Sáng 14-9, tại TP Cần Thơ đã diễn ra "Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, thu đông mùa 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Lũ năm 2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long là lũ nhỏ
Tại hội nghị, ông Trần Bá Hoằng - viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam - đã có báo cáo đánh giá tình hình nguồn nước trong sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 và khuyến cáo các giải pháp sử dụng nước hiệu quả tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Hoằng, dự báo tổng lượng mưa năm 2023 khoảng 1.350mm, chỉ cao hơn 1% so với năm 2015 (năm hạn hán khốc liệt) và thiếu hụt khoảng 13% so với trung bình nhiều năm.
Từ kết quả của dự báo mưa, dự báo dòng chảy và tích lũy nước từ các hồ chứa ở khu vực thượng lưu, dự báo mùa lũ năm nay ở Đồng bằng sông Cửu Long là lũ nhỏ, diễn ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.
Về xâm nhập mặn, dự báo mùa khô năm 2023 xâm nhập mặn xuất hiện sớm so với trung bình nhiều năm 1 tháng (bắt đầu vào giữa hoặc cuối tháng 12), muộn hơn so với năm 2015 - 2016 khoảng 10 ngày.
Tuy nhiên, ông Hoằng cho rằng tình hình nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào vận hành nhiều hồ thủy điện ở thượng lưu, nên việc dự báo như trên là dựa theo quy luật chung, nếu có bất thường trong thời gian tới có thể làm xâm nhập mặn tiến sâu hơn.
Dự báo tình trạng thiếu nước ngọt tại một vùng 66.000ha thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng nên khuyến cáo tăng cường quan tâm và có giải pháp cho vùng này.
"Riêng mùa mưa năm nay dự báo kết thúc sớm nên khả năng xảy ra thiếu nước vùng sản xuất lúa tôm tập trung ở Kiên Giang, Cà Mau với khoảng 38.000ha, nên hai địa phương này lưu ý bổ sung giải pháp về nguồn nước để đáp ứng độ mặn cho nuôi thủy sản.
Ngoài ra, dự báo có 43.300ha cây ăn trái ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng. Các vùng cần lưu ý tích nước từ đầu mùa khô để sử dụng trong suốt mùa khô. Vụ đông xuân cần xuống giống sớm, hết năm 2023 phải cơ bản xong. Khu vực bán đảo Cà Mau cần thực hiện đắp đập tạm, nạo vét kênh mương trước khi mùa mưa kết thúc", ông Hoằng khuyến cáo.
Từ nay tới hết tháng 9 không có bão, áp thấp nhiệt đới
Tại hội nghị, ông Lê Đình Quyết - trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cũng nêu những dự báo tình hình thời tiết, thủy văn trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Cụ thể, từ nay tới tháng 4-2024 vùng sẽ chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Về tình hình mưa, những tháng cuối năm phổ biến ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nhiều.
Trong tháng 10 và đầu tháng 11 sẽ có những trận mưa to, nhưng dự báo mùa mưa kết thúc sớm (phổ biến ở Nam Bộ trước 15-11), do đó mưa chỉ tập trung từ nay tới cuối tháng 9 và trong tháng 10 là chính, các địa phương cần có kế hoạch tích trữ nước.
Về thời tiết nguy hiểm, dự báo từ nay tới cuối năm 2023 Việt Nam xuất hiện tối đa 6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đất liền. Ông Quyết cho rằng đã tham khảo các dự báo trên thế giới cũng như vậy.
Về nguồn nước, ông Quyết cho biết tổng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong sẽ giảm 10% đến 25%, do đó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ đến sớm, xảy ra ở mức cao hơn, gay gắt hơn trung bình nhiều năm, nhưng khả năng sẽ ít nghiêm trọng hơn so với mùa khô năm 2019 - 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận