổ sập. Tính đến 11g ngày 20-4, Bệnh viện Nhân Dân số 1 ở Thành Đô đã tiếp nhận 19 ca gãy xương do nhảy lầu hoặc bị ngã khi tháo chạy xuống cầu thang.
Thân Nhật Phương - 26 tuổi, cựu sinh viên từng học ở Tứ Xuyên, người từng chứng kiến trận động đất năm 2008 - cho biết anh vẫn còn ám ảnh bởi cảnh tượng các khối bêtông cốt thép của tòa nhà đối diện rung lắc như một khối đồ chơi. Anh Phương cho biết cả tuần sau đó các sinh viên vẫn phải ngủ ngoài sân vận động vì lo ngại các dư chấn.
Phóng to |
Sinh viên ĐH Cát Lâm (Trung Quốc) thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân trận động đất ở Tứ Xuyên - Ảnh AFP/Tân Hoa xã |
Du học sinh Việt Nam an toàn
Anh Thân Nhật Quỳnh Anh - 22 tuổi, sinh viên khoa kinh tế Trường ĐH Giao thông Tây Nam ở Thành Đô, nơi có gần 200 lưu học sinh Việt Nam - cho biết khoảng 8g sáng 20-4, các bạn trong ký túc xá bị đánh thức vì những rung lắc dữ dội. Biết có động đất, mọi người bật dậy ào ra khỏi phòng, nhốn nháo túa chạy xuống đất, tạo nên một khung cảnh hỗn loạn. “Tôi đang ngủ thì bỗng dưng giường bị rung lắc dữ dội. Mọi người hết sức hoảng hốt. Nhiều bạn thậm chí trên người chỉ mặc quần áo ngủ. Sân ký túc xá đông nghịt người. Đến giờ mọi người vẫn còn sợ hãi. Trong lúc hoảng loạn, cái đầu tiên mà mọi người vớ lấy là hộ chiếu. Ai nấy đều tìm cách túa chạy xuống đất. Tại một số khu ký túc xá có trang bị dù, có bạn do quá hoảng loạn đã bung dù nhảy xuống đất” - Quỳnh Anh kể với Tuổi Trẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thầy Thanh Tùng, giáo viên chuyên trách du học sinh Việt Nam tại phòng quốc tế Trường ĐH Giao thông Tây Nam, cho biết mặc dù Thành Đô chịu ảnh hưởng của dư chấn nhưng các học sinh tại trường vẫn an toàn. Nhà trường đã thay đổi lịch trình tham quan du lịch để đảm bảo an toàn cho sinh viên. Thầy Thanh Tùng cho biết thêm du học sinh Việt Nam đa số tập trung tại Thành Đô nên khả năng các em học tập tại thành phố Nhã An (vùng tâm chấn) rất ít.
Cô Hạ Bình, phó phòng quốc tế thuộc Trường ĐH Giao thông Tây Nam, muốn nhờ Tuổi Trẻ nhắn nhủ: “Xin các bậc phụ huynh tại Việt Nam hãy yên tâm, các học sinh Việt Nam đều an toàn!”.
Phóng to Một sinh viên Trường ĐH Giao thông Tây Nam nhảy dù để thoát thân- Ảnh do du học sinh VN gửi Tuổi Trẻ
"Tuy đây là lần thứ hai chứng kiến động đất tại Tứ Xuyên, tôi cũng không khỏi hoảng sợ khi thấy bàn ghế và kệ sách trong phòng chao đảo"
Anh Đỗ Ngọc Linh(23 tuổi, sinh viên khoa tài chính - ngân hàng ĐH Giao thông Tây Nam)
Không có đoàn du khách Việt Nam sang Tứ Xuyên Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-4, các công ty du lịch Saigontourist, Vietravel, Bến Thành Tourist, Fiditour, TST... cho biết vào thời điểm này họ không có đoàn khách nào ở Tứ Xuyên. Tổng giám đốc Công ty TzST Lại Minh Duy cho biết năm trước các công ty du lịch đưa khách sang Trung Quốc và đặc biệt là Tứ Xuyên khá nhiều, nhưng gần đây các tour sang Trung Quốc nhìn chung khó bán. Hiện chỉ có Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đang có đường bay thẳng từ TP.HCM, Hà Nội đến Thành Đô và đang có chương trình khuyến mãi nên cũng có thể có nhiều du khách VN đi lẻ, theo nhóm có thể đã đến Thành Đô trong khoảng thời gian này. Đại diện VNA cho biết đã kiểm tra danh sách khách trong khoảng thời gian ngày 20-4 và trên các chuyến bay từ Thành Đô về TP.HCM và Hà Nội trong các ngày 21, 24 và 26-4 thì không thấy có khách đoàn. Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel Trần Đoàn Thế Duy cho biết công ty vừa có đoàn trở về từ Thành Đô và đến ngày 8-5 thì có đoàn mới sang. Trong ngày 20-4, ông đã liên lạc với đối tác tại Thành Đô và được biết nơi xảy ra động đất ở Tứ Xuyên nằm khá xa TP Thành Đô (hơn 100 km) và nơi xảy ra động đất không nằm trong chương trình tour du lịch thông thường tại Thành Đô. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận